Endgame Gear là thương hiệu chuyên về các sản phẩm thi đấu Thể thao điện tử đến từ nước Đức.
Phong trào Thể thao điện tử (Esports) đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Với những lý do khách quan, hầu hết các giải đấu Thể thao điện tử trong 2 năm qua được triển khai với hình thức trực tuyến (online). Phải cho tới năm 2022, các giải đấu có khán giả mới chính thức trở lại với quy mô hoành tráng về khâu tổ chức, cũng như giá trị giải thưởng. Một trong những sự kiện ấn tượng nhất năm vừa qua phải kể tới SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam, và Thể thao điện tử nằm trong danh sách những môn thi đấu chính thức của giải đấu.
Đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của Esports, thị trường các thiết bị hỗ trợ cho thi đấu bao gồm chuột, bàn phím, tai nghe… cũng trở nên sôi động và phát triển mạnh mẽ với rất nhiều thương hiệu và sản phẩm đa dạng. Trong đó, thương hiệu Endgame Gear đến từ nước Đức sẽ chính thức ra mắt thị trường Việt Nam trong tháng 12 với các sản phẩm chuột chơi game (gaming) phù hợp dành cho đối tượng game thủ, người phát sóng trực tiếp (streamer) và các nhà làm sáng tạo nội dung.
Hai sản phẩm chuột gaming Endgame Gear chào sân thị trường Việt Nam bao gồm: XM1R và XM1 RGB với 4 màu sắc chủ đạo trắng, đen, đen trong, xám mờ đem đến sự lựa chọn đa dạng cho game thủ. XM1R có mức giá bán lẻ đề xuất là 1,199,000 và XM1 RGB là 1,450,000 VNĐ.
Sản phẩm micro đàm thoại mang tên XSTRM USB với 2 màu đen - trắng, kết hợp với đèn led RGB giúp góc làm việc của streamer và các nhà làm sáng tạo nội dung trở nên lung linh đầy sắc màu. Mức giá bán lẻ đề xuất là 3,299,000 VNĐ.
Các sản phẩm Endgame Gear sẽ được phân phối độc quyền qua nhà phân phối Vikings Technology. Chế độ bảo hành 12 tháng, kết hợp với chính sách bảo hành lỗi đổi mới cũng là lời khẳng định về chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi đến từ Endgame Gear.
Endgame Gear là thương hiệu chuyên về các sản phẩm chơi game (gaming gear) đến từ nước Đức. Được thành lập vào năm 2019 với sứ mệnh cung cấp các sản phẩm gaming gear hiệu năng cao và chất lượng hàng đầu, Endgame Gear cam kết đem lại cho game thủ những trải nghiệm tuyệt vời nhất và đạt được thành tích cao trong thi đấu.
Các chuyên gia LMHT đã đưa ra nhận định khi quan sát giai đoạn chuyển nhượng của khu vực LCK.
Trong lịch sử Liên Minh Huyền Thoại (LMHT), khu vực LCK là nơi sở hữu nhiều danh hiệu vô địch thế giới nhất (7 lần). Thậm chí tại kỳ Chung kết thế giới (CKTG) 2022 vừa kết thúc cách đây không lâu, khu vực LCK đóng góp tới 3 đội tuyển tại vòng Bán kết.
Điều đó cho thấy sự chênh lệch cực kỳ lớn về mặt trình độ giữa khu vực LCK so với phần còn lại của LMHT thế giới. Ngay cả các đội tuyển LPL cũng không thể ngăn cản được những đại diện Hàn Quốc tiến sâu tại CKTG 2022 vừa qua.
Sau khi theo dõi thị trường chuyển nhượng hậu CKTG 2022, các chuyên gia còn nhận định khu vực LCK sẽ tiếp tục thể hiện sự thống trị của mình. Bên cạnh những ngôi sao, nhiều đội tuyển tại LCK chọn cách tin tưởng vào những tài năng trẻ do mình đào tạo. Những tuyển thủ trẻ tuổi này hứa hẹn sẽ giúp giải đấu LCK trở nên cực kỳ hấp dẫn và có tình cạnh tranh vô cùng cao.
