Một người chơi mới đây đã mất hơn 1200 điểm xếp hạng LMHT chỉ sau khoảng 10 ngày.
Với những người chơi Liên Minh Huyền Thoại (LMHT), chuyện rơi vào một chuỗi trận thua và tụt điểm xếp hạng là điều khá bình thường. Có những ngày bạn sẽ phải gặp những đồng đội chơi quá kém và thua liên tiếp 5-7 trận. Khi rơi vào chuỗi thua như vậy thì tốt nhất là tạm dừng chơi LMHT nếu không muốn tiếp tục mất điểm.
Tuy nhiên, cộng đồng LMHT mới đây đã phát hiện ra một tài khoản sở hữu kỷ lục tụt hạng cực kỳ đáng nể. Cụ thể, một tài khoản ở mốc Thách Đấu gần 1000 điểm đã tụt một mạch xuống Bạch Kim IV 0 điểm chỉ sau khoảng 10 ngày. Ngoài ra, rất nhiều người chơi xác nhận rằng họ chưa từng thấy chuỗi tụt điểm nào nhanh chóng tới như vậy.
Sau khi tìm hiểu thì cộng đồng LMHT lại tỏ ra cực kỳ hả hê khi người chơi kể trên thua liên tục. Lý do là bởi người chơi này có trình độ thực tế chỉ là Sắt mà thôi. Tài khoản Thách Đấu kể trên được người chơi này mua lại. Rõ ràng một người chơi có trình độ thấp như vậy sẽ chẳng thể thắng trận khi được đặt vào mức xếp hạng Thách Đấu.
Chuỗi thua kể trên còn nặng nề tới mức khiến mức xếp hạng ẩn của tài khoản tụt xuống Bạc. Có lẽ chỉ cần thua thêm vài trận đấu nữa là người chơi này sẽ quay trở lại với đúng mức xếp hạng của mình (Sắt). Đây rõ ràng là một vụ mua bán tài khoản siêu lỗ khi người chơi này bỏ tiền ra để nhận lại chuỗi thua kỷ lục.
Về phía cộng đồng LMHT, không ít người cho rằng Riot Games nên cấm vĩnh viễn tài khoản kể trên. Lý do là là bởi nó đã phá hoại rất nhiều trận đấu. Hơn nữa, việc mua bán tài khoản là điều bị cấm hoàn toàn trong LMHT. Có lẽ đã tới lúc Riot Games cần ra tay để ngăn chặn tài khoản này tiếp tục phá hoại các trận đấu (dù không cố ý).
Video của nam TikToker này được cho là không phù hợp khi có những lời dọa dẫm khiến trẻ sợ sệt.
Không thể phủ nhận sự sáng tạo của giới trẻ trong việc đổi mới không ngừng nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này khiến cho hình ảnh của họ liên tục được mới mẻ, ghi dấu ấn với cộng đồng. Trong số những người làm sáng tạo nội dung, L.C là cái tên có nét chấm phá riêng với phong cách độc đáo, không "đụng hàng". Tuy nhiên, những video mới nhất của TikToker này lại đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, thời gian gần đây, anh nổi bật với series hài hước "Cuộc đời của T.T". Sử dụng bộ tóc giả ngắn, có trang điểm rồi hóa thân thành một cô gái có tính cách khó chiều. Đặc biệt, hình tượng này được đẩy lên cao khi anh làm nội dung "Cách cho trẻ ăn hiệu quả 100%", thu về hơn 15 triệu lượt xem.
Hình tượng T.T cầm bát cháo/ cơm, trợn ngược mắt lên và liên tục nói: "Ngoan cô Trinh thương, cô Trinh yêu, hư cô Trinh nuốt chửng nhá. Ăn đi nhanh lên". Lối diễn xuất cùng nét mặt của Long Chun có phần đáng sợ nên hiều bà mẹ cũng sử dụng video này mỗi khi cho trẻ ăn. Điều này vô tình "gieo mầm" nỗi sợ vào tâm hồn những đứa trẻ.
Mới đây, clip trái chiều này cũng đã xuất hiện trong phần mở đầu của bản tin VTV, có tựa đề: "Dạy trẻ hay dọa trẻ". Phía nhà đài bày tỏ quan điểm, lựa chọn "dọa con" như vậy có thể sẽ nhận về những hậu quả không lường.
