Cục Hàng không Dân dụng Hoa Kỳ cảnh báo về nguy cơ vệ tinh Starlink rơi xuống Trái Đất, có thể gây nguy hiểm đến dân thường và đe dọa ngành hàng không.
Báo cáo từ chính quyền Mỹ mới công bố gần đây đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ vệ tinh Starlink rơi xuống Trái Đất, có thể gây nguy hiểm đến dân thường và đe dọa ngành hàng không.
Cụ thể, trong báo cáo Cục Hàng không Dân dụng Hoa Kỳ (FAA) đã đưa ra viễn cảnh "Bầu trời có thể không rơi xuống đầu chúng ta, nhưng các vệ tinh thì có".
Theo báo cáo, đến năm 2035, SpaceX gia tăng đáng kể các vệ tinh thuộc hệ thống Starlink của hãng. Khi đó, các thiết bị này sẽ quay trở lại bầu khí quyển sau khi hết hạn sử dụng. Các mảnh vỡ còn sót lại sẽ vỡ rơi xuống Mặt Đất, dự kiến lên tới 28.000 mảnh mỗi năm.
Ước tính mức độ tổn thất, cứ sau 2 năm sẽ có một người trên mặt đất bị ảnh hưởng (bị thương hoặc thiệt mạng) do mảnh vỡ từ vệ tinh
Ngành hàng không cũng bị ảnh hưởng bởi mối đe dọa này nhưng ở mức độ rất thấp với tỷ lệ máy bay rơi do mảnh vỡ từ vệ tinh là 0,07% vào năm 2035.
Bắt đầu từ năm 2019 đến tháng 10 năm nay, SpaceX đưa hơn 5.200 vệ tinh Starlink để thiết lập hệ thống "chòm sao vệ tinh" khổng lồ trên quỹ đạo Trái Đất thấp. Dự kiến, tập đoàn này sẽ phóng 42.000 vệ tinh trên toàn cầu để truyền internet từ không gian xuống Trái Đất.
Tuy nhiên, tuổi thọ của mỗi vệ tinh Starlink chỉ 5 năm nên sẽ có rất nhiều vệ tinh ngừng hoạt động trong cả hiện tại và tương lai. Với những vệ tinh này, SpaceX sẽ đưa chúng vào khí quyển để bốc cháy hoàn toàn.
Với báo cáo của FAA, SpaceX bày tỏ mạnh mẽ sự không đồng tình và khẳng định thật sai lầm khi tin rằng hàng nghìn mảnh vỡ sẽ bắn phá Trái Đất và làm hại con người.
SpaceX cho biết, các vệ tinh Starlink được thiết kế để khi quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất sẽ bị đốt cháy hoàn toàn. Vì vậy, các thiết bị này không gây rủi ro cho con người hoặc tài sản trên mặt đất. Hiện nay đã có hơn 325 vệ tinh đã được phá hủy từ cách này và dường như không có báo cáo nào về các mảnh vỡ được tìm thấy trên mặt đất, và chưa có bất kỳ thương tích hoặc tử vong nào.