"Tôi cho rằng giải đấu LCK sẽ vượt trội so với các khu vực khác về tính hấp dẫn và mức độ cạnh tranh ở mùa giải 2023. Những đội như DK, T1, Gen.G chắc chắn vẫn sẽ là cái tên cực kỳ đáng gờm. HLE thể hiện mình là 'đại gia mới' khi chiêu mộ Viper và nhiều ngôi sao khác. Bên cạnh đó, những tuyển thủ trẻ sắp ra mắt LCK cũng có trình độ vô cùng cao"- BLV Chronicler chia sẻ với tờ Inven Global.
Một trong những điểm mạnh của khu vực LCK đó là họ luôn có những thế hệ tuyển thủ trẻ đầy tài năng để kế thừa di sản của ngôi sao đi trước. Chúng ta từng chứng kiến thế hệ của Viper, Lehends, Tarzan hay gần đây là Oner, Zeus tỏa sáng rực rỡ tại các sân chơi quốc tế. Mong rằng ở mùa giải mới, những tuyển thủ trẻ tiếp theo của LCK như Peyz, Delight... sẽ thể hiện được bản thân và giúp khu vực LCK vươn lên tầm cao mới.
Dưới đây là những dự án truyền hình đáng chú ý dành cho các khán giả từng mê mẩn bộ 3 phim điện ảnh Lord of the Rings của đạo diễn Peter Jackson vào 2 thập kỷ trước.
Bộ 3 phim Lord of the Rings đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dòng phim viễn tưởng, và dưới đây là một số dự án truyền hình đáng xem nhất dành cho các tín đồ của thể loại phim này.
Hai thập kỷ trước, đạo diễn Peter Jackson đã khiến cho cả thế giới phải ngả mũ thán phục khi đưa thế giới Trung Địa đồ sộ của nhà văn J.R.R. Tolkien lên màn ảnh lớn thông qua bộ ba phim Lord of the Rings. Không chỉ tóm gọn hành trình tiêu hủy chiếc nhẫn quyền năng của chàng hobbit Frodo, loạt tác phẩm này còn để lại ấn tượng sâu sắc nhờ kỹ xảo “xịn sò”, hoành tráng.
Thành công của bộ ba phim Lord of the Rings đã trở thành bàn đạp để đưa dòng phim viễn tưởng, kỳ ảo (fantasy) đến gần hơn với khán giả đại chúng. Và trong suốt 20 năm qua, thể loại này đã trở thành một “món ăn” đắt khách trong làng điện ảnh và truyền hình thế giới, với hàng loạt bom tấn lớn đến từ những nhà sản xuất tên tuổi.
Dưới đây là những series phim viễn tưởng không thể bỏ qua dành cho những người hâm mộ Lord of the Rings nói riêng và thể loại fantasy nói chung.
Game of Thrones
Đánh giá:IMDb: 9,2/10; Rotten Tomatoes (RT): 89% (điểm reviewer) và 85% (điểm khán giả)
Nhà văn George R.R. Martin từng không ít lần bày tỏ lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ dành cho Tolkien. Chính vì vậy, không có gì bất ngờ nếu như khán giả nhận ra hình bóng của Lord of the Rings trong Game of Thrones, dù là ở phiên bản tiểu thuyết hay truyền hình.
Từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của HBO, Game of Thrones vẫn luôn là một trong những series ăn khách nhất của thập kỷ 2010. Với điểm mạnh về hệ thống nhân vật đa dạng, lời thoại thú vị và đa nghĩa, những trận chiến quy mô lớn và hoành tráng, cùng một thế giới viễn tưởng có chiều sâu, Game of Thrones đã gặt hái được vô vàn giải thưởng danh giá trong suốt 8 mùa phát sóng.
Không có quá nhiều sinh vật thần bí như Lord of the Rings, thế nhưng đổi lại, Game of Thrones lại khiến khán giả thích thú với những cuộc đấu trí căng não, những trận chiến tranh giành quyền lực giữa các gia tộc tại Westeros. Bên cạnh đó, với sự hậu thuẫn của HBO, series này cũng mang đến cho khán giả những thước phim rất đẹp mắt cùng kỹ xảo chi tiết và công phu.
The Wheel of Time
Đánh giá: IMDb: 7,1/10; RT: 82% (điểm reviewer) và 59% (điểm khán giả)
Dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên của Robert Jordan, The Wheel of Time là một trong những quân cờ mới nhất của Amazon Prime trong trận chiến phim viễn tưởng Âu - Mỹ. Series này sẽ mang đến cho khán giả một thế giới kỳ ảo đúng nghĩa, với vô số sinh vật thần bí và thực thể phép thuật. Dù mới chỉ ra mắt mùa đầu tiên nhưng The Wheel of Time đã dần xây dựng được 1 “đế chế” cho riêng mình, với 2 mùa tiếp theo, cùng hàng loạt dự án ăn theo, tiền truyện đang được phát triển tại Amazon.