Vẫn biết vai trò của các bậc phụ huynh quyết định nhiều trong những trường hợp không hay song ngay từ đầu nhiều người xem cũng đã tranh cãi về nội dung trái chiều này.
Vũ trụ điện ảnh Marvel đã bước vào giai đoạn 5, thế nhưng vẫn còn đó quá nhiều khúc mắc trong Avengers: Endgame mà Marvel Studios vẫn chưa thể giải đáp thỏa đáng.
Avengers: Endgame là bộ phim khép lại giai đoạn 3 của vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), đồng thời cũng là phần kết cho mạch truyện xoay quanh 6 viên đá vô cực. Cho đến nay, đây vẫn đang là dự án điện ảnh thành công nhất của Marvel Studios, với quy mô hoành tráng cùng kịch bản kịch tính và hấp dẫn.
Dẫu vậy, Avengers: Endgame vẫn không thể xem là một tác phẩm trọn vẹn khi bộ phim này vẫn để lại quá nhiều câu hỏi lớn mà đến tận bây giờ, khi MCU đã bước vào giai đoạn 5, vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Đó có thể là những chi tiết “nhá hàng” cho các dự án tương lai mà Marvel Studios chưa phát hành, hoặc đơn giản cũng có thể chỉ là những hạt sạn trong khâu xây dựng kịch bản.
Steve Rogers hiện đang ở đâu sau những sự kiện trong Endgame?
Là bộ phim khép lại kỷ nguyên vô cực (Infinity Saga) của MCU, Avengers: Endgame đã tập trung vào hành trình của 6 thành viên gốc của Biệt đội báo thù, bao gồm Tony Stark/Iron Man, Steve Rogers/Captain America, Natasha Romanoff/Black Widow, Bruce Banner/Hulk, Clint Barton/Hawkeye và Thor. Mỗi nhân vật này đều trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau từ Avengers: Infinity War cho đến Avengers: Endgame. Và có lẽ Rogers và Stark là bộ đôi được đặt ở trung tâm của sự chú ý, khi cả hai đều là những người đã gắn bó với MCU từ những ngày đầu tiên.
Endgame đã mang đến một cái kết, dù bi thương, nhưng trọn vẹn dành cho Iron Man. Siêu anh hùng này đã quyết định hy sinh thân mình để thực hiện cú búng tay vô cực, ngăn chặn binh đoàn của Thanos đến từ năm 2014 và giúp Avengers đảo ngược tình thế trong gang tấc. Tuy nhiên, hành trình và đặc biệt là cái kết dành cho Rogers trong Endgame thì lại có phần hơi mơ hồ hơn một chút.
Trên đường trở ngược dòng thời gian để trả lại những viên đá vô cực, Rogers đã quyết định ở lại quá khứ để tiếp tục mối tình còn dang dở của mình với Peggy Carter. Rất nhiều năm sau, anh đã trao lại chiếc khiên Vibranium của mình cho Sam Wilson - người hiện đang đảm nhận vai trò Captain America sau những sự kiện trong series The Falcon & the Winter Soldier. Kể từ đó, không ai biết phiên bản cao tuổi của Rogers đã đi đâu và làm những gì. Với việc huyết thanh siêu chiến binh vẫn còn được khai thác trong MCU, nhiều người tin rằng nhân vật này vẫn sẽ còn trở lại trong các dự án tương lai để hoàn thành câu chuyện còn dang dở của mình.
Tầm quan trọng của những viên Đá vô cực trong mạch truyện đa vũ trụ
Marvel Studios đã tốn hơn một thập kỷ để lần lượt đưa những viên đá vô cực vào MCU thông qua các dự án phim lẻ khác nhau, trước khi gắn kết tất cả trong Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame. Những viên đá này được coi là có vai trò tối quan trọng với sự tồn tại và cân bằng của vũ trụ. Điều này một lần nữa được nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện giữa Bruce Banner và Thượng Cổ Tôn Giả trong Endgame: Nếu một vũ trụ không có Đá vô cực thì sẽ phải đối mặt với rất nhiều thế lực đen tối vô cùng nguy hiểm.
