Loài chó hoang này có tên gọi là dhole, một kẻ săn mồi vô danh ở vùng hoang dã của Ấn Độ.
Loài chó hoang dã với tuyết huýt sáo lạ kỳ
Mặc dù thoạt nhìn nó có vẻ giống một con cáo, nhưng những sinh vật này thực chất là một con dhole (Cuon alpinus). Còn được gọi là chó hoang châu Á hay chó hoang Ấn Độ.
Trên thực tế, loài chó hoang này giữ một vị trí độc nhất trong hệ thống phân cấp của những kẻ săn mồi, chúng thường đi săn theo bầy, giống như người anh em họ xa của nó, sói xám.
Mặc dù có kích thước nhỏ —nặng từ 12 đến 18 kg—dholes vẫn được biết đến là một loài có lòng dũng cảm và sự nhanh nhẹn phi thường, chúng có thể hạ gục con mồi lớn hơn chúng rất nhiều. Những sinh vật nhanh nhẹn này thậm chí có thể nhảy thẳng tới độ cao hơn 2 mét trong không trung, một kỳ tích đáng nể đối với một loài động vật có kích thước như chúng.
Không giống như những con chó hoang dã khác, dholes là loài động vật có tính xã hội cao. Chúng sống và săn mồi theo đàn, có thể từ 5 đến 12 thành viên. Một số nhà quan sát đã ghi nhận các nhóm có quy mô lớn tới 40 cá thể, mặc dù điều đó rất hiếm.
Hệ thống phân cấp trong đàn thường là bình đẳng, với trách nhiệm được chia sẻ ngang bằng nhau ở cả con đực và con cái. Những mối liên kết này giúp cả đàn phối hợp với nhau trong các cuộc đi săn và đảm bảo sự sống sót của những con non.
Khi hoàng hôn buông xuống, những con chó hoang này sẽ bắt đầu cuộc săn lùng của mình. Màn đêm yên tĩnh cũng theo đó mà rung chuyển với tiếng huýt sáo đặc trưng của chúng, một phần quan trọng trong hệ thống liên lạc của loài vật này. Mỗi thành viên, được hướng dẫn bởi những tiếng huýt sáo có những vai trò cụ thể khác nhau.
Với một cuộc tấn công phối hợp, chúng có thể hạ gục cả một con hươu sambar cường tráng. Dholes thường được biết đến với việc hạ gục con mồi có thể nặng gấp 50 lần trọng lượng cơ thể của chúng.
Không giống như hầu hết các loài chó, sau mỗi cuộc săn, chúng sẽ để những con non trong đàn ăn trước. Chúng hầu như luôn tránh con người, nhưng chúng không ngại đối đầu với những động vật nguy hiểm, như lơn rừng, trâu rừng hay thậm chí là hổ.
Mặc dù có báo cáo về việc loài chó hoang này giết hổ, nhưng ở thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa quan sát được điều này. Mặc dù có khả năng cùng tồn tại với những loài ăn thịt hàng đầu này, nhưng loài chó hoang Ấn Độ này vẫn phải vật lộn để tồn tại trong những khu vực có con người sinh sống.
Jan Kamler từ Đơn vị Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Đại học Oxford nói với The Guardian: "Tôi coi chó dhole là loài chó cực đoan nhất do những đặc điểm hình thái và hành vi độc đáo của chúng, chẳng hạn như bao gồm những chiếc răng chuyên biệt dành cho loài siêu ăn thịt".
Một loài bị đe dọa tuyệt chủng?
Sự kết hợp giữa mất môi trường sống, bệnh tật từ chó nhà và sự cạnh tranh với những kẻ săn mồi lớn hơn như hổ và báo đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể số lượng của loài dhole.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê dhole là loài có nguy cơ tuyệt chủng, với số lượng toàn cầu ước tính ít hơn 2.000 con trưởng thành.
Kate Jenks, một nhà sinh vật học bảo tồn của Sở thú Minnesota, người đã dành 9 năm đặt bẫy, đeo cổ và nghiên cứu về những con hổ ở Thái Lan, cho biết : “So với hổ, một con dhole không mấy 'quyến rũ'. Chúng có xu hướng bị bỏ qua bởi các nhà khoa học và nhà bảo tồn quan tâm nhiều hơn đến hổ và báo hoa mai sống trong cùng một khu vực”.
Bất chấp những khó khăn chồng chất, những kẻ săn mồi này đang dần thay đổi để thích nghi. Những con dholes đang điều chỉnh hành vi và chế độ ăn uống của mình với môi trường thay đổi nhanh chóng. Ví dụ, người ta đã quan sát thấy những con dholes trong tự nhiên chuyển từ hoạt động ban ngày sang hoạt động về đêm ở những khu vực có nhiều hoạt động của con người.
Để đối phó với số lượng ngày càng giảm của chúng, các nỗ lực đang được tiến hành để bảo vệ những kẻ săn mồi quyến rũ này. Nhiều sáng kiến khác nhau, cả chính phủ và phi chính phủ, đang thực hiện các bước để bảo tồn môi trường sống của dhole, ngăn ngừa bệnh tật và giảm xung đột giữa người và động vật.