The Wheel of Time xoay quanh nhân vật Moiraine, thành viên của một tổ chức phép thuật, và cuộc hành trình cùng 5 người khác. Họ tin rằng một trong số họ chính là hiện thân của Dragon - một chiến binh hùng mạnh, được tiên tri là sẽ có quyền lực định đoạt số mệnh của cả thế giới. Ý tưởng cốt truyện này có lẽ sẽ thu hút được những người hâm mộ các tác phẩm của Tolkien, đặc biệt là các sự kiện diễn ra trong The Hobbit.
Vikings
Đánh giá:IMDb: 8,5/10; RT: 93% (điểm reviewer) và 88% (điểm khán giả)
Vikings là một trong những bom tấn truyền hình lớn nhất của History Channel. Series này được lấy cảm hứng từ những sự kiện trong lịch sử của người Vikings, kết hợp với mạch truyện đầy lôi cuốn liên quan đến quyền lực và chiến tranh. Mặc dù đã chính thức khép lại vào năm 2020 sau 6 mùa phim, thế nhưng Vikings vẫn duy trì được sức hút của mình với một số dự án ăn theo. Nổi bật nhất trong số đó chính là Vikings: Valhalla, hiện đã phát sóng được 2 mùa.
Vikings xoay quanh nhân vật Ragnar Lothbrok, một người nông dân trẻ tuổi bất mãn với các chính sách của bá tước Haraldson - kẻ đã cử những chiến binh Vikings đến những quốc gia nghèo nàn ở miền đông. Trong khi đó, Ragnar lại muốn tây tiến để khám phá những vùng đất và nền văn minh mới. Với sự giúp đỡ của bạn bè, anh đã thực hiện được ước mơ của bản thân, nhưng đồng thời cũng trở thành kẻ thù lớn nhất của Haraldson, để rồi cuối cùng phải đối đầu với hắn trong một trận tử chiến.
The Lord of the Rings: The Rings of Power
Đánh giá:IMDb: 6,9/10; RT: 85% (điểm reviewer) và 39% (điểm khán giả)
The Rings of Power có thể xem là tiền truyện của The Lord of the Rings, lấy bối cảnh hàng nghìn năm trước những sự kiện diễn ra trong bộ 3 phim của Peter Jackson. Đây cũng là một dự án chiến lược của Amazon Prime trên đường đua của thể loại viễn tưởng, khi mà họ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch cho ít nhất 5 mùa phim, với mùa đầu tiên đã lên sóng vào tháng 9 vừa qua.
The Rings of Power đưa khán giả trở lại vùng đất Trung Địa (Middle-Earth) huyền ảo vào Kỷ thứ hai, khoảng thời gian mà những chiếc nhẫn quyền năng ra đời để giúp các tộc người - tiên - người lùn chống lại sự trỗi dậy của chúa tể bóng tối Sauron.
Tuy nhiên, dù được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, The Rings of Power mùa đầu tiên vẫn phải đón nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía khán giả. Có không ít “fan cứng cựa” không hài lòng với cách tuyển chọn diễn viên cho một số vai diễn, bên cạnh đó là nhịp phim quá chậm, kịch bản thiếu sự kịch tính và đi lệch khỏi tầm nhìn của Tolkien khi tạo ra loạt truyện Chúa Nhẫn.
House of the Dragon
Đánh giá:IMDb: 8,5/10; RT: 93% (điểm reviewer) và 83% (điểm khán giả)
House of the Dragon là tiền truyện của Game of Thrones và tập trung vào cuộc nội chiến giành ngai sắt của gia tộc rồng Targaryen. Mùa đầu tiên của series đã lên sóng vào cuối tháng 8 vừa qua, đối đầu trực tiếp với The Rings of Power. Tuy nhiên, kết quả mà House of the Dragon thu được khả quan hơn rất nhiều, với không ít đánh giá tích cực từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng.
House of the Dragon được chuyển thể từ bộ truyện Fire & Blood của nhà văn George R.R. Martin, lấy bối cảnh 200 năm trước những sự kiện trong Game of Thrones. Như đã nêu trên, series này xoáy sâu vào cuộc nội chiến giành ngai giữa những đứa con của vua Viserys đệ Nhất, thuộc gia tộc Targaryen.