Banner đương nhiên ý thức rất rõ về điều này. Đó là lý do vì sao anh kiên quyết phải đưa những viên Đá vô cực về đúng dòng thời gian gốc sau khi cuộc chiến với Thanos kết thúc. Tuy nhiên, có một điều mà chàng Người khổng lồ xanh đã quên mất, đó chính là những viên đá của Earth-616, thực tại chính của MCU, đã bị Thanos phá hủy hoàn toàn. Điều đó vô tình đặt dòng thời gian này vào tình thế vô cùng nguy hiểm khi không còn được bảo vệ bởi những viên thần thạch tối cao nhất.
Câu hỏi đặt ra lúc này là giờ đây, khi MCU đã bước vào kỷ nguyên đa vũ trụ, liệu 6 viên Đá vô cực có còn quan trọng đến mức đó hay không? Series Loki cho thấy chúng chẳng khác nào những cục chặn giấy tại trụ sở của tổ chức Time Variance Authority (TVA). Thế nhưng trong What If…?, Marvel lại tiếp tục cho khán giả thấy một ác nhân tầm cỡ như Ultron có thể làm được gì khi sở hữu đủ 6 viên đá này. Chính sự mâu thuẫn về mặt kịch bản đang khiến khán giả vô cùng bối rối về vai trò của chúng trong đa vũ trụ.
Điều gì đã xảy ra với Gamora phiên bản năm 2014 sau Avengers: Endgame?
Zoe Saldana ra mắt MCU với vai Gamora trong Guardians of the Galaxy (2014), con gái nuôi của Thanos, người đã cùng Star-Lord lập nên đội Vệ binh để bảo vệ thay vì đe dọa và gây nguy hiểm cho dải ngân hà. Tuy nhiên, trong sự kiện Avengers: Infinity War, nhân vật này đã bị Thanos sát hại để đổi lại viên Đá Linh hồn tại Vormir. Đây là một cái kết đầy cảm xúc cho Gamora, nhưng lại mở ra cơ hội để một biến thể khác của cô, biến thể đến từ năm 2014, gia nhập dòng thời gian chính của MCU.
Ban đầu, Gamora, khi du hành thời gian đến tương lai, vẫn một lòng trung thành với người cha nuôi của mình. Tuy nhiên, sau khi nhận ra dã tâm của Thanos cũng như những gì hắn muốn làm với Avengers, cô đã quyết định phản bội hắn và đứng về phía những người hùng can trường nhất Trái Đất. Điều đó đồng nghĩa với việc Gamora vẫn còn sống sót sau khi cú búng tay vô cực của Stark quét sạch đội quân của Thanos.
Câu hỏi đặt ra lúc này là Gamora đã đi đâu và làm những gì sau khi Endgame khép lại? Đây có lẽ sẽ là một trong những nội dung mà Guardians of the Galaxy Vol. 3 sẽ tập trung khai thác, khi Peter Quill cùng đồng đội ngao du khắp vũ trụ để tìm kiếm Gamora. Bộ phim này sẽ ra mắt vào ngày 3/5 tới đây.
Liệu Pepper Potts có trở lại MCU trong vai trò Rescue hay không?
Avengers: Endgame đã mang đến rất nhiều bất ngờ, bao gồm sự xuất hiện của Morgan con gái Tony Stark; Bruce Banner hợp nhất với Hulk để trở thành Smart Hulk; Steve Rogers quyết định ở lại quá khứ cùng Peggy Carter; hay khi Pepper Potts khoác lên mình một bộ giáp tương tự như Iron Man để sát cánh bên người chồng của mình trong cuộc chiến với Thanos. Mặc dù xuất hiện trong MCU từ năm 2008, nhưng đây mới là lần đầu tiên Potts chính thức sở hữu một bộ giáp cho riêng mình và trở thành siêu anh hùng có biệt danh Rescue, theo nguyên tác truyện tranh Marvel.
