Cảm nhận của cộng đồng LMHT thế giới về K'Sante sau 1 tuần trải nghiệm

 

Sau khoảng 1 tuần trải nghiệm, những người chơi trên toàn thế giới đang bàn luận rất nhiều về tướng mới KSante.

Cách đây khoảng 1 tuần, nhà phát hành Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) - Riot Games đã chính thức đưa tướng mới K’Sante vào Đấu Trường Công Lý. Ngay lập tức, Niềm Kiêu Hãnh của Nazumah tạo nên cơn sốt trong cộng đồng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vị tướng này đem lại cảm xúc trái ngược cho nhiều người chơi khác nhau. Chúng ta sẽ điểm qua những cảm nhận của game thủ LMHT sau khoảng 1 tuần trải nghiệm K’Sante.

Cảm nhận của cộng đồng LMHT thế giới về K'Sante sau 1 tuần trải nghiệm  - Ảnh 1.

K’Sante được cộng đồng LMHT thế giới rất yêu thích - nguồn: League of Legends

Khả năng đi đường mạnh mẽ

Theo như ghi nhận từ người chơi LMHT, K’Sante sở hữu khả năng đi đường khá tốt. Thông thường, nhóm tướng Đỡ Đòn thường chỉ xếp ở mức trung bình trong giai đoạn đầu trận đấu. Tuy nhiên, khả năng trao đổi chiêu thức của K’Sante vượt trội hơn đại đa số các tướng Đường Trên. Khi game thủ sử dụng Quyền Năng Bất Diệt, họ có thể nhịp nhàng luân chuyển giữa khâu tấn công và rút lui, tận dụng tốt đặc tính Ngọc Siêu Cấp. Từ đó, K’Sante sẽ lợi thế hơn đối thủ trong giai đoạn đi đường.

Ngoài ra, khi người chơi nắm trong tay kỹ năng Thần Khí Ntofo (Q) đủ cộng dồn và chiêu cuối Chơi Khô Máu (R), họ có thể tung chuỗi chiêu thức nhằm hạ gục đối thủ. Do đó, K’Sante chỉ gặp bất lợi trước các tướng mạnh mẽ ngay từ đầu trận đấu như Fiora và Darius. Còn lại, Niềm Kiêu Hãnh của Nazumah hiếm khi e ngại những tướng khác trong thời điểm trước phút thứ 14.

Cảm nhận của cộng đồng LMHT thế giới về K'Sante sau 1 tuần trải nghiệm  - Ảnh 2.

Thebausffs đã rất vất vả trước K’Sante trong giai đoạn đi đường - nguồn: YouTube

Khả năng tương tác tốt với trang bị

K’Sante thuộc nhóm tướng Đỡ Đòn, chúng sẽ phát huy tối đa sức mạnh trong giai đoạn giữa trận (phút 14-30 của trận đấu). Do đó, K’Sante mạnh mẽ nhất khi người chơi sở hữu 1-3 món trang bị lớn. Bởi vậy, đối thủ rất khó để tìm ra phương án khống chế Niềm Tự Hào của Nazumah nếu vị tướng này vượt trội trong giai đoạn đi đường. Khi ấy, giai đoạn hoàng kim của K’Sante sẽ đến sớm hơn dự kiến.

Khả năng "lăn cầu tuyết" nhanh chóng

K’Sante nằm trong danh sách những tướng có khả năng "lăn cầu tuyết" mạnh mẽ bởi Niềm Tự Hào của Nazumah tương tác tốt với trang bị.

Cảm nhận của cộng đồng LMHT thế giới về K'Sante sau 1 tuần trải nghiệm  - Ảnh 3.

K’Sante rất nguy hiểm nếu đi đường thuận lợi - nguồn: YouTube

Hơn nữa, bộ kỹ năng của vị tướng này sở hữu độ cơ động cao giúp người chơi dễ dàng thiết lập thế thống trị lên đối phương trong tình huống chênh lệch trang bị rõ rệt. Khi ấy, họ sẽ khó trụ lại đường đơn hoặc đồng đội của họ phải đối mặt với tình trạng giao tranh thiếu người.

Áp đảo trong giao tranh ít người

Theo cộng đồng người chơi LMHT, K’Sante là vị tướng rất mạnh trong giao tranh ít người. Khi ấy, khả năng bám đuổi, khâu gây sát thương và hiệu ứng khống chế sẽ được phát huy hiệu quả nhất. Hơn nữa, Niềm Tự Hào của Nazumah sẽ không cần đề phòng chiêu cuối phản tác dụng.