Sau khi mùa đầu tiên kết thúc, HBO đã lập tức “bật đèn xanh” cho mùa thứ 2, dự kiến bắt đầu ghi hình vào năm 2023 và ra mắt vào năm 2024.
The Witcher
Đánh giá:IMDb: 8,2/10; RT: 81% (điểm reviewer) và 75% (điểm khán giả)
The Witcher là một trong những series ăn khách bậc nhất của Netflix, được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ba Lan Andrzej Sapkowski. Bộ phim này xoay quanh Geralt, một chàng thợ săn từng trải qua quá trình đột biến cường hóa bản thân để có thể đối đầu với những loài quái vật hung tợn nhất tại vùng đất Lục Địa (The Continent).
Cuộc đời của Geralt đã thay đổi hoàn toàn khi sợi dây định mệnh trói buộc anh với Ciri, nàng công chúa của Cintra, một quốc gia thuộc phương Bắc của Lục Địa, đồng thời cũng là đứa trẻ mang Dòng máu cổ xưa với khả năng hủy diệt cả thế giới. Từ một người chuyên đi săn quái vật để kiếm tiền sống qua ngày, Geralt bỗng bị cuốn vào hàng loạt rắc rối lớn và phải tìm mọi cách bảo vệ Ciri khỏi nanh vuốt của những kẻ muốn lợi dụng sức mạnh siêu việt của cô bé.
Hiện tại, Netflix đã phát hành 2 mùa phim của The Witcher, với mùa thứ 3 sẽ ra mắt vào giữa năm 2023.
See
Đánh giá:IMDb: 7,6/10; RT: 63% (điểm reviewer) và 85% (điểm khán giả)
See là một dự án truyền hình của Apple TV, với vai chính do Jason Momoa đảm nhiệm và đã ra mắt hoàn chỉnh với tổng cộng 3 mùa phim. So với những cái tên trên đây, See mang hơi hướng của khoa học viễn tưởng nhiều hơn, nhưng vẫn đủ sức chinh phục người hâm mộ thể loại fantasy nhờ thế giới rộng lớn được xây dựng một cách công phu, chi tiết và không kém phần kỳ bí, huyền ảo.
See lấy bối cảnh trong tương lai, khi nhân loại đã mất đi thị giác và bị đẩy đến bên bờ vực diệt vong. Tuy nhiên, sự ra đời của một cặp sinh đôi với khả năng có thể nhìn thấy mọi vật đã đảo lộn tất cả. Baba Voss, một chiến binh quả cảm và cũng là cha dượng của 2 đứa trẻ này, buộc phải tìm mọi cách để bảo vệ gia đình cũng như bộ tộc Alkenny của mình trước thế lực của Sibeth Kane, nữ hoàng vương quốc Payan.
Britannia
Đánh giá:IMDb: 6,8/10; RT: 92% (điểm reviewer) và 75% (điểm khán giả)
Britannia là một series chính kịch, viễn tưởng kết hợp các yếu tố lịch sử của Amazon Prime. Bộ phim này hiện đã lên sóng 3 mùa phim, thế nhưng khả năng phát hành của mùa phim thứ 4 hiện vẫn còn bỏ ngỏ.
Britannia lấy bối cảnh vào năm 43 sau Công nguyên, khi La Mã tiến hành xâm lược nước Anh, 90 năm sau thất bại của đại đế Julius Caesar. Mục tiêu mà họ nhắm đến là Britannia, trái tim của người Celt, vùng đất bí ẩn với những nữ chiến binh ngoan cường và cả những thầy Druid mạnh mẽ, sở hữu khả năng điều khiển các thế lực đáng sợ của thế giới ngầm.
The Last Kingdom
Đánh giá:IMDb: 8,5/10; RT: 91% (điểm reviewer) và 95% (điểm khán giả)
The Last Kingdom cũng là một series mang nhiều yếu tố lịch sử trung cổ, được phát sóng trên BBC và sau này là Netflix. Bộ phim truyền hình này được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết The Saxon Stories, có tổng cộng 5 mùa, với mùa cuối cùng đã ra mắt vào tháng 3 vừa qua.