Avengers: Endgame cũng được xem là cái kết dành cho Pepper Potts, đặc biệt là khi những câu chuyện của nhân vật này đều có liên quan mật thiết đến Tony Stark. Tuy nhiên, cô vẫn sở hữu cơ hội hoàn hảo để tiếp tục kế thừa di sản của Iron Man trong MCU và đồng hành cùng các siêu anh hùng áo giáp khác như War Machine, Ironheart và thậm chí là cả Iron Lad - một biến thể của Kang the Conqueror. Armor War, dự án điện ảnh sắp ra mắt của Marvel Studios, có thể sẽ đánh dấu sự trở lại của Potts sau Endgame.
Trận động đất dưới đáy đại dương từng được đề cập đến trong Endgame
Trong phân đoạn đầu tiên của Avengers: Endgame, Okoye từng nhắc đến một trận động đất kỳ lạ dưới đáy biển sâu tại khu vực Châu Phi. Điều này không khỏi khiến khán giả liên tưởng đến Iron Man 2 - bộ phim từng “nhá hàng” về sự tồn tại của vương quốc dưới lòng đại dương Atlantis trong MCU. Tại thời điểm đó, khán giả thậm chí còn cho rằng chi tiết này chính là nền tảng để Marvel Studios đưa Namor lên màn ảnh lớn trong các dự án tiếp theo, đặc biệt là phần hậu truyện của Black Panther.
Và họ đã đúng một nửa, bởi Namor đã xuất hiện trong bom tấn Black Panther: Wakanda Forever với vai trò phản diện chính. Tuy nhiên, anh chàng này lại đứng đầu vương quốc Talokan (thay vì Atlantis), nằm sâu dưới đáy biển ở bán đảo Yucatán, Mexico. Chính vì vậy, trận động đất được nhắc đến trong Endgame có thể không hề liên quan đến Namor, và cho thấy rằng rất có thể vẫn còn một vương quốc bí ẩn khác đang tồn tại trong đại dương của MCU. Hoặc đơn giản hơn, đây có thể chỉ là một lỗi thiếu tính nhất quán trong việc xây dựng kịch bản của Marvel Studios mà thôi.
Điều gì đã xảy ra với Xandar và Nova Corps?
Xandar là một trong những địa điểm nổi bật nhất trong bom tấn Guardians of the Galaxy, và là trung tâm của đế chế Nova, quê nhà của Quân đoàn Nova - một tổ chức gìn giữ hòa bình giữa các thiên hà. Đây cũng là nơi cất giữ Đá Sức mạnh - viên đá đầu tiên mà Thanos sở hữu trước Infinity War. Khi gặp gỡ đội Vệ binh dải ngân hà, Thor tiết lộ rằng gã Titan điên loạn đã hủy diệt Xandar để khởi đầu cho kế hoạch chinh phạt vũ trụ, còn số phận của đế chế Nova đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Vào tháng 3/2022, một số báo cáo đã chỉ ra rằng Marvel Studios đang phát triển một dự án tập trung vào Richard Rider, hay còn được biết đến với tên gọi Nova - một nhân vật có liên quan đến Quân đoàn Nova trong nguyên tác truyện tranh. Đến nay, có rất ít thông tin liên quan đến dự án này được tiết lộ, thế nhưng đây có thể xem như một cơ hội hoàn hảo để Marvel Studios tái hiện lại cuộc tấn công của Thanos vào Xandar trên màn ảnh.
Màn chào sân của Captain Britain
Hành trình du hành thời gian trong Endgame đã đưa Avengers trở lại một số khoảnh khắc đáng nhớ nhất của MCU. Trong đó có thể kể đến trận chiến tại New York vào năm 2012, chuyến ghé thăm Asgard của Jane Foster vào năm 2013 trong Thor: The Dark World, hay thậm chí là cả điệu nhảy mang tính biểu tượng của Peter Quill trong Guardians of the Galaxy năm 2014. Hành trình này cũng mở ra nhiều câu chuyện mới trong quá khứ, đặc biệt là khi Rogers và Stark trở về căn cứ đầu tiên của S.H.I.E.L.D tại trại Lehigh vào năm 1970.