Cảm nhận của cộng đồng LMHT thế giới về K'Sante sau 1 tuần trải nghiệm  - Ảnh 4.

Khả năng giao tranh ít người của K’Sante là rất mạnh - nguồn: YouTube Thầy Giáo Ba

Khi sử dụng kỹ năng Chơi Khô Máu (R), người chơi phải đánh đổi khả năng phòng ngự để lấy về sức mạnh tấn công. Do đó, K’Sante vừa sở hữu chỉ số sát thương và chống chịu đều ở mức khá, không hề e ngại đối thủ trong những pha giao tranh tay đôi. Thậm chí, vị tướng này có thể hạ gục luôn 2 hoặc 3 thành viên đối phương nếu họ mắc sai lầm.

Điểm yếu lớn nhất - giao tranh tổng

K’Sante yếu nhất trong giai đoạn cần phải tập trung đầy đủ 5 thành viên. Trong giao tranh tổng, K’Sante sẽ bị tấn công bởi nhiều đối thủ dẫn tới lượng máu tổn thất nhanh chóng. Từ đó, người chơi rất khó khăn để tung bộ combo chiêu thức vì kỹ năng Q cần phải tích điểm cộng dồn. Khi đã có hiệu ứng khống chế, K’Sante không còn sở hữu lượng máu tối ưu để tham gia giao tranh.

Cảm nhận của cộng đồng LMHT thế giới về K'Sante sau 1 tuần trải nghiệm  - Ảnh 5.

Nhưng vị tướng này sở hữu điểm yếu rất lớn về cuối trận - nguồn: YouTube

Hơn nữa, khi kích hoạt chiêu cuối, người chơi còn mất đi khả năng chống chịu nên rất dễ bị hạ gục đến từ chủ lực đối phương. Chỉ một điểm trừ duy nhất nhưng yếu tố này lại khiến K’Sante sở hữu 45% tỷ lệ thắng trong phiên bản 12.21. Xét về tổng quan, K’Sante là vị tướng khá mạnh mẽ trong giai đoạn đi đường, thăng hoa ở thời điểm hoàn thành 1-3 món trang bị lớn và yếu dần khi trận đấu vượt qua phút 30. Hy vọng nhà phát hành Riot Games sẽ gia tăng sức mạnh cho Niềm Tự Hào của Nazumah trong phiên bản tới.


>

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lượng oxy trên Trái đất tăng gấp đôi

 

Đôi khi bạn có thể cảm thấy mình dường như thiếu oxy để thở, nhưng đừng bao giờ ước Trái đất có gấp đôi oxy bởi nó hóa ra cũng không phải là điều tốt.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lượng oxy trên Trái đất tăng gấp đôi

Đối với hầu hết các loài động vật trên trái đất, oxy là một trong những nguyên tố cơ bản nhất để tồn tại. Có thể nói rằng, chính vì sự tồn tại của oxy đã tạo ra sự thịnh vượng của Trái đất ngày nay, bao gồm cả cách loài người đã tiến hóa và ghi dấu ấn của mình bằng các nền văn minh trên khắp hành tinh.

Mặc dù oxy rất quan trọng đối với hầu hết các sinh vật, nhưng tỷ trọng của nó trong toàn bộ khí quyển không cao, chỉ khoảng 21%. Vậy có phải hàm lượng oxy càng cao thì càng có lợi cho các sinh vật trên trái đất? Trái đất sẽ như thế nào nếu lượng oxy trên trái đất đột ngột tăng gấp đôi?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lượng oxy trên Trái đất tăng gấp đôi - Ảnh 1.

Để trả lời câu hỏi này, cần phải hiểu nguồn gốc của oxy đến từ đâu.

Vào thời kỳ đầu hình thành Trái đất cách đây 4,5 tỷ năm đến khoảng 2,4 tỷ năm trước, hàm lượng oxy trên trái đất rất khan hiếm. Lúc đó, nguồn oxy chủ yếu đến từ sự phân hủy của nước trong các sự kiện tự nhiên, biến thành hai loại khí oxy và hydro.

Trong điều kiện tự nhiên này, lượng oxy được tạo ra là rất ít. Mãi cho đến thời điểm 2,4 tỷ năm trước, tảo lục xuất hiện. Những sinh vật phù du này sinh sản với số lượng lớn nhờ quá trình quang hợp và đồng thời giải phóng một lượng lớn oxy vào khí quyển.

