Bi kịch của siêu anh hùng có tốc độ vượt cả ánh sáng

 

Diễn xuất và phần kịch bản được đầu tư giúp bom tấn “The Flash” ghi điểm. Dẫu vậy, tác phẩm lại có khâu kỹ xảo đáng thất vọng.

The Flash là phần phim thứ 13, cũng là một trong những dự án cuối cùng khép lại Vũ trụ Mở rộng DC (DCEU). Sau thất bại nặng nề của Shazam! Fury of the Gods , người hâm mộ hy vọng tác phẩm gặt hái thành công tại phòng vé, vực dậy tiếng tăm cho thương hiệu siêu anh hùng.

Trước khi phát hành, dự án càng được chú ý hơn vì những ồn ào đời tư của tài tử Ezra Miller. Theo IMDb, tác phẩm đứng thứ 5 trong danh sách 10 bom tấn được trông đợi nhất hè năm nay, vượt mặt Fast X, Transformers: Rise of the Beasts lẫn Mission: Impossible 7 .

Khi người hùng sửa sai

Nhân vật chính trong phim là người hùng tia chớp Barry Allen (Ezra Miller) - nổi tiếng với biệt danh The Flash. Anh chàng sở hữu khả năng di chuyển cực nhanh, vượt cả tốc độ ánh sáng. Dẫu vậy, nhân vật vẫn phải đối diện bi kịch gia đình, sau khi bố anh bị bắt vì tình nghi sát hại mẹ anh.

Bi kịch của siêu anh hùng có tốc độ vượt cả ánh sáng - Ảnh 1.

Phim kể về số phận The Flash (Ezra Miller) - nổi tiếng là siêu anh hùng nhanh nhất Vũ trụ DC.

Một lần, Barry nhận ra mình không chỉ dịch chuyển đến được mọi không gian, mà còn có thể du hành vượt thời gian. Thế nên anh quyết định sẽ quay ngược quá khứ, về lại thời điểm mẹ bị sát hại để thay đổi mọi thứ.

Hành động ích kỷ của Barry khiến hàng loạt sự kiện bị thay đổi, đẩy Trái Đất đến nguy cơ diệt vong. Không còn cách nào khác, anh phải hợp lực với một phiên bản khác của chính mình trong quá khứ, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp từ Người Dơi (Michael Keaton).

Không như nhiều phim siêu anh hùng chỉ tập trung vào màn hành động, The Flash đào sâu tâm lý nhân vật, lật mở nhiều góc khuất nội tâm của Barry Allen. Người xem hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ giữa anh và cha mẹ, cũng như những vết thương tinh thần người hùng phải chịu đựng.

Đảm nhận phần kịch bản, Christina Hodson - nổi tiếng với Bumblebee (2018) và Birds of Prey (2020) - muốn tạo ra một câu chuyện lớp lang. Bên cạnh tình cảm gia đình, phim còn mang thông điệp sâu sắc về cách đối diện nỗi đau quá khứ. Dù là siêu anh hùng hay người phàm, ai cũng sẽ trưởng thành, trở nên mạnh mẽ hơn nếu biết đứng lên từ thất bại.

Những khái niệm về đa vũ trụ, dòng thời gian, xuyên không gian đều được biên kịch giải thích đơn giản, giúp người xem dễ hiểu. Cô lồng ghép các tình tiết hài hước hợp lý, vừa đủ để duy trì tính giải trí, nhưng không làm mất đi sự nghiêm túc của câu chuyện. Càng về cuối, càng có nhiều cú twist xuất hiện, mang lại bất ngờ cho người xem.

Kỹ xảo là điểm trừ đáng tiếc

Với kinh phí đắt đỏ, các bom tấn hè năm nay đều được đánh giá cao về phần hình ảnh, hành động, chẳng hạn như Fast X, Transformers 7… Thế nhưng, bom tấn nhà DC lại nhiều nhiều lời chê về mảng kỹ xảo. Phần lớn ý kiến đánh giá bom tấn chưa xứng tầm với kinh phí xấp xỉ 220 triệu USD.