Trong quá trình tìm kiếm hạt Pym để có thể trở về thực tại, Rogers đã bước vào văn phòng của Peggy Carter và tình cờ nghe được cuộc trò chuyện liên quan đến một nhân vật có tên Braddock. Đối chiếu với nguyên tác, Brian Braddock là một siêu anh hùng người Anh, ra mắt vào năm 1976 và hoạt động với danh nghĩa Captain Britain. Anh là một siêu chiến binh và là thành viên của Quân đoàn Captain Britain trong đa vũ trụ Marvel. Chi tiết này, cộng với mảng nội dung đa vũ trụ đang được khai thác rất mạnh trong MCU, cho thấy Braddock có thể sẽ sớm xuất hiện trong một dự án tương lai gần của Marvel Studios.
Bruce Banner đã trở thành Smart Hulk bằng cách nào?
Bruce Banner là một trong những nhân vật lâu đời nhất của MCU, từng được Edward Norton thủ vai trong The Incredible Hulk (2008) trước khi Mark Ruffalo tiếp quả từ năm 2012. Banner có thể xem là một trong những nhân vật đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhất, từ một con quái vật khổng lồ không thể kiểm soát cơn giận dữ của mình, cho đến một đấu sĩ có chút tri giác hơn trong Thor: Ragnarok, và cuối cùng là Smart Hulk, phiên bản hợp nhất giữa Banner và Hulk, trong Avengers: Endgame.
Series She-Hulk: Attorney at Law đã hé lộ rằng Banner và Stark từng dành rất nhiều thời gian để tìm cách giúp hai nhân cách Banner và Hulk trở nên hòa hợp với nhau. Tuy nhiên cho đến nay, Marvel Studios vẫn chưa đưa ra lời giải thích cụ thể cho quá trình tạo ra Smart Hulk.
Kể từ khi được phát hành, "Ghosted" đã bị chê tơi tả bởi giới chuyên môn nhưng ít nhất phim cũng ghi điểm với khán giả nhờ các vai cameo thú vị.
Mới được phát hành cho dịch vụ stream Apple TV+ vào cuối tuần trước, "Ghosted" là bộ phim thứ ba có sự hội ngộ của cặp diễn viên Chris Evans và Ana de Armas. Không chỉ có vậy, nam diễn viên từng vào vai Captain America thậm chí còn "rủ rê" vài người bạn từ Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) để tạo thêm điểm nhấn bất ngờ cho phim.
Trong "Ghosted", Chris Evans vào vai nam chính mang tên Cole, và lần này, nam diễn viên đã đóng một vai tương phản với hình ảnh thường thấy, bởi Cole là một chàng trai rất đỗi thông thường, thậm chí yếu đuối không thể bảo vệ bản thân. Ngược lại, Ana de Armas vào vai người hùng xinh đẹp có tên Sadie, và cô ấy luôn phải ra tay cứu mạng Cole. Về cơ bản, bộ phim được đầu tư bởi Apple TV+ là một phim hành động bóng bẩy, có đầy ngôi sao đắt giá mà các nền tảng stream vẫn thường sản xuất.
Không may, bộ phim này đã tiếp nối xu hướng của các phim cùng thể loại là đón nhận đánh giá chủ yếu từ mức trung bình trở xuống khi hiện đang đạt điểm số 5,8/10 trên IMDb và 35/100 trên Metacritic. Nói một cách đơn giản, các vai diễn cameo thú vị đã không thể che lấp những khuyết điểm của "Ghosted" trên phương diện cốt truyện, lời thoại, và chất xúc tác giữa hai nhân vật chính.
Ít nhất, bộ phim cũng đã cố gắng mang tới những giây phút giải trí cho khán giả bằng vô số vai diễn khách mời xuất hiện cực bất ngờ. Dù là vai cameo từ diễn viên nổi tiếng vì vai cameo, hay sự xuất hiện tinh tế của chính đạo diễn phim, "Ghosted" dường như ưu tiên yếu tố này hơn cả câu chuyện chủ đạo. Trong đó, các vai cameo từ những diễn viên Marvel là phần hấp dẫn nhất của bộ phim.