Cho đến tận ngày nay, mặc dù hàng tỷ năm đã trôi qua, nhưng tảo lục vẫn là nguồn cung cấp oxy chính trên Trái đất, với nguồn cung vào khoảng 70% lượng oxy trên hành tinh này.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lượng oxy trên Trái đất tăng gấp đôi - Ảnh 2.

Đồng thời khi số lượng tảo lục tăng lên, cấu trúc sinh học trên Trái đất cũng dần thay đổi. Sự sống đầu tiên được sinh ra cách đây 3,7 tỷ năm, nhưng do nồng độ oxy lúc đó rất thấp, chỉ dưới 1%, nên phần lớn sinh vật sống lúc bấy giờ là sinh vật yếm khí. Sinh vật yếm khí hay sinh vật kỵ khí là các sinh vật không cần oxy cho sự tăng trưởng.

Tuy nhiên theo thời gian, sự gia tăng mức độ oxy trong khí quyền đã gây ra những thay đổi lớn trong môi trường nơi mà các sinh vật yếm khí này sinh sống. Đây cũng được coi là "sự kiện Oxy hóa lớn trong lịch sử Trái đất".

Có thể thấy từ sự kiện này, rằng không phải lúc nào nhiều oxy cũng tốt. Sự gia tăng liên tục của oxy sẽ gây ra những thay đổi rung chuyển đối với môi trường sinh thái.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lượng oxy trên Trái đất tăng gấp đôi - Ảnh 3.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu lượng oxy tăng gấp đôi? Trên thực tế, Trái đất vào 300 triệu năm trước đã đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.

Vào thời điểm đó, Trái đất được thống trị bởi các loài thực vật. Các nhà khoa học gọi đó là Kỷ Cacbon hay Kỷ Than đá. Thực ra nó còn có một tên gọi khác, đó là thời đại của những loài côn trùng khổng lồ. Do sự gia tăng liên tục của thảm thực vật, hàm lượng oxy trong khí quyền cũng tiếp tục tăng lên, đạt mức cao nhất là 35%.

Nếu bạn đang thắc mắc tại sao thời kỳ đó được gọi là thời kỳ Cacbon, thì bởi vì 50% nguồn tài nguyên than đá hiện tại trên Trái đất liên quan đến Kỷ Cacbon này. Hay có thể thấy thực vật phát triển voo cùng thịnh vượng vào thời điểm đó, với tỷ lệ bao phủ đạt khoảng 95%.

Cũng vào thời điểm đó, do động vật có vú chưa tiến hóa nên Trái đất lúc này bị thống trị bởi các loài chân đốt. Và do hàm lượng oxy của Trái đất vào thời điểm đó rất cao, các loài động vật chân đốt lúc bấy giờ sẽ có cơ hội phát triển rất lớn về kích thước.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lượng oxy trên Trái đất tăng gấp đôi - Ảnh 4.

Đánh giá từ một số hóa thạch được phát hiện thì các loài động vật thời đó lớn hơn các loài động vật ngày nay từ vài đến hàng chục lần. Ví dụ con chuồn chuồn bé nhỏ ngày nay, thời điểm đó tổ tiên của nó có kích thước lên tới 1 mét chiều dài.

Vậy tại sao côn trùng lại trở nên khổng lồ trong môi trường giàu oxy? Thực ra đây không phải là mối quan hệ nhân quả. Không phải lượng oxy tăng lên khiến côn trùng phát triển lớn hơn mà đó là kết quả của quá trình tiến hóa của côn trùng trong môi trường giàu oxy.

Do sự gia tăng hàm lượng oxy trong khí quyền dẫn đến mức tăng oxy quá mức trong tế bào của các động vật nhỏ. Điều này khiến chúng không thể tồn tại trong môi trường giàu oxy, và lối thoát duy nhất là cách tiến hóa lên một kích thước cơ thể lớn hơn để có thể tồn tại.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lượng oxy trên Trái đất tăng gấp đôi - Ảnh 5.

Trên thực tế, oxy là con dao hai lưỡi đối với sự sống của Trái đất. Nó đáp ứng nhu cầu sinh tồn của các sinh vật nhưng nó cũng có tác dụng oxy hóa các sinh vật trên trái đất, dẫn đến sự lão hóa nhanh chóng.

