Thế kỷ thứ 19, Mỹ và Vương quốc Anh chuẩn bị chiến tranh, mà nguyên nhân chỉ do… một con lợn bị giết.
Vào thế kỷ thứ 19, một cuộc tranh chấp liên quan đến phân định biên giới xảy ra giữa bang Washington của Mỹ và đảo Vancouver ở British Colombia, Canada (thuộc địa của Anh lúc đó). Căng thẳng lên đến đỉnh điểm, hai nước chuẩn bị chiến tranh, mà nguyên nhân chỉ do… một con lợn bị giết.
Bối cảnh cuộc xung đột
Căn nguyên của cuộc xung đột được cho là từ vụ tranh chấp ranh giới đầu thế kỷ 19 giữa Vương quốc Anh và Mỹ. Năm 1818, một hiệp ước được ký kết hy vọng sẽ tránh được xung đột, bằng cách cho phép công dân của cả hai quốc gia tự do đi lại tại khu vực chồng lấn và các tuyến đường thủy quan trọng.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng giữa hai bên vẫn không hề giảm. Năm 1846, một thỏa thuận khác được ký kết, có tên là “Hiệp ước Oregon”, xác định ranh giới mở rộng qua đường vĩ tuyến 49 của vĩ độ Tây, cho đến “giữa kênh phân tách lục địa khỏi đảo Vancouver”. Theo đó, biên giới sẽ đi về phía Nam tới eo biển Juan De Fuca trước khi đổ ra biển.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã nảy sinh sau đó, như chủ quyền của quần đảo San Juan nằm giữa hai eo biển Rosario và Haro không được đề cập. Không có gì ngạc nhiên khi cả hai bên đều chọn eo biển phù hợp với lợi ích của họ để giải thích hiệp ước. Người Mỹ chọn eo biển Haro, trong khi người Anh chọn eo biển Rosario. Điều này có nghĩa là mỗi bên đều cho rằng quần đảo San Juan thuộc sở hữu của mình.
Trước khi vấn đề được giải quyết rốt ráo, người Anh đã ra tay trước. Họ tiến hành thiết lập trên quần đảo San Juan một trạm thu mua cá hồi, thông qua Công ty Hudson's Bay vào năm 1851. Đến thời điểm người Mỹ tuyên bố chủ quyền trên vùng đất này, năm 1853, người Anh đã thành lập tại đây một trang trại nuôi cừu quy mô lớn.
Không dễ dàng chấp nhận thực trạng trên, Mỹ bắt đầu di dân đến đảo và vào năm 1859, đã có khoảng 30 người Mỹ sinh sống nơi đây. Cả hai bên đều coi sự hiện diện của bên kia là bất hợp pháp, nhưng mọi chuyện vẫn yên ổn. Cho đến một hôm…
Chỉ vì con lợn
Mùa Hè năm 1859, vào ngày 15 tháng 6, một con lợn thuộc sở hữu của người Anh đã đi vào khu vực trồng rau của một nông dân Mỹ, Lyman Cutler. Đây không phải lần đầu tiên điều này xảy ra, vì lũ lợn thường lang thang tìm kiếm những củ khoai tây ngon để ăn vặt dưới cái nắng như thiêu đốt.
Tuy nhiên, lần này lại khác. Bực tức vì hoa màu bị phá hại, Lyman mang súng ra bắn con lợn chết tươi. Không may cho ông, con lợn này thuộc về Charles Griffin, một nhân viên của Công ty Hudson's Bay.
Ông ta tìm đến thủ phạm đòi bồi thường. Cutler chấp nhận đền bù 10 USD cho mạng của con lợn nhưng Griffin không chịu mà đòi nhiều hơn nữa, đồng thời báo cáo vụ việc lên nhà chức trách Anh. Cutler bị đe dọa bắt giữ nếu không chịu bồi thường thỏa đáng.
Không chấp nhận người dân của mình bị đối xử theo cách như vậy, chính quyền ở Oregon đã điều một chỉ huy quân sự cùng với 64 binh sĩ đến để bảo vệ những người định cư Mỹ trên quần đảo San Juan. Chính phủ Anh coi đây là một hành động gây hấn, họ lập tức cử James Douglas, Thống đốc đảo Vancouver cùng với tàu khu trục Tribune đến đảo để xử lý vụ việc. Ngay sau đó, các tàu chiến khác cũng được lệnh tham gia.
Không chịu kém cạnh, quân đồn trú của Mỹ đã yêu cầu sự hỗ trợ từ đất liền và một đội quân hơn 400 binh sĩ đã có mặt trên đảo cùng 8 khẩu đại bác. Xung đột dường như không thể tránh khỏi, lực lượng Mỹ cấp tốc xây dựng các công sự còn người Anh thì tiến hành các cuộc diễn tập pháo binh.
Tuy nhiên, khi Thống đốc Douglas ra lệnh cho lực lượng hải quân Anh đổ bộ lên đảo, thuyền trưởng của tàu Tribune, Geoffrey Phipps Hornby, không chấp hành và chờ Đô đốc Robert L. Baynes đến. Mãi cho đến cuối tháng 8, cuộc đổ bộ mới diễn ra và Baynes được cho là vô cùng bối rối khi được biết sự leo thang quân sự xảy ra chỉ liên quan đến một con lợn bị giết.
Đàm phán hòa bình
Thông tin về tình trạng đối đầu trên đảo được báo cho Tổng thống Mỹ, James Buchanan. Ông hoàn toàn sửng sốt trước tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, lập tức ra lệnh cho tướng Winfield Scott tiến hành đàm phán với Thống đốc Douglas để tháo ngòi nổ cuộc xung đột sắp xảy ra. Đây là một bước đi khôn ngoan vì Scott đã từng tham gia vào các cuộc thương thuyết về biên giới từ những năm 1830.
Đến tháng 10 năm 1859, cuộc đàm phán bắt đầu. Cả hai bên đều không muốn khơi mào một cuộc xung đột vũ trang toàn diện nhưng cũng không chấp nhận từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của mình. Cuối cùng, hai nhà thương thuyết đồng ý giảm số lượng binh sĩ, súng và tàu chiến, nhưng không giải trừ hoàn toàn khỏi vùng tranh chấp.
Mỗi bên sẽ có một lực lượng gồm 100 người và làm việc cùng nhau để chia sẻ trách nhiệm đối với hòn đảo, cho đến khi một giải pháp chính thức được đưa ra. Người Anh lập trại đồn trú ở phía Bắc, trong khi người Mỹ đóng quân ở phía Nam.
Trong thời gian này, lực lượng của hai bên đều kiềm chế, cư xử ôn hòa, thường đến thăm và tham dự kỷ niệm các ngày quốc lễ của nhau. Họ không ngờ rằng tình trạng bế tắc này kéo dài đến 12 năm nữa.
Cuối cùng, vào năm 1871, Hiệp ước Washington được ký kết, không chỉ giải quyết vấn đề quần đảo San Juan mà còn nhiều bất đồng khác giữa hai quốc gia.
Đến năm 1872, quần đảo San Juan đã được tuyên bố là lãnh thổ của Mỹ, nông dân và thủy quân lục chiến Anh rời khỏi đảo. “Chiến tranh lợn” kết thúc sau 15 năm căng thẳng. Hai bên không thiệt hại gì, ngoài con lợn của người Anh bị giết.
Theo Historicmysteries