Anthony Mackie, người vào vai Falcon và giờ là Captain America mới trong MCU, đóng vai một thợ săn tiền thưởng gọi là "The Grandson of Sam". Trong khi đó, Sebastian Stan, người hiện vẫn giữ vai Winter Soldier, xuất hiện ở vai một thợ săn tiền thưởng đối địch có biệt hiệu "God". Hai nhân vật này xuất hiện trong cùng một trường đoạn kéo dài khoảng 5 phút khi họ tranh nhau bắt giữ Cole và Sadie, cho tới lúc bị tiêu diệt bởi một thợ săn tiền thưởng khác. Tim Blake Nelson, người vào vai Samuel Sterns trong "The Incredible Hulk" và sẽ trở lại trong "Captain America: New World Order", cũng góp mặt trong phim ở vai một tay buôn vũ khí.
Đặc biệt, "Ghosted" cũng có sự tham gia của Ryan Reynolds, nam diễn viên sẽ chính thức trở thành một phần của MCU trong năm 2024 với "Deadpool 3". Trong phim, Reynolds đóng vai một trong những người tình cũ của Sadie và mang tới lời thoại cùng tình huống hài hước cho khán giả. Ngoài những bộ phim hành động cho Netflix của riêng mình, Reynolds thường xuất hiện cameo trong những phim bom tấn khác, ví dụ trong "Hobbs & Shaw" và "Bullet Train". Evans và Reynolds dường như thích vào vai cameo trong phim của nhau, bởi Evans từng góp mặt một vài giây trong "Free Guy". Do vậy, Evans có thể sẽ tiếp tục điều này và xuất hiện cameo góp vui trong "Deadpool 3".
Chuột chũi mù là một loài phân bố từ Đông Nam châu Âu đến Iran. Loài này là đối tượng quan trọng trong các nghiên cứu y học nhằm kéo dài tuổi thọ và khả năng chống ung thư cho con người.
Thế giới của chúng ta tràn ngập những sinh vật kỳ lạ và thú vị. Thỉnh thoảng, bạn có thể bắt gặp hoặc đọc về một loài mà bạn không thể quyết định rằng vẻ ngoài của chúng dễ thương, đáng yêu hay hết sức đáng sợ! Chuột chũi mù cũng là một trong số đó, chúng có thể khiến bạn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như vậy.
Chuột chũi mù thuộc họ Spalacidae và chúng có 2 phân loài khác nhau: chuột chũi mù nhỏ (Spalax leucodon), và chuột chũi mù lớn. Chúng chủ yếu được tìm thấy xung quanh phần phía đông của Địa Trung Hải và Biển Đen, từ Balkan qua Ukraine, Tiểu Á, Syria, Palestine, và vào Ai Cập và Libya. Chúng là loài gặm nhấm sống dưới lòng đất được bao phủ bởi lớp lông dày đặc, có vẻ như không có tai và không có mắt, với những chiếc răng lớn nhô ra bên ngoài miệng.
Đôi mắt của chuột chũi mù nằm ở đâu?
Tất cả những con chuột chũi mù, như tên gọi của chúng, đều bị mù. Nhưng điều đó không có nghĩa là loài vật này không có mắt. Trên thực tế, chúng không mù hoàn toàn và chúng sở hữu đôi mắt khá thô sơ, với đường kính khoảng 1 mm nằm dưới da và lông. Nhưng đôi mắt này phục vụ một mục đích khác rất nhiều so với mắt của con người. Đôi mắt của loài chuột chũi mù chỉ có thể cảm nhận được ánh sáng. Người ta đã nghiên cứu rằng việc loại bỏ mắt sẽ làm rối loạn nhận thức về quang kỳ của chúng.
Điều hòa thân nhiệt, sinh sản và ngủ đông – tất cả những hành vi này đều quan trọng ở động vật có vú, những điều này đòi hỏi chúng phải nhận ra những thay đổi trong quang kỳ. Do đó, đôi mắt nhỏ của chuột chũi mù có chức năng quan trọng giúp chúng hiểu được các điều kiện xung quanh. Võng mạc của đôi mắt không hoạt động của chúng có các tế bào cảm quang có thể thu thập ánh sáng ít ỏi xuyên qua đất và do đó hoạt động giống như một máy đo ánh sáng.
