Không chỉ nàng tiên cá Ariel, loạt phiên bản người thật của nhân vật hoạt hình đình đám như Công chúa Bạch Tuyết, nàng Belle của Người Đẹp và Quái Vật, Tinker Bell... đang bị Disney nhuộm đen. Cư dân mạng gọi đây là hành động phá nát tuổi thơ.
Công thức đổi màu da, hình tượng nhân vật hoạt hình kinh điển kết hợp sáng tạo câu chuyện gốc đang được Disney tích cực áp dụng trong các tác phẩm phiên bản người thật (live-action). Không chỉ nàng tiên cá Ariel, nhiều nhân vật khác như Công chúa Bạch Tuyết, nàng Belle của Người đẹp và Quái vật... cũng bị “đổi trắng thay đen”. Điều này khiến người hâm mộ của nguyên tác phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ. Họ lên án “Nhà Chuột” phá nát tuổi thơ của bao thế hệ, lấy danh nghĩa ủng hộ bình đẳng sắc tộc tại Hollywood để PR, tạo dư luận với mục đích kiếm tiền.
Dưới đây là 5 nhân vật Disney phiên bản người thật gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội:
Nàng tiên cá Ariel
Phiên bản live-action của The Little Mermaid (tựa Việt: Nàng tiên cá) phát hành vào ngày 26/5 và hiện vẫn đang có mặt trong rạp chiếu phim toàn cầu.
Kể từ thời điểm công bố diễn viên, khởi quay và công chiếu, phim liên tục gây ra các cuộc tranh luận và phản ứng dữ dội vì lựa chọn nữ ca sĩ da đen Halle Bailey vào vai nữ chính, nàng tiên cá Ariel. So với phiên bản hoạt hình năm 1989, tạo hình mới của Ariel không chỉ khác biệt màu da, mà còn đổi từ tóc đỏ sang kiểu tóc tết dây thừng đặc trưng của người Mỹ gốc Phi.
Cư dân mạng không hài lòng về thay đổi này. Trên mạng xã hội, hashtag #NotMyAriel (Không phải Ariel của tôi) và nhiều chiến dịch phản đối khác được tạo ra. Fan nguyên tác cho biết đây không phải vấn đề chủng tộc, mà ngoại hình của Halle Bailey không giống nàng Ariel mà họ biết.
Nàng Belle
Năm 2022, Disney tung ra bản làm lại vở nhạc kịch nổi tiếng Beauty and the Beast (Người đẹp và Quái vật). Trong phiên bản người thật đóng, nữ ca sĩ R&B H.E.R đóng vai Belle.
Khi người đẹp Mỹ gốc Phi chia sẻ tin tức trên Instagram, người hâm mộ để lại bình luận ủng hộ, bày tỏ niềm tự hào khi người da đen được xem trọng. Tuy nhiên, không ít người chỉ trích quyết định của nhà sản xuất: “Disney một lần nữa để người da đen diễn giải câu chuyện mà người da trắng là nhân vật chính. Điều này đã phá hủy ký ức tuổi thơ của chúng ta”.
Công chúa Bạch Tuyết
Trong phiên bản live-action Snow White (Bạch Tuyết) dự kiến công chiếu vào năm 2024, Rachel Zegler vào vai nữ chính. Ngôi sao 20 tuổi người Mỹ Latinh có nhiều kinh nghiệm đóng kịch trên sân khấu và sở hữu giọng hát tuyệt vời.
Tuy nhiên, người hâm mộ không hài lòng vì màu da nâu của Zegler không hề đúng với mô tả “da trắng như tuyết” trong truyện cổ tích. Họ chế giễu nữ diễn viên thắng giải Quả cầu vàng là “Công chúa Than Đen” hay “giống như cô ấy vừa mới đi chơi bùn về”.
Nàng tiên Tinker Bell
Đầu tháng 4, Disney tung trailer phim live-action Peter Pan & Wendy . Trong đó, nhân vật nàng tiên Tinker Bell do nữ diễn viên Mỹ Yara Shahidi đảm nhận.
Trong trí nhớ của mọi người, Tinker Bell là nàng tiên nhỏ bé, dễ thương với mái tóc vàng buộc củ tỏi và làn da trắng. Tuy nhiên, Yara sở hữu làn da đen, tóc đen và ngoại hình bị đánh giá không đủ đẹp để trở thành tiên.
Sự cải biên này cũng vấp phải sự chỉ trích của đông đảo khán giả.
Cô tiên xanh
Năm 2022, Disney phát hành bộ phim Pinocchio (Cậu bé người gỗ) phiên bản live-action. Nhân vật phụ quan trọng trong phim là Cô tiên xanh (The Blue Fairy) được giao cho nữ diễn viên/ca sĩ người Anh Cynthia Erivo.
Ở phiên bản hoạt hình, Cô tiên xanh có nét tương đồng với nhân vật bà tiên trong Cinderella (Cô bé Lọ Lem). Cả hai đều có mái tóc vàng xoăn bồng bềnh và da trắng. Tuy nhiên, Cô tiên xanh của Cynthia Erivo không chỉ da đen mà còn không có tóc. Cư dân mạng bị sốc trước màn phá nát hình tượng triệt để này.
Theo HK01