The Last Kingdom xoay quanh Uhtred của vùng Bebbanburg, một nhân vật hư cấu nhưng lại kể lại những sự kiện lịch sử hoàn toàn có thật vào thế kỷ 9 - 10, khi cuộc chiến giữa người Anglo Saxon và người Vikings đang hết sức căng thẳng. Uhtred là người Anglo-Saxon, nhưng lại được nuôi nấng và huấn luyện bởi người Viking, mà cụ thể hơn là Đan Mạch. Xuất thân phức tạp đó đã khiến cho Uhtred sau này phải đau đầu khi đứng trước hai lựa chọn giữa quê nhà và những người đã nuôi dạy mình trên con đường tạo ra một quốc gia mà chính là nước Anh sau này.
Merlin (The Adventures of Merlin)
Đánh giá:IMDb: 7,9/10; RT: 85% (điểm reviewer) và 86% (điểm khán giả)
Merlin, hay còn được biết đến với tên gọi The Adventures of Merlin, là một series viễn tưởng - phiêu lưu của BBC, lấy cảm hứng từ truyền thuyết vua Arthur của Anh. Bộ phim này kéo dài 5 mùa, với mùa cuối cùng đã lên sóng vào cuối năm 2012.
Merlin tái hiện lại những chuyến phiêu lưu của vua Arthur và pháp sư Merlin, khi cả hai vẫn còn là những thiếu niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và hoài bão nhưng lại chưa tìm ra được định mệnh của bản thân mình. Trong phiên bản truyền hình này, Arthur đã được định sẵn là người sẽ kế thừa ngôi vương, còn Merlin thì có nhiệm vụ bảo vệ ngài nhưng không được để lộ bản thân là một người sở hữu phép thuật - điều đã bị cấm kỵ tại Camelot bởi vua Uther Pendragon, cha của Arthur.
Sau nhiều năm đồng cam cộng khổ, Merlin trở thành người đồng hành đáng tin cậy của Arthur, và làm mọi cách để người bạn của mình có thể lên ngôi suôn sẻ theo đúng như định mệnh đã định sẵn.
Xuất hiện tình trạng lông khắp cơ thể, cậu bé ở Ấn Độ đã được chẩn đoán mắc “hội chứng người sói” và phải sống chung với căn bệnh hiếm gặp này kể từ khi mới 6 tuổi.
Lalit Patidar, 17 tuổi, mắc hội chứng người sói. Ảnh: Twitter
Theo đài Sputnik, Lalit Patidar - 17 tuổi, sống tại làng Nandleta, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ - lần đầu được chẩn đoán mắc chứng rối loạn hiếm gặp sau khi nhận thấy có rất nhiều lông mọc trên cơ thể, không giống như những người bạn cùng trang lứa. Gia đình cậu bé cũng không ai có tiền sử về tình trạng mọc lông khắp người như vậy.
Cha mẹ của Patidar đã đưa cậu đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra và phân tích, các bác sĩ cho biết tình trạng bệnh lý bất thường của Patidar được gọi là Hypertrichosis, hay “hội chứng người sói”. Đây là một loại bệnh hình thành do sự phát triển bất thường râu, tóc ở các khu vực trên cơ thể người. Trên thế giới, chỉ có 50 người mắc hội chứng này.
Patidar chia sẻ một số người bạn cùng trường đã rất sợ hãi khi nhìn thấy ngoại hình của cậu. Họ nghĩ rằng Patidar sẽ cắn mình như một con vật, trong khi những đứa trẻ khác cười nhạo Patidar và gọi cậu là “người khỉ”.
Tuy nhiên, Patidar, xuất thân từ một gia đình nông dân trung lưu, không cảm thấy buồn phiền về căn bệnh hiếm gặp của mình. Thay vào đó, cậu coi mình là một người đặc biệt duy nhất, chỉ có một không hai.
“Cháu đã học được nhiều điều trong suốt hành trình của cuộc đời. Quan trọng nhất, cháu đã nhận ra rằng trong số một triệu người, chỉ có một người như cháu. Cháu không nên bỏ cuộc và phải sống hết mình, luôn tiến về phía trước và sống hạnh phúc. Cháu khác biệt, sự khác biệt của cháu là sức mạnh lớn nhất và cháu tự hào là chính mình”, Patidar chia sẻ với truyền thông Ấn Độ.
Vì hội chứng hiếm gặp này chưa có cách chữa trị, nên cha mẹ của Patidar rất lo lắng cho sức khoẻ và tương lai của cậu bé.
