Sau khi hoàng đế băng hà, 3.000 cung tần, mỹ nữ trong hậu cung chỉ có 5 kết cục này. Trong đó, có một công việc mà họ thà chết cũng không muốn làm.
Vào thời phong kiến, việc tiến cung để trở thành người hầu hạ cho hoàng đế là niềm mơ ước của nhiều cô gái và gia tộc. Thế nhưng, trong số hàng nghìn cung tần, mỹ nữ, số người được sủng hạnh và trở thành phi tần lại rất ít. Thậm chí có người cả đời ở trong cung những cũng không được nhìn thấy mặt của hoàng đế.
Vậy, nếu hoàng đế băng hà thì số phận của những giai nhân trong hậu cung sẽ ra sao?
Trên thực tế, những cung tần, mỹ nữ trong hậu cung chỉ có 5 kết cục dưới đây.
Thứ nhất, tuẫn táng
Kịch bản đầu tiên mà các phi tần, cung nữ trong hậu cung có thể phải tiếp nhận là tuẫn táng theo vị hoàng đế vừa băng hà. Tuẫn táng là hủ tục nhằm mục đích đảm bảo rằng khi sang thế giới bên kia hoàng đế vẫn có người hầu kẻ hạ như lúc còn sống.
Những người phải tuẫn táng theo hoàng đế sẽ được ban lụa trắng hoặc rượu độc. Chính vì vậy, khi hoàng đế băng hà, tiếng khóc lóc trong hậu cung rất thảm thiết. Thế nhưng, không phải vì sự ra đi của hoàng đế mà họ khóc cho cái chết đang cận kề với chính mình.
Tuẫn táng xuất hiện vào thời nhà Thương, bắt đầu được thực thi vào thời Xuân Thu Chiến Quốc đến nhà Hán. Mặc dù phong tục này đã được loại bỏ từ thời nhà Đường đến nhà Tống, nhưng đến triều đại nhà Minh, do lo sợ hậu cung rơi vào hỗn loạn sau khi hoàng đế băng hà, nên Chu Nguyên Chương đã cho khôi phục lại tục tuẫn táng.
Theo đó, sau khi hoàng đế Chu Nguyên Chương qua đời, tất cả các phi tần chưa có con đều phải tuẫn táng. Đây là một kết cục rất tàn khốc. Do đó, để tránh kết cục tuẫn táng, nhiều phi tần luôn cố gắng liều mạng để có thể sinh con.
Với những người không tuân theo di chiếu của hoàng đế sẽ phải chịu những hình phạt đáng sợ, chẳng hạn như đổ thủy ngân vào cơ thể, treo cổ, chôn sống…
Đến năm Khang Hi thứ 12 (năm 1673), hoàng đế Khang Hi đã bãi bỏ chế độ tuẫn táng. Kể từ đó, hủ tục này mới chính thức biến mất ở Trung Quốc.
Thứ hai, tiếp tục hầu hạ tân hoàng đế
Mặc dù ít xảy ra với các vương triều ở Trung Quốc, nhưng việc tiếp tục hầu hạ tân hoàng đế là quy tắc thường thấy ở Mông Cổ. Cụ thể, theo quy tắc này, sau khi cha qua đời, người con thừa kế ngai vàng có thể thừa hưởng tất cả thê thiếp của cha mình, ngoại trừ mẹ ruột. Trong số những vị phi tần, cung nữ của tiên hoàng, chắc chắn sẽ có những người tài năng xuất chúng, xinh đẹp hơn người. Họ sẽ được tân hoàng đế giữ lại trong cung.
Thứ ba, canh giữ hoàng lăng
Bên cạnh chế độ tuẫn táng, các cung nữ, phi tần trong hậu cung còn có số phận khác sau khi hoàng đế băng hà. Đó là canh giữ lăng mộ hoàng gia. Việc bắt ép các phi tần trong hậu cung đến giữ lăng mộ lần đầu xuất hiện vào thời Tây Hán. Cụ thể, Lã hậu đã ép các phi tần đến giữ lăng mộ của Hán Cao Tổ Lưu Bang sau khi vị hoàng đế này qua đời. Quy định này không ngờ trở thành một tục lệ và kéo dài qua nhiều triều đại.
Sau khi hoàng đế băng hà, một nhóm thái giám, cung nữ và các phi tần trẻ tuổi không có con, sẽ được gửi đến lăng mộ để làm nhiệm vụ giữ lăng.
Những người này cả đời chỉ có thể ở lại lăng mộ và không thể ra ngoài suốt phần đời còn lại vì luôn có lính canh gác bên ngoài. Đây thực sự là sống không bằng chết nên nhiều người thà chọn tuẫn táng còn hơn đi giữ hoàng lăng. Hơn nữa, họ cũng không dám bỏ trốn vì nếu bị phát hiện không những bị xử tử mà còn khiến gia đình gặp họa sát thân.
Sống trong cảnh cô đơn với áp lực lớn lâu ngày khiến những cung nữ, phi tần này gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần. Không ít người thậm chí chọn tự sát để không phải sống suốt phần đời còn lại tại lăng mộ.
Thứ tư, xuất gia
Vào thời nhà Đường, phi tần có địa vị thấp và chưa sinh được con sẽ phải xuất gia sau khi hoàng đế băng hà.
Đối với những phi tần, mỹ nữ có địa vị thấp và chưa sinh được con thì sẽ phải xuống tóc đi tu sau khi hoàng đế băng hà. Đặc biệt, vào thời nhà Đường, quy định này được áp đặt với niềm tin những cung tần, mỹ nữ sau khi xuất gia có thể cầu phúc cho tiên đế ở thế giới bên kia, đồng thời đảm bảo thanh danh của hoàng gia.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ như Võ Tắc Thiên. Sau khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân qua đời, Võ Tắc Thiên lúc bấy giờ chỉ là là một phi tần nhỏ và chưa có con, nên phải xuống tóc xuất gia. Nếu không có mối nhân duyên với Đường Cao Tông Lý Trị thì có lẽ mỹ nhân này đã phải sống cô quạnh cả đời.
Thứ năm, chết già trong cung
Sau khi hoàng đế băng hà, những cung tần, mỹ nữ sinh được con trai đều có thể theo con xuất cung, đến vùng đất được phong để hưởng phúc đến cuối đời. Trong khi đó, những phi tần, cung nữ chưa có con thì chỉ có thể sống đơn độc ở trong cung. Đây chỉ là đặc ân dành cho một số phi tần có thứ bậc cao trong hậu cung.
Thế nhưng, kết cục tưởng chừng tốt đẹp này cũng chẳng khác gì một bản án chung thân. Bởi những phi tần, cung nữ được giữ lại trong cung phần lớn đều còn rất trẻ. Sau khi hoàng đế qua đời, mặc dù không phải tuẫn táng hay canh giữ hoàng lăng, nhưng họ phải chịu cảnh sống như chim trong lồng, cô quạnh nơi hoàng cung đến cuối phần đời còn lại.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, 163