Kết luận của chuyên gia ngay lập tức khiến cho cả trường quay ngỡ ngàng.
Theo Zhihu, một chàng trai đến từ Hà Bắc, Trung Quốc đã đem một chiếc hộp bí mật được truyền lại trong gia đình đến chương trình Hoa Sơn luận giám (chương trình chuyên thẩm định báu vật, đồ cổ của Trung Quốc) để kiểm định. Khi mở chiếc hộp ra, thứ bên trong khiến mọi người tại trường quay “ngỡ ngàng bật ngửa”. Đó là một chiếc quạt lông vũ được chạm khắc tinh xảo với cán trắng như ngọc và hình dáng khiến người ta liên tưởng đến chiếc quạt lông vũ của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.
Thấy vậy, các chuyên gia trong chương trình không khỏi thắc mắc liệu anh chàng này có phải là hậu duệ của gia tộc Gia Cát hay không.
Kể về “lai lịch” của bảo vật, anh chàng cho biết chiếc quạt này đúng là của tổ tiên Gia Cát Lượng nhà anh để lại. Từ trước đến nay, gia đình anh đều xem nó như bảo bối và cất giữ trong nhà thờ tổ tiên. Chỉ những ngày lễ tết hay dịp trọng đại của gia tộc, chiếc quạt này mới được mang ra ngoài. Theo chia sẻ của chàng trai này, gia tộc anh đang định biên soạn lại gia phả và cần chứng thực nguồn gốc để có thể đưa nó vào gia phả.
Nghe vậy, các chuyên gia lại càng nóng lòng muốn được nghiêm ngưỡng chiếc quạt nổi tiếng. Trong sách Trường vật chí có viết, quạt lông vũ chính là cổ vật lâu đời nhất lịch sử Trung Quốc, xuất hiện từ thời Thục Hán với hơn 2000 năm lịch sử.
Khi cầm chiếc quạt lên xem xét, các chuyên gia điều cho rằng nó giống hệt chiếc quạt lông vũ của Gia Cát Lượng được miêu tả trong cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi tiếng. Vì vậy, những chuyên gia thẩm định cho rằng dù là quạt lông vũ của Gia Cát Khổng Minh hay không, giá trị của món đồ này chắc chắn không hề nhỏ.
Sau khi lấy đèn pin soi kỹ lông và đường nét hoa văn được chạm khắc trên cán quạt, những chuyên gia có mặt trong chương trình khẳng định chiếc quạt này là thật và ước tính nó có giá không dưới 10 triệu NDT (hơn 33,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, họ cũng cho rằng đây không phải là chiếc quạt mà quân sư Gia Cát Lượng mang theo bên mình mà là chiếc quạt có xuất xứ từ thời nhà Thanh, được các nghệ nhân chế tác theo tưởng tượng. Quạt thời này được làm từ lông vũ của các loại gia cầm và phần cán được làm từ ngà voi quý hiếm.
Tuy nhiên, sau khi khẳng định giá trị của cây quạt quý, các chuyên gia cũng nhắc nhở chàng trai trẻ không nên bán món bảo vật này đi vì sẽ gặp họa. Thay vào đó, họ khuyên anh nên sớm giao nộp nó cho chính quyền hoặc bảo tàng để món đồ được bảo quản một cách tốt và an toàn nhất.
Nguyên nhân là vì ở Trung Quốc, buôn bán, tàng trữ ngà voi là điều bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, dù cây quạt có giá trị cực kỳ lớn nhưng ngà voi bị cấm mua bán nên chưa chắc đã có vị khách giàu có nào dám tậu món đồ này về. Còn về phía chàng trai trẻ, anh vừa mừng vừa lo, một phần cũng không tin hoàn toàn lời của các vị chuyên gia nên vẫn mang chiếc quạt về nhà và quyết định làm gì với nó sau.
Theo Zhihu, tại chương trình Hoa Sơn luận giám vẫn thường hay xuất hiện các hiện vật thuộc về lịch sử gây xôn xao dư luận như vậy. Trước đó, một chàng trai khác cũng đã mang “thanh kiếm của Triệu Vân” trong Tam Quốc đi thẩm định. Anh đã mua bảo vật này từ nước ngoài với giá 120.000 NDT (hơn 4 tỷ đồng) và hoàn toàn tin tưởng mình mua được hàng thật vì trên thân kiếm có khắc 8 chữ cổ “Mậu vương mậu vương, giả chỉ vu dương.”
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng món đồ không phải của Triệu Vân mà là của gia đình Việt vương Câu Tiễn với giá trị cao ngất ngưởng, ước tính khoảng hơn 4 triệu NDT (hơn 13,5 tỷ đồng). Chàng trai “một bước lên mây”, sau 1 đêm.
Tuy nhiên, thẩm định của các chuyên gia đồ cổ cũng có lúc đúng lúc sai. Do đó, người muốn kiểm định cổ vật nên sử dụng các phương pháp khoa học sẽ cho kết quả khách quan và chính xác hơn.