Vốn dĩ nguồn gốc của ngày Black Friday lại không liên quan gì tới mua sắm, và đúng như cái tên, nó có nguồn gốc đen tối hơn một ngày lễ khuyến mại nhiều.
Black Friday hay Thứ Sáu Đen Tối trong vài năm trở lại đây đã trở thành một hiện tượng phổ biến của ngành tiêu dùng và mua sắm. Bắt nguồn từ nước Mỹ, ngày này đã lan ra khắp thế giới và trở thành một trong những sự kiện khuyến mãi/giảm giá được mong chờ nhất trong năm tại nhiều quốc gia.
Black Friday thường diễn ra vào thứ Sáu đầu tiên sau ngày Lễ Tạ ơn (thứ Năm thứ 4 của tháng 11 tại Hoa Kỳ). Đây còn được coi là ngày mở màn cho mùa mua sắm Giáng sinh của Mỹ - một trong những thời điểm hoạt động tiêu xài của người dân lên mức cao nhất trong năm.
Vì sao gọi là Black Friday?
Nhiều người lý giải rằng cái tên Black Friday bắt nguồn từ việc từ sau Lễ Tạ ơn, các cửa hàng sẽ bắt đầu buôn bán được, có lãi và hiện số dư "màu đen" trong tài khoản ngân hàng (thời xưa ở Mỹ, kế toán thường sử dụng mực đỏ để đánh dấu ghi nợ và mực đen để đánh dấu ghi có). Thậm chí tiếng Anh Mỹ còn có một thành ngữ riêng chỉ hiện tượng này là "in the black".
Tuy nhiên, sự thật thì nguồn gốc của ngày Black Friday có chút "đen tối" hơn nhiều.
Theo Ben Zimmer, chủ mục Ngôn ngữ của tờ The Wall Street Journal, Black Friday là một cụm từ đã được dùng từ cách đây khá lâu để nhắc một cách chung chung tới các sự kiện tiêu cực xảy ra vào thứ Sáu.
Một trong những lần đầu tiên cụm từ này được sử dụng là tít tận năm 1869. "Hồi đó có một cặp nhà đầu tư tên Jay Gould và James Fisk. Họ đã đầu cơ và làm lũng đoạn thị trường vàng, gây ra một vụ khủng hoảng tài chính và ngày diễn ra sự việc đó đã được gọi là Black Friday", Ben giải thích.
Không có bằng chứng xác đáng về việc ai là người đầu tiên nghĩ ra cụm từ này hay việc nó được sử dụng cho ngày ngay sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng có thể việc này đã bắt nguồn từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Nhưng kể cả vào lúc đó, khi đã có "tuổi đời" khoảng hơn 80 năm, cụm từ này vẫn chưa liên quan gì đến mua sắm hết, mà đơn giản ám chỉ việc vắng mặt của người lao động tại các nhà máy khi họ quyết định bỏ làm vào ngày này để nghỉ thông từ thứ Năm Tạ ơn đến cuối tuần. Một thời gian ngắn sau, cụm từ này bắt đầu được sử dụng bởi giới cảnh sát để nhắc đến ngày mua sắm nhộn nhịp nhất năm diễn ra ngay sau Lễ Tạ ơn và ngay trước trận bóng bầu dục thường niên giữa đội của Học viện West Point và Học viện Hải quân Hoa Kỳ.
Cảnh tượng chen lấn mua hàng vào ngày này từng khiến cảnh sát Mỹ "ám ảnh".
Khi đó, Black Friday vẫn mang nghĩa tiêu cực khi cảnh sát cho rằng họ phải làm việc quá sức để đối phó với tình trạng giao thông, tắc nghẽn và đảm bảo an ninh trong thời điểm này.
Phải tới cuối những năm 1980, cụm từ này mới đồng nghĩa với ngành bán lẻ và các sự kiện khuyến mãi. Không muốn giữ ý nghĩa tiêu cực trước đây của nó và muốn tận dụng cái tên này cho chiến dịch khuyến mãi, các nhà bán lẻ bắt đầu "tái phát minh" cụm từ theo nghĩa số dư ghi có bên trên đề cập. Từ lúc này, Black Friday gắn với ý nghĩa các cửa hàng bắt đầu thu được lợi nhuận.
Nhờ chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi liên tục không ngừng nghỉ của các nhà bán lẻ sau nhiều năm, ý nghĩa này trở nên thông dụng cho tới ngày nay và đã trở thành một phần không thể tách rời của ngành tiêu dùng, mua sắm, tương tự như Cyber Monday hay Small Business Saturday.
Các phiên bản tương tự Black Friday
Black Friday không phải dịp duy nhất người tiêu dùng thấy mức giá giảm sâu ở nhiều mặt hàng khác nhau để kích cầu. Khi mua sắm và đặc biệt là các kênh trực tuyến ngày càng phát triển, càng có nhiều ngày được giới kinh doanh tận dụng cho mục đích tăng doanh số. Một vài trong số đó là:
Boxing Day, hay Day After Christmas (ngày sau Giáng sinh), thường diễn ra vào 26/12 hàng năm. Ngày này phổ biến hơn ở Anh, Canada, Úc, New Zealand và các nước châu Âu và cũng được coi là ngày hội giảm giá lớn nhất năm tương đương Black Friday tại các quốc gia này.
Cyber Monday (thứ Hai điện tử): Một phiên bản "ăn theo" của Black Friday, diễn ra vào thứ Hai liền kề sau Lễ Tạ ơn và thường được áp dụng bởi các nhà bán hàng trực tuyến nhằm đẩy doanh số.
Mua sắm online cũng có ngày riêng để quảng cáo - gọi là Cyber Monday.
Small Business Saturday (thứ Bảy dành cho doanh nghiệp nhỏ): Hơi khác so với các ngày còn lại, ngày này diễn ra ngay sau Black Friday và là dịp thường niên để người tiêu dùng ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương nhằm khuyến khích họ trong mùa mua sắm.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường trò chơi điện tử khu vực châu Á mới đây của Niko Partner, thị trường này sẽ có hơn 1 tỷ game thủ và đạt giá trị 41,4 tỷ USD vào năm 2026.
Mới đây, Niko Partners - đơn vị đơn vị nghiên cứu thị trường trò chơi điện tử và người tiêu dùng ở Châu Á đã công bố báo cáo nghiên cứu thị trường gây chú ý. Thông qua những chỉ số, đơn vị này dự đoán thị trường trò chơi di động và PC trong nhóm 10 Châu Á sẽ tạo ra 35,9 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022, đạt 41,4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2026. Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, số game thủ PC và di động đạt 10 châu Á sẽ có tổng cộng 788,7 triệu vào năm 2022, đạt 1,06 tỷ vào năm 2026.
Dự báo thấp hơn cho năm 2022 sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng đến năm 2026 Ấn Độ, Thái Lan và Philippines là những thị trường phát triển nhanh nhất về doanh thu. Số lượng game thủ Nhật Bản và Hàn Quốc là những thị trường trưởng thành nhất trong khu vực châu Á, chiếm hơn 77% doanh thu. Trong năm 2022, doanh thu trò chơi của Nhật Bản giảm 2,6% so với cùng kỳ và của Hàn Quốc không đổi. Ấn Độ là cơ sở game thủ lớn thứ hai trên thế giới, với 396,4 triệu game thủ, chiếm 50,2% tổng số game thủ ở Châu Á. Đồng thời, Ấn Độ cũng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng doanh thu 5 năm là 21%.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp game của châu Á còn có nhiều động lực tăng trưởng khác bao gồm:
- Thể thao điện tử: Tiếp tục trở thành môn thể thao tranh huy chương tại Đại hội thể thao Đông Nam Á 2022 (SEA Games).
- 5G: Đã chứng kiến sự ra mắt ấn tượng ở nhiều thị trường, trong đó Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Bắc Trung Hoa có vùng phủ sóng 5G tốt hơn nhiều so với năm ngoái.
Châu Á được nhận định là khu vực phát triển trò chơi điện tử (game) quan trọng nhất trên thế giới. Cùng với đó, đây cũng là cơ hội lớn cho các nhà phát triển và nhà xuất bản trò chơi, nhà sản xuất phần cứng và thiết bị, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và nhà đầu tư.
Nhu cầu cao của người tiêu dùng đối với trò chơi, thể thao điện tử, giải đấu và phát trực tuyến, cùng với thu nhập khả dụng ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng được cải thiện và đầu tư của các công ty đa quốc gia cũng như chính phủ các quốc gia đã tạo tiền đề cho sự tăng trưởng liên tục mạnh mẽ. Tuy nhiên, văn hóa, sở thích của người chơi và hành vi chi tiêu khác nhau của mỗi thị trường có nghĩa là không có một cách tiếp cận nào phù hợp với mọi khu vực.