Bi kịch của siêu anh hùng có tốc độ vượt cả ánh sáng - Ảnh 2.
Bi kịch của siêu anh hùng có tốc độ vượt cả ánh sáng - Ảnh 3.

Tác phẩm nhận ý kiến không tốt về phần kỹ xảo, hình ảnh.

Trước đó, dự án bị trì hoãn, dời lịch phát hành vì nhiều lần thay đổi đạo diễn. Các nhà làm phim được lựa chọn ban đầu như Seth Grahame-Smith, Rick Famuyiwa, John Francis Daley… đều tuyên bố từ bỏ vì bất đồng quan điểm.

Cuối cùng, ngồi ghế đạo diễn là Andy Muschietti - người từng thành công với các dự án kinh dị Mama (2013), It (2017), It Chapter Two (2019). Dù chưa có kinh nghiệm với thể loại siêu anh hùng, nhà làm phim vẫn dẫn dắt tốt câu chuyện, mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.

Dẫu vậy, phần kỹ xảo không đạt chất lượng cao, khiến người xem có cảm giác khâu hậu kỳ được làm gấp rút. Các hiệu ứng vi tính trông không thật, đặc biệt là khi nhân vật chính sử dụng siêu năng lực, chạy xuyên qua các thành phố lẫn quốc gia. Thậm chí trong nhiều phân đoạn, chất lượng hình ảnh và kỹ xảo còn thấp hơn so với nhiều phim truyền hình hiện nay.

Thậm chí, cảnh chiến đấu cuối phim cũng chưa thực sự làm người xem thỏa mãn. Phần ánh sáng, màu sắc lẫn hiệu ứng kỹ xảo được xử lý không tốt, ít nhiều làm giảm tính thẩm mỹ, khiến chất lượng phim đi xuống.

Theo Variety , đạo diễn Andy Muschietti khá thẳng thắn chia sẻ về phần kỹ xảo của phim. Anh cho rằng tất cả đều “có mục đích”, nhằm mang đến cho người xem góc nhìn khác thường của nhân vật chính. Song, phần lớn người hâm mộ đều không hài lòng trước luận điểm này.

Diễn xuất nâng tầm tác phẩm

Dù hiệu ứng kỹ xảo đáng thất vọng, tác phẩm vẫn cuốn hút nhờ diễn xuất tròn trịa của dàn diễn viên. Trong phim, Ezra Miller cùng lúc phải diễn 2 vai, ứng với 2 phiên bản của The Flash ở hiện tại và quá khứ.

Một mặt, anh phải trở thành một Barry vô tư, sôi nổi và giàu năng lượng. Mặt khác, anh là Barry có nhiều tâm sự vì từng trải qua sai lầm lẫn mất mát. Một người thoải mái bộc lộ cảm xúc còn người kia luôn e ngại, giữ chừng mực. Dù đảm nhận vai diễn nào, Ezra Miller cũng thành công và mang lại nhiều cảm xúc cho phim.

Bi kịch của siêu anh hùng có tốc độ vượt cả ánh sáng - Ảnh 4.

Với khuôn mặt đậm chất điện ảnh, ngôi sao lột tả trọn vẹn sự cô độc và tự ti của nhân vật. Hóa ra ẩn sau lớp áo siêu anh hùng vẫn là một đứa trẻ chịu nhiều thương tổn, khao khát tình thương.

Các diễn viên phụ cũng duyên dáng, giúp tác phẩm hấp dẫn hơn. Michael Keaton chứng minh “gừng càng già càng cay”. Ở tuổi 71, tài tử vẫn giữ phong độ, thể hiện được phong thái của một Người Dơi lão làng, giàu kinh nghiệm.

Các diễn viên Ben Affleck, Michael Shannon dù ít đất diễn nhưng không gặp khó khăn khi trở lại với vai diễn quen thuộc. Đặc biệt, sự xuất hiện của Sasha Calle với vai Supergirl cũng là một yếu tố thú vị trong phim.

Bỏ qua các hạn chế, The Flash vẫn chiếm được thiện cảm của người hâm mộ. Tác phẩm được đánh giá là “bức thư tình” gửi đến những ai yêu mến DCEU, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

>

Tìm kiếm Blog này

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn