Háo hức kiếm thêm tiền trên mạng, người đàn ông mất trắng số tiền tiết kiệm cả đời. Nỗi đau càng thêm chua xót khi kẻ lừa đảo còn lên tiếng mỉa mai.
"Có giỏi thì cứ báo cảnh sát"
Người đàn ông này hy vọng kiếm được khoản tiền nhanh chóng nhờ thực hiện một số nhiệm vụ đơn giản. Nhưng trái với kỳ vọng ban đầu, anh bỗng trở thành kẻ không một xu dính túi.
Nhân viên an ninh tên Mohan ở Singapore đã mất hơn 150.000 SGD (khoảng 2,6 tỷ đồng) sau khi sa chân vào vụ lừa đảo việc làm trên Telegram, Shin Min Daily News đưa tin.
Vào ngày 19/6 vừa qua, người đàn ông 44 tuổi nhận được lời mời làm việc qua Telegram. Sau khi tỏ ra hứng thú, anh được một người phụ nữ tên Yu Thing liên lạc.
Cô ấy bảo Mohan đăng ký tài khoản trên trang web kiếm tiền bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ trực tuyến. Tuy nhiên, anh cần gửi một khoản phí trước khi được phép nhận nhiệm vụ.
"Cô ấy nói rằng sau khi hoàn thành 35 nhiệm vụ, tôi có thể lấy lại tiền đóng trước đó cùng với tiền hoa hồng kiếm được, nhưng bắt buộc tôi phải chuyển tiền trước thì mới được làm", Mohan chia sẻ với Shin Min.
Lúc đầu, anh không tỏ ra nghi ngờ gì và thực hiện chuyển khoản đến các tài khoản khác nhau cho đến ngày 28/7, thậm chí Mohan còn chuyển 59.335 SGD chỉ trong một ngày. Tổng cộng, anh đã gửi đi 155.081 SGD trong vòng 39 ngày.
Nhưng khi muốn có ý định rút tiền, anh lại được yêu cầu gửi hơn 120.000 SGD, điều khiến Mohan ngày càng nghi ngờ "ông chủ" của mình.
Anh nhớ lại: "Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi được thông báo rằng mình đã làm quá chậm và phải trả thêm 120.000 USD để tiến xa hơn. Chỉ sau đó tôi mới nhận ra mình có thể đã bị lừa".
Mohan hăm dọa những kẻ lừa đảo rằng anh sẽ gọi cảnh sát nhưng chúng ngó lơ, thậm chí còn lên giọng thách thức.
"Chúng nói với tôi rằng: 'Cứ việc báo cảnh sát, bọn này không ngại' - Nhưng sau đó tôi không thể liên lạc được với họ", Mohan kể lại.
Cảnh sát xác nhận Mohan đã trình báo vụ việc và cuộc điều tra đang được tiến hành.
Mohan cũng chia sẻ rằng số tiền mà anh bị lừa là tiền tiết kiệm sau 12 năm làm việc. Sau khi trở thành nạn nhân của kẻ gian, giờ anh không còn đồng nào trong túi.
"Tôi không nghĩ mình có thể lấy lại được tiền", Mohan thừa nhận. "Vì vậy, tôi hy vọng mọi người có thể rút ra bài học từ câu chuyện này để không trở thành nạn nhân tiếp theo".
Dấu hiệu lừa đảo cần tránh xa
Tính đến tháng 12/2021, hơn 4.500 người đã trở thành con mồi của các vụ lừa đảo việc làm, mất tổng cộng 91 triệu SGD, theo trang web Cảnh báo lừa đảo do Hội đồng phòng chống tội phạm quốc gia Singapore vận hành.
Lừa đảo việc làm đứng ở vị trí thứ hai trong số năm dạng lừa đảo hàng đầu xảy ra ở Singapore trong khoảng thời gian từ 22 đến 28/7.
Nhà chức trách cũng cảnh báo công chúng không nên rơi vào bẫy lừa đảo việc làm, với các dấu hiệu dưới đây cần tránh xa.
Lời đề nghị làm việc có thể là lừa đảo nếu đối tượng yêu cầu người tham gia phải thanh toán một khoản phí trước khi bắt đầu làm việc. Không có tổ chức hợp pháp nào yêu cầu nhân viên đưa tiền trước rồi mới nhận việc.
Trò lừa đảo cũng thường hứa hẹn mức thù lao cao trong khi không yêu cầu về kinh nghiệm, công sức bỏ ra. Nạn nhân có thể nhận được hoa hồng ngay trong ngày đầu tiên.
Lời mời gọi còn đi kèm các "câu chuyện thành công" hoặc "lời chứng thực" từ ai đó uy tín được gửi đến nạn nhân để lấy thêm lòng tin.
Một yếu tố quan trọng khác là cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra trên nền tảng trò chuyện trực tuyến. Các nhà tuyển dụng đích thực sẽ không bao giờ tiếp cận ứng viên trên Telegram, What's App hoặc mạng xã hội.
Đây được coi là một cách tiếp cận rất thiếu chuyên nghiệp và ngay cả khi nhà tuyển dụng liên hệ theo cách này, họ cũng sẽ áp dụng các phương thức liên lạc chính thống ngay sau đó.
Ngoài ra, nếu bạn thấy quảng cáo về một công ty đang cần tuyển dụng ngay lập tức hoặc có quy trình tuyển dụng trong ngày, hãy cảnh giác. Quan trọng hơn cả, hãy tìm hiểu về công ty đang cung cấp công việc mà bạn quan tâm.
Hãy tìm trang web của họ và xem nó có chuyên nghiệp và nhiều thông tin không hay chỉ cơ bản và mơ hồ.