Các nhà khoa học ví oxy được ví như một chất độc mãn tính. Nếu đột ngột tăng nồng độ lên gấp đôi, tuổi thọ của hầu hết các sinh vật trên Trái đất sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ngày nay, giữa các sinh vật đã tồn tại một chuỗi kết nối hoàn chỉnh. Việc nồng độ oxy tăng đột ngột sẽ làm cho nhiều sinh vật không thể thích nghi được với môi trường này, dẫn đến sự tuyệt chủng sinh học. Và nếu có sự tuyệt chủng sinh học xảy ra, nó sẽ dẫn đến một phản ứng dây chuyền, cuối cùng dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt. Quá trình này sẽ tiếp diễn cho đến khi một chuỗi mới ổn định được hình thành lại.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lượng oxy trên Trái đất tăng gấp đôi - Ảnh 6.

Chưa kể, nếu nồng độ oxy tăng gấp đôi một cách đột ngột, hậu quả nghiêm trọng nhất là việc mất cân bằng môi trường. Vì oxy là chất đẩy nhanh quá trình cháy, khi hàm lượng oxy tăng lên, quá trình cháy sẽ diễn ra dễ dàng và dữ dội hơn.

Trong quá trình này, một khi cháy rừng xảy ra, nó sẽ bùng cháy dữ dội hơn và khó bị dập tắt hơn. Sự kết thúc của kỷ nguyên của các loài côn trùng khổng lồ cách đây 300 triệu năm cũng liên quan nhiều đến các đám cháy toàn cầu xảy ra vào thời điểm đó.

Do môi trường giàu oxy, với nguyên liệu là những cánh rừng bao phủ khắp hành tinh, những ngọn lửa đã cháy hàng trăm năm. Cuối cùng nó dẫn đến việc nhiệt độ trái đất tăng mạnh và gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt. Sau đó, hàm lượng oxy cũng giảm nhanh chóng, cuối cùng dẫn đến sự trỗi dậy của loài bò sát và bắt đầu thời đại của khủng long trên Trái đất.

Tham khảo Nature, Sohu

>

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi

 

Bạn có biết rằng kính râm hay giày chạy bộ cũng có hạn sử dụng, ngay cả khi không có nhà sản xuất khuyến cáo?

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi

Bạn có biết rằng chúng ta nên thay đổi lược chải tóc mỗi năm không? Nhiều sản phẩm, vật dụng sau một thời gian sử dụng sẽ xuống cấp và hết hạn sử dụng nhưng chúng ta không thể nhận thấy bằng mắt thường nên vẫn dùng tiếp. Các nhà sản xuất không ghi hạn sử dụng của các món đồ này, nhưng nó vẫn có khoảng thời gian sử dụng khuyến nghị mà bạn nên tham khảo:

1. Giày chạy bộ

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 1.

Những đôi giày này có xu hướng bị mòn khi sử dụng. Theo thời gian, lớp bọt đệm của giày bị biến dạng và bong ra, khiến đế ngoài bị mòn. Ngoài ra, giày cũng có thể bị gãy và bong tróc. Mặc dù phụ thuộc nhiều vào thời tiết, loại mặt đất bạn đi và lượng mồ hôi, hãy cứ thay giày một khi bạn chạy mà có cảm giác khó chịu, thậm chí gây đau mỏi, chấn thương.

Một số nhà sản xuất khuyên bạn nên thay giày sau khi chạy 400 đến 500 dặm, trong khi một số khác thì khuyến cáo tình trạng xuống cấp có thể bắt đầu sau 6 tháng đến 1 năm sử dụng. Dẫu vậy, cảm giác của chính mình vẫn là quan trọng và chính xác nhất.

2. Tai nghe

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 2.

Thời lượng của tai nghe sẽ phụ thuộc vào chất lượng của chúng. Nhìn chung, nếu tai nghe có chất lượng tốt, chúng có thể dùng từ 4 đến 5 năm. Những loại sản phẩm này bị ảnh hưởng bởi sự hao mòn thông thường, mồ hôi, cách bảo quản và cả việc bạn có kéo hoặc buộc dây thường xuyên không.

3. Keo dán mi

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 3.

Keo dán mi giả là một sản phẩm khác mà mọi người thường sử dụng trong thời gian dài hơn được khuyến cáo. Hãy nhớ rằng chúng ta đặt keo rất gần với mắt của mình nên đừng chủ quan. Khi chưa mở nắp, chúng có thể dùng trong từ 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên, một khi đã mở, bạn nên sử dụng trong vòng 4 đến 5 tuần mà thôi.

4. Cọ trang điểm

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 4.

