Gần như 100% mọi người sẽ không đoán được ý nghĩa của cái tên cho công nghệ kết nối mạng không dây này.
Sau hơn 20 năm phát triển, giờ đây công nghệ mạng không dây Wi-Fi đã trở nên quá phổ biến đến mức trở thành một kết nối tiêu chuẩn cho hầu hết các thiết bị thông minh ngày nay. Không chỉ laptop hay điện thoại, mà giờ cả máy tính bàn, smartwatch, TV, camera hay thậm chí cả những chiếc cân đo sức khỏe giờ cũng được trang bị kết nối này.
Thậm chí nó còn phổ biến đến mức nhiều người đánh đồng Wi-Fi với internet, cho dù bản chất của chúng khác hẳn nhau. Thế nhưng “Wi-Fi” nghĩa là gì hay đó là viết tắt của từ gì?
Nhiều người đều đồng tình cho rằng chữ “Wi” là viết tắt của từ Wireless – cho thấy khả năng kết nối internet không dây của công nghệ này, chỉ có chữ "Fi" là gây nhiều tranh cãi hơn.
Trước đây nhiều người cho rằng chữ “Fi” này là viết tắt của cụm từ “frequency interface” hay “giao diện tần số” – một cụm từ khác nhấn mạnh đến khả năng kết nối internet không dây của công nghệ này.
Nhưng một lời giải thích khác được đông người chấp nhận hơn là chữ này là viết tắt của từ “Fidelity” (sự chân thực) tương tự như trong cụm từ “Hi-Fi” hay High Fidelity (độ chân thực cao) nhằm cho thấy khả năng truyền tải gần như nguyên vẹn chất lượng internet của Wi-Fi so với kết nối dùng dây dẫn.
Tuy nhiên, những lời giải thích này đều không chính xác. Ông Phil Belanger, một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Wi-Fi Alliance, đã bác bỏ tất cả các lời giải thích này. Wi-Fi Alliance là tổ chức phi lợi nhuận nắm giữ thương hiệu Wi-Fi cũng như thúc đẩy sự phát triển và thiết lập nên các thông số tiêu chuẩn cho công nghệ kết nối mạng này.
Ông Belanger cho biết: “ Wi-Fi chẳng phải là từ viết tắt cho cái gì. Nó cũng chẳng phải các chữ cái đầu của từ nào. Nó chẳng có nghĩa gì cả .”
Sự thật là vào thời điểm thiết lập nên tiêu chuẩn công nghệ kết nối mạng không dây này tổ chức nói trên chỉ cần một cái tên dễ nhớ hơn cụm từ “IEEE 802.11b Direct Sequence”. Vì vậy, năm 1999 họ đã thuê một hãng tiếp thị có tên Interbrand để đặt tên cho công nghệ kết nối này và họ được lựa chọn 1 trong số 10 phương án đưa ra, cuối cùng cái tên Wi-Fi là đáp án được chọn.
Quả thật, ông Belanger cũng thừa nhận rằng trong những ngày đầu tiên của tổ chức Wi-Fi Alliance, Liên minh này đã đưa ra dòng khẩu hiệu “The Standard for Wireless Fidelity” (Tiêu chuẩn cho độ trung thực không dây) như một lời giải thích cho cái tên Wi-Fi. Điều này là vì lúc đó các thành viên trong Hội đồng quản trị của tổ chức cảm thấy thật khó tưởng tượng ra một cái tên lại không có ý nghĩa gì như thế và muốn có một lời giải thích cho nó.
Thế nhưng ông Belanger cho rằng đó là một sai lầm khi làm điều đó và cuối cùng cái khẩu hiệu đó cũng bị loại bỏ. Mặc dù vậy, có lẽ điều này phần nào cũng làm nên các lời giải thích cho rằng Wi-Fi là viết tắt của từ “Wireless Fidelity” dù trên thực tế, tên gọi này chẳng có ý nghĩa gì cả, nó chỉ đơn thuần là một cái tên dễ nhớ, dễ đọc và dễ tiếp thị tới người dùng thông thường hơn mà thôi.
Nếu ai đó quen thuộc với các thương hiệu do Interbrand tạo ra cũng sẽ quen với các cái tên vô nghĩa, nhưng dễ đọc, dễ gọi tên như Wi-Fi. Đôi khi chúng cũng là sự kết hợp vô nghĩa giữa các chữ cái với nhau để tạo thành một từ mới. Mục tiêu của họ chỉ là tạo ra một thương hiệu có thể gợi lên sự liên tưởng trong tâm trí người dùng, thay vì cố gắng định nghĩa nên sản phẩm hay thương hiệu đó.