Chuột chũi mù là đối tượng nghiên cứu của khoa học do khả năng chống ung thư
Chuột chũi mù không bị ung thư vì các tế bào của chúng có thể tự kết thúc vòng đời bằng một loại protein có độc khi chúng nhân lên nhanh chóng. Chúng có thể sống tới 20 năm, tức là dài hơn ít nhất 10 lần so với một con chuột có kích thước tương tự. Khả năng chống ung thư của chúng có thể giải thích ở một mức độ nào đó về tuổi thọ này.
Trên thực tế, một nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tất cả những con chuột chũi mù đều có khả năng chịu đựng các liều thuốc hóa trị rất cao với tác dụng phụ tối thiểu. Các nhà khoa học hy vọng rằng nếu họ có thể tìm hiểu thêm về cách chính xác những con chuột chũi mù đạt được sức đề kháng này, thì có thể phát triển một phương pháp điều trị ung thư cho con người có thể khai thác các khía cạnh tích cực và có lợi mà không tạo ra bất kỳ tác hại nào.
Những sự thật thú vị khác
1. Những con chuột chũi mù không dùng móng vuốt để đào hang
Hầu hết các loài gặm nhấm đào hang dưới lòng đất sẽ sử dụng móng vuốt của chúng để đào hang, nhưng những người bạn nhỏ này thì không. Tất cả những con chuột chũi mù đều sử dụng đầu, mõm và chủ yếu là miệng để tạo ra những mê cung đường hầm phức tạp dưới lòng đất.
Chúng có những chiếc răng cửa to như cái đục và cơ hàm mạnh mẽ giúp chúng có thể đào được những khối đất nặng gấp mười lần trọng lượng của chúng.
2. Chuột chũi mù có thể sống được ở những nơi có nồng độ oxy gần như bằng không
Chuột chũi mù có thể sống trong điều kiện oxy cực thấp. Chúng có thể tồn tại tới năm giờ ở mức oxy thấp nhất là 3%. Theo nghiên cứu, chúng cũng có thể tồn tại trong bầu không khí có 80% CO2.
Người ta đã quan sát thấy rằng khi lượng oxy xuống rất thấp, chuột chũi mù sẽ rơi vào trong trạng thái chuyển hóa giống như thôi miên, và nhịp tim của chúng giảm xuống rất thấp. Nhưng khi có lại oxy, chúng có thể hồi phục hoàn toàn và tiếp tục hoạt động như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Các nhà khoa học nghiên cứu về loài chuột chũi trụi lông cho rằng loài chuột chũi sống sót mà không cần oxy bằng cách tự biến mình thành thực vật – tất nhiên không phải theo nghĩa đen. Các động vật có vú khác, bao gồm cả chúng ta, phân hủy đường glucose để tạo ra năng lượng, nhưng quá trình đó cần có oxy, và nếu không có oxy, các tế bào não sẽ bắt đầu chết! Nhưng chuột chũi có hàm lượng fructose và sucrose cao trong cơ thể, cũng như GLUT5, một phân tử có thể vận chuyển fructose vào tế bào của chúng. Theo đó chúng sẽ sử dụng đường fructose làm năng lượng, thay vì phân hủy đường glucose.
3. Các nhà khảo cổ Israel nghĩ rằng chuột chũi mù có thẻ trở thành trợ thủ đắc lực trong quá trình khai quật
Các nhà khảo cổ học Israel cho rằng những con chuột chũi mù có thể là những thành viên có năng lực trong nhóm để giúp họ khai quật các di tích lịch sử. Nó có vẻ giống như một đề xuất buồn cười, nhưng trên thực tế, loài vật này là những thợ đào cừ khôi và có thể đào đất nặng gần gấp mười lần trọng lượng của chúng.
Theo đó, nếu được huấn luyện, chúng có thể giúp các nhà khảo cổ đào các vật thể lịch sử từ dưới lòng đất. Ngoài ra, bằng cách nghiên cứu một cách có hệ thống chất bẩn từ chuột chũi, các nhà khảo cổ học có thể có một ý tưởng khá chính xác về những khu vực mà họ nên tập trung vào khi tiến hành khai quật.
Thành thật mà nói, chuột chũi là những sinh vật kỳ lạ, độc đáo và vẫn tiếp tục gây tò mò cho các nhà khoa học về đặc điểm sinh học của chúng.