Hãy nhớ rằng, cũng giống như đồ trang điểm, các dụng cụ có tuổi thọ cao hay không cũng tùy thuộc vào chất lượng vốn có của sản phẩm. Với các loại cọ tiếp xúc trực tiếp với da, nếu có chất lượng rất tốt và được làm sạch đúng cách, chúng có thể có tuổi thọ từ 10 đến 12 năm. Nhưng nếu chúng là loại rẻ tiền hơn, chúng ta nên vứt đi khi thấy cọ bắt đầu rụng “những sợi lông nhỏ”.

5. Kính râm

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 5.

Kính râm không chỉ giúp chúng ta trông đẹp hơn mà còn bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời. Nhưng đừng bao giờ quên rằng kính râm cũng có thể hết hạn sử dụng. Trung bình, bạn nên đổi kính sau khi đeo chúng 2 giờ mỗi ngày trong 2 năm vì lúc này tròng kính đã mất đi tính năng bảo vệ.

6. Bàn chải tóc

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 6.

Chiếc lược kiểu bàn chải này là nơi tích tụ vi khuẩn, gàu, bụi và các chất bẩn khác và chúng sẽ đi qua da đầu mỗi khi chúng ta chải tóc. Do đó, bàn chải cũ có thể gây kích ứng và làm tắc nghẽn nang lông. Chúng ta nên vệ sinh bàn chải kỹ lưỡng hàng tháng và chú ý đến vẻ ngoài của nó để có thể biết khi nào là thời điểm nên thay mới.

Nếu lông bàn chải bị hỏng, bàn chải không thể làm sạch được nữa hoặc miếng đệm quá mềm hoặc đã có vết nứt thì đã đến lúc bạn nên mua cái mới. Chuyên gia thẩm mỹ Essie Tiffany Button khuyên bạn nên thay đổi sản phẩm này sau 6 đến 12 tháng, đặc biệt nếu nó được làm bằng nhựa hoặc cao su.

7. Dép đi trong nhà

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 7.

Không giống như các loại giày dép khác, dép đi trong nhà thường được sử dụng hàng ngày nên có thể xuống cấp nhanh hơn. Nhìn chung, tuổi thọ trung bình của chúng là 1 năm, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào mức độ chúng ta sử dụng chúng và chất lượng của sản phẩm.

8. Khăn tắm

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 8.

Chúng ta thường thay khăn tắm nhưng chủ yếu là do chúng bị rách hoặc sờn. Nhưng nếu khăn chất lượng tốt và mãi không hỏng, mọi người có xu hướng cứ dùng mãi năm này qua tháng khác. Bạn nên kiểm tra xem chúng có còn khả năng hút nước hay không vì điều này có thể mất dần đi sau khoảng 2 năm dù khăn có tốt, bền đến thế nào.

9. Gối

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 9.

Nếu không thay gối thường xuyên, chúng ta có thể bị dị ứng, đau cổ, thậm chí nổi mụn. Các bác sĩ chuyên khoa khuyên bạn không chỉ nên vệ sinh những sản phẩm này mà còn nên thay chúng sau 1 hoặc 2 năm sử dụng.

10. Miếng bọt biển nhà bếp

10 món đồ quen thuộc cần được thay mới thường xuyên nhưng mọi người đều cho rằng có thể dùng mãi - Ảnh 10.

Miếng bọt biển này loại bỏ tất cả các chất cặn bã khỏi bát đĩa của chúng ta, vì vậy nó cần được thay mới thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giặt bọt biển bằng nước nóng hàng ngày để kéo dài thời gian sử dụng, cũng như thay hàng tuần hoặc khi nhận thấy có mùi hôi hoặc nhớt.

Nguồn: Bright Side

>

Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm

 

Black Panther: Wakanda Forever là bộ phim khép lại năm 2022 của Vũ trụ Điện Ảnh Marvel trên màn ảnh rộng. Đây là tác phẩm sở hữu cốt truyện chặt chẽ, xứng danh phim siêu anh hùng giàu cảm xúc nhất MCU.

Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm

Hồi 2018, Black Panther từng trở thành hiện tượng tại phòng vé toàn cầu. Bộ phim với Chadwick Boseman trong vai chính đánh dấu lần đầu tiên có một siêu anh hùng da đen được đặt vào vị trí nam chính trên màn ảnh. Tác phẩm càng trở nên ý nghĩa khi kết hợp nhuần nhuyễn các chất liệu văn hóa châu Phi với lối hư cấu, giả tưởng của thể loại siêu anh hùng.

