Lý do được dấu kín sau 12 chữ: giấu kín, thâm tàng bất lộ, canh giữ chặt chẽ, chân truyền.
Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long, được coi là một khai quốc công thần, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử, ông được ca ngợi là hình mẫu của những vị tướng tài đức vẹn toàn, là hiện thân của trí tuệ kiệt xuất.
Thật vậy, trong “Tam quốc diễn nghĩa”, những tài thuật thần kỳ của vị “thần cơ diệu toán” Khổng Minh Gia Cát Lượng không ai sánh kịp. Lưu Bị từng 3 lần đến nhà tranh mời ông xuất sơn trợ giúp, tạo nên giai thoại "Tam cố thảo lư" nổi tiếng thời Tam Quốc. Sau khi nhận lời phò tá, Gia Cát Lượng đã dốc hết tài sức, giúp Lưu Bị một tay lập nên chế độ Thục Hán.
Vào năm Kiến Hưng thứ mười hai nhà Thục Hán (năm 234 sau Công nguyên), Gia Cát Lượng lâm bệnh ở Ngũ Trượng Nguyên, lúc hấp hối đã đưa ra hai di ngôn cuối cùng. Một mặt, ông sắp xếp người kế vị và kế hoạch rút lui để đảm bảo sự ổn định của nước Thục sau khi ông qua đời. Mặt khác, ông cũng có sự an bài cho giây phút cuối đời của mình.
Theo đó, Gia Cát Lượng yêu cầu tang lễ của mình phải thật đơn giản và được an táng dưới núi Định Quân ở Hán Trung. Ghi chép được trích dẫn từ "Tam quốc chí" như sau: “Lượng ra lệnh chôn cất tại núi Định Quân ở Hán Trung, lấy núi làm mộ, dùng quan tài loại thường cũng được, khi liệm chỉ cần dùng quần áo bình thường, không chôn theo vật quý”.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là cho đến nay, ngôi mộ của Gia Cát Lượng vẫn là một bí ẩn: nó chưa được phát hiện cũng không bị đánh cắp. Lý do được cho là nằm sau 12 chữ: giấu kín, thâm tàng bất lộ, canh giữ chặt chẽ, chân truyền.
Đầu tiên là giấu kín. Mặc dù Gia Cát Lượng đặt mộ ở núi Định Quân, nơi ông chinh chiến nhiều năm, nhưng theo sử sách, ông là người không màng danh lợi, không xác định rõ mình sẽ an táng ở đâu, nghĩa là ông không muốn tiết lộ vị trí cụ thể của ngôi mộ của mình.
Núi Định Quân có hai đặc điểm chính, một là diện tích rộng lớn, hai là địa hình phức tạp. Các sườn núi dốc, uốn lượn, nhấp nhô, trên đỉnh núi lại rất bằng phẳng, có thể đóng được cả vạn quân, được coi là một nơi cực tốt về mặt phong thủy. Đây là điều kiện thuận lợi cho Gia Cát Lượng nếu ông cố tình muốn che giấu nơi an nghỉ của mình.
Còn “Thủy Kinh Chú” ghi lại như thế này: Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ông được an táng ở núi Định Quân, vì ở trong núi nên không thể xây mộ, không ai biết ông ở đâu. Khu vực đặt mộ cũng không xây kín, không trồng cây đánh dấu hay làm bất cứ thứ gì để tránh có thể bị phát hiện, kể cả bia mộ. Người đời sau vì thế mà “tìm mãi không ra”, nên cho đến nay, mộ của Khổng Minh Gia Cát Lượng vẫn chưa được phát hiện chứ đừng nói đến việc khai quật.
Thứ hai là “thâm tàng bất lộ”. Cuộc đời Gia Cát Lượng giản dị và ngay thẳng, suốt đời không có tài sản. Sau khi chết cũng không có vật tuỳ táng giá trị. Trước khi chết, ông công khai viết thư cho Lưu Thiện xin được chôn cất đơn giản, chỉ để nói với thiên hạ rằng mộ của ông không có vàng bạc châu báu, không đáng để đời sau phải ghi nhớ hay đào bới. Điều này chắc chắn đã khiến nhiều người bỏ đi ý tưởng trộm mộ.
Tiếp đó là việc ngôi mộ của Gia Cát Lượng được bảo vệ rất kỹ càng. Theo ghi chép, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện đã bảo vệ núi Định Quân ở Hán Trung, thậm chí còn không cho các quan Thục Hán đến Hán Trung lễ bái. Với sự bảo vệ nghiêm ngặt như vậy thì trăm năm sau cũng không ai tìm thấy mộ của ông. Vì vậy cho đến nay, Khổng Minh vẫn nằm lặng lẽ trong núi hơn một ngàn năm.
Cuối cùng là chân truyền. Có một giả thuyết cho rằng: Gia Cát Lượng trước khi chết để lại di chúc, mong muốn Lưu Thiện phái bốn quân sĩ cường tráng khiêng quan tài của mình đi về phía nam, dây thừng đứt tại đâu, sẽ lấy nơi đó làm mộ.
Vì vậy, Lưu Thiện đã cử bốn tráng sĩ làm theo di nguyện của Gia Cát Lượng. Bốn tráng sĩ khiêng quan tài đi ròng rã mấy ngày đêm, mệt mỏi như muốn rã rời, nhưng sợi dây thừng vẫn còn nguyên vẹn. Do đó, họ quyết định cắt dây và chôn quan tài xuống đất. Sau đó quay lại báo cáo với Lưu Thiện.
Lưu Thiện cảm thấy rất kỳ lạ khi dây quan tài mới bị đứt quá nhanh nên đã bắt bốn người lại và dùng hình tra tấn nghiêm. Cả bốn người không thể chịu nổi đau đớn nên phải nói ra sự thật. Sau đó, Lưu Thiện vô cùng tức giận và xử tử 4 người họ, thiên hạ không còn biết Gia Cát Lượng được chôn cất ở đâu.