Sau bốn năm chờ đợi, khán giả trên toàn thế giới đã được thưởng thức phần hậu truyện của Black Panther với nhan đề Black Panther: Wakanda Forever . Phim hiện đã nhận về 86% phản hồi tích cực từ các cây bút phê bình của chuyên trang Rotten Tomatoes với lời nhận xét chung được gạch chân, bôi đậm: "Một sự tưởng nhớ sâu sắc, thúc đẩy thương hiệu tiếp tục phát triển một cách rất hợp lý. Phim đánh dấu một chiến thắng đầy xứng đáng và giàu cảm xúc cho MCU".

Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 2.

Điều gì đến sau cái chết của một siêu anh hùng?

Năm 2020, sự ra đi đột ngột của Chadwick Boseman vì căn bệnh hiểm nghèo, cùng đại dịch Covid-19 đã khiến mọi kế hoạch trước đó mà Marvel Studios cùng đạo diễn Ryan Coogler chuẩn bị cho thương hiệu Black Panther phải thay đổi. Một trong số đó chắc chắn là tìm ra cách giải quyết thấu đáo cho nhân vật T'Challa mà Boseman thủ vai. Những năm qua, từng có nhiều đồn đoán về việc vai diễn giờ trống diễn viên này sẽ được cắt khỏi kịch bản, hay Disney sẽ tìm một ai đó khác trám vào vị trí này. Đáp án là nhà làm phim đã chọn phương án khó hơn, nhưng trọn vẹn với cả tài tử quá cố lẫn thương hiệu điện ảnh: Để T'Challa ra đi.

Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 3.
 
Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 4.

Wakanda Forever chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự ra đi của nhân vật T'Challa

Black Panther: Wakanda Forever bắt đầu bằng cái chết đột ngột của T'Challa. Khoảng trống mà vị quốc vương, người con trai, người anh trai ấy để lại là không gì khỏa lấp được. Giữa lúc cả vương triều vẫn chưa thể nguôi ngoai, kẻ thù lại một lần nữa kéo đến gõ cửa. Lần này, khách không mời là Namor (Tenoch Huerta) - vua của vương quốc Talokan ẩn mình dưới đáy đại dương. Sự xuất hiện của Namor và quân đoàn từ đáy biển sâu khiến chính sự Wakanda đã phức tạp lại càng thêm phần rối ren. Đây dường như là sự thử thách cao nhất cho các nhân vật, để từ đó họ không chỉ biết được mình phải làm gì, mà còn tìm ra bản thân là ai.

Các câu chuyện hấp dẫn không phải thứ được tạo ra mà là những gì được thuật lại. Điều này đúng với Black Panther: Wakanda Forever . Sự ra đi đột ngột của Chadwick Boseman đã buộc đạo diễn Ryan Coogler phải viết lại toàn bộ kịch bản Black Panther 2 , nhưng cũng chính mất mát ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để câu chuyện mới ra đời.

Wakanda Forever chính là bộ phim phản chiếu chính cảm xúc của những người trong cuộc - đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, dàn diễn viên phim Black Panther - trước sự mất mát quá lớn lao. Mỗi người đều tự tìm cho mình một cách khác nhau để vượt qua vết thương lòng. Đó có thể là sự thỏa hiệp với nỗi đau, chấp nhận mất mát và bước tiếp hay mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của tổn thương và bất lực…

Đặt cạnh nhau, mỗi nhân vật với những lựa chọn quá khác biệt ấy tạo thành Wakanda Forever . Bộ phim siêu anh hùng không kể về chiến công của người hùng chiến đấu chống lại một mối đe dọa toàn cầu mà cố gắng tái hiện khoảng trống anh ta để lại khi không còn trên cõi đời. Mất mát ấy phản ánh rõ nét qua chiều sâu tâm lý của mỗi nhân vật được khắc họa một cách chi tiết từng nét biến chuyển trên màn ảnh.

Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 6.
 
Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 7.

Nữ hoàng Ramonda (Angela Bassett) phải trở lại ngai vàng, cáng đáng trọng trách mà người con trai yểu mệnh bỏ lại

Về mặt cá nhân thương hiệu điện ảnh Black Panther: Wakanda Forever đã hoàn thành mục tiêu kép là dành sự tri ân cho tài tử quá cố Chadwick Boseman - người từng là linh hồn của loạt phim - và mở ra một hướng đi mới cho dòng chảy sự kiện. Những cuộc chuyển giao quyền lực đã diễn ra, các mối quan hệ thành hình và rồi bị phá vỡ, mọi thứ đều chạm đáy rồi từ từ đi lên…

Kịch bản Wakanda Forever cuốn hút người xem không nhờ vào những người anh hùng bá đạo bất ngờ xuất hiện và giải cứu nhân loại vào phút chót - lối xây dựng tình huống phổ biến trong các phim siêu anh hùng - mà ăn điểm nhờ việc đã dàn dựng thành công nhiều tình huống buộc các nhân vật phải dốc ngược tâm can, đối mặt với những cảm xúc nguyên thủy của mình. Nhờ thế, khán giả có cơ hội được trải nghiệm cảm giác hồi hộp đến thắt tim rồi thở phào nhẹ nhõm khi theo dõi nhân vật đứng ở ngã ba đường của những lựa chọn, mà chỉ có một hướng đi dẫn đến cái kết đúng đắn.

Phim đầu tư sâu cho khâu xây dựng nhân vật, kể cả phản diện

Con trai cả qua đời, Hoàng hậu Ramonda (Angela Bassett) trở lại vị trí người trị vì Wakanda. Bà nén nỗi đau thương để lãnh đạo vương quốc chống chọi với sự công kích từ bên ngoài. Công chúa Shuri (Letitia Wright) mê mải đuổi theo những phát minh mới, nhưng bên dưới lớp vỏ của một thiên tài vô ưu vô lo ấy là một tâm hồn đã vụn vỡ. Giữa hai mẹ con giống như đang diễn ra một trò rồng rắn lên mây của cảm xúc - người này cố gắng tóm lấy cái đuôi yếu đuối, đang tổn thương và cần được chữa lành mà đối phương cố che giấu và ngược lại.

Trong đó, sự thay đổi rõ rệt nhất có thể quan sát được ở Shuri. Nàng công chúa thông minh, sắc bén và hồn nhiên sống giữa tình yêu thương của mẹ và anh trai đã trở thành cô gái mới lớn đầy hoang mang vào danh tính lẫn giá trị của bản thân. Cả cuộc đời Shuri đã sống với danh xưng "em gái T'Challa", cánh tay phải hữu ích của Black Panther. Nhưng giờ đây, khi anh trai không còn nữa, cô chỉ còn là công chúa Shuri đầy cảm giác hoài nghi, chối bỏ, không nhận ra mình là ai, không chắc chắn mình muốn gì, và phải làm gì.

Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 8.
 
Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 9.

Black Panther: Wakanda Forever trong phạm vi hẹp là một bộ phim xoay quanh cách các thành viên trong một gia đình đối mặt với nỗi đau mất đi thân nhân

Black Panther: Wakanda Forever là phim điện ảnh thứ 30 thuộc MCU, và cũng là bộ phim được nhận xét là giàu cảm xúc nhất mà Marvel Studios từng xuất xưởng. Cảm xúc mãnh liệt ập đến với khán giả ngay từ những giây đầu tiên của phim trước hết đến từ việc cả thế giới đã biết về cái chết của Chadwick Boseman, tiếc thương và buồn khi anh không còn cơ hội trở lại màn ảnh trong vai diễn nổi tiếng.

Câu chuyện ngoài đời đã cộng hưởng với sự kiện trong phim, nhanh chóng và rất tự nhiên khiến tất cả khán giả vào cùng một trường cảm xúc. Diễn xuất của dàn diễn viên chính, với Angela Bassett và Letitia Wright ở vị trí trung tâm, đã thành công truyền tải những cảm xúc đau thương mãnh liệt tới người xem.

Ngoài hai mẹ con, dàn nhân vật phụ gồm Okoye (Danai Gurira), Nakia (Lupita Nyong'o) hay M'Baku (Winston Duke) cũng được đầu tư xây dựng tính cách, tâm lý. Sự chuẩn bị này mang đến cho bộ phim những gương mặt vừa quen vừa lạ, vừa có tiếng cười bề mặt nhưng cũng có nhiều trăn trở và mâu thuẫn nội tâm.

Trong Black Panther: Wakanda Forever , không gian văn hóa - lịch sử của những người da đen đã được mở rộng tới vùng Trung Mỹ, với đại diện là nền văn minh Maya được phản chiếu qua tạo hình Namor cùng thần dân của mình và khung cảnh vương quốc Talokan. Không chỉ vay mượn về hình ảnh, Wakanda Forever còn dày công dàn dựng nhiều phân đoạn mà trong đó các nhân vật trực tiếp trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của người Maya, làm tăng độ chân thực cho trải nghiệm xem phim của khán giả.

Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 11.
 
Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 12.

Namor và Shuri chia sẻ nhiều điểm chung về tính cách và hành động mà họ có thể nhận ra

Không chỉ hoàn thành vai trò kẻ khủng bố Wakanda, Namor cũng là nhân vật phản diện/phản anh hùng hiếm hoi từng xuất hiện trong MCU không rơi vào lối mòn nói như rồng leo làm như mèo mửa. Namor không chỉ là một kẻ nắm trong tay sức mạnh siêu phàm. Gã còn là một nhà quân sự rành cách điều binh khiển tướng, giỏi dùng đòn chiến tranh tâm lý. Namor có thể vào vai người chủ nhà hiếu khách, nhưng hắn cũng sẵn sàng vào vai kẻ khủng bố bạo tàn.

Câu chuyện của Namor trên màn ảnh tuy thua kém về độ hoành tráng, nhưng hấp dẫn và giàu tính thuyết phục hơn nhiều âm mưu lấy thịt đè người của "cán bộ dân số" Thanos rất nhiều. Tuy nhiên, màn chào sân MCU của Namor đáng lẽ đã trọn vẹn hơn nếu quê nhà Talokan của anh được Marvel chăm chút xây dựng hơn nữa trên màn ảnh. Dẫu biết đây là vương quốc dưới lòng biển sâu, nơi ánh sáng tự nhiên không thể rọi tới, nhưng khán giả có lẽ không tưởng tượng được nó sẽ nhợt nhạt, u ám và nhiều phần tăm tối đến như những gì họ đã thấy trên màn ảnh.

Đoạn kết rực rỡ cho Kỷ nguyên IV của MCU

Trong quá khứ, chủ tịch Marvel Studios từng chia sẻ Kỷ Nguyên IV của MCU trên màn ảnh rộng sẽ tập trung vào những tổn thương tâm lý lâu dài mà dàn siêu anh hùng khán giả từng yêu mến phải chịu đựng sau trận đại chiến với Thanos. Ta có thể cảm nhận rõ cơn ác mộng vẫn ám ảnh họ trong Black Widow (2021), Spider-Man: No Way Home (2021) hay Doctor Strange in the Multiverse of Madness (2022) rồi Thor: Love and Thunder (2022).

Tuy nhiên, về tổng thể, chùm phim, cùng hai tác phẩm mang tính bổ sung nhân sự mới là Shang-Chi and The Legend of The Ten Rings (2021) và Eternals (2021), vẫn giống như một cuộc cưỡi ngựa xem hoa thiên về trưng trổ bề ngoài, giết thời gian để chuẩn bị cho một Kỷ nguyên V to lớn hơn. Tất nhiên, ta không có ý phủ nhận chiều sâu giá trị của No Way Home hay Multiverse of Madness , nhưng nhìn chung chùm tác phẩm vẫn chưa chạm tới sự bùng nổ mà Captain America: Civil War (2016) hay chính Black Panther (2018) từng làm được.

Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 13.
 
Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 14.

Hai siêu anh hùng mới gia nhập MCU

Black Panther: Wakanda Forever xét cho cùng vẫn chưa có được sự bùng nổ về mặt hình ảnh, khiến khán giả phải há hốc mồm - theo đúng tiêu chí của một phim bom tấn siêu anh hùng chuẩn "công viên giải trí". Nhưng nó vẫn là một nốt nhạc vút cao khép lại Kỷ nguyên IV trầm lắng, chìm trong nỗi tiếc thương của MCU trên màn ảnh rộng. Phải tới tác phẩm này, người xem mới có thể cảm nhận được "sự nhẹ nhõm của một cái thở phào", khi những nỗi đau đã được xếp lại trong một ngăn của trái tim, và người trong cuộc (cũng như khán giả) đã có thể yên tâm bước tiếp.

Là một tác phẩm ít nhiều mang tính tri ân, tưởng nhớ, nhưng Black Panther: Wakanda Forever , giống như phần lớn tác phẩm thuộc Kỷ nguyên IV, vẫn giới thiệu với khán giả ít nhất ba nhân vật mới, chuẩn bị cho cuộc đại chiến đa vũ trụ trong tương lai. Như đã được tiết lộ từ trước, đó chính là Black Panther mới, Ironheart và gã chính tà bất phân Namor. Wakanda Forever có nhiều hơn một thế lực phản diện. Và nhiều khả năng, đây cũng là tiết lộ cho phần thứ ba của thương hiệu điện ảnh.

Black Panther: Wakanda Forever - Siêu phẩm giúp Marvel thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 15.

Ảnh: Disney

>

Tìm kiếm Blog này

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn