Chuyên gia cho rằng, việc các TikToker tuyên truyền thông tin tư vấn, định hướng nghề nghiệp sai lệch, gây sốc là hành vi trái đạo đức, cần có hướng xử lý ngay.
Những ngày qua, các nội dung tư vấn hướng nghiệp tràn lan trên mạng xã hội TikTok khiến nhiều học sinh hoang mang, bối rối. Một số phụ huynh cũng bị lạc vào "ma trận" này khi đang trong quá trình tìm hiểu để định hướng ngành học.
Câu view rẻ tiền, trái đạo đức
Thừa nhận mạng xã hội TikTok được giới trẻ hiện nay ưa chuộng, phổ biến và đây là một trong những kênh thông tin truyền thông lớn, nhưng chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Huệ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, chất lượng nội dung đang không được kiểm soát và có phần tụt dốc. Ngày càng nhiều video clip với nội dung phản cảm, sai lệch sự thật gây hoang mang dư luận.
Bà sốc khi xem những video clip tư vấn hướng nghiệp của các TikToker trẻ. Nội dung ở clip này hoàn toàn sai lệch, không mang tính định hướng, tư vấn cho học sinh, sinh viên. "Không rõ mục đích của các video clip này để câu view hay thương mại, quảng bá cho những ngành học khác, song việc đăng tải đó gây hoang mang. Đây có thể coi là hành động lừa đảo", bà Huệ nói.
Video TikTok thời lượng ngắn, nên không thể truyền tải đầy đủ, đúng nội dung tư vấn. Phụ huynh, học sinh đặc biệt cảnh giác trước những tư vấn nghề hay chọn trường, chọn ngành học. Học sinh cần tìm những nguồn thông tin đáng tin cậy, chuẩn từ Bộ GD&ĐT, các trường đại học và báo chí, tránh ảnh hưởng đến việc lựa chọn tuyển sinh.
TikTok đang quá dễ dãi khi cho phép đăng tải những video clip không qua xác thực nội dung. Với những thông tin giải trí thì độ ảnh hưởng không lớn, nhưng với những nội dung liên quan đến học sinh, công việc rất nguy hiểm. Chỉ cần chút thông tin sai lệch, có thể khiến cả trường, lĩnh vực nhất định sụt giảm tỷ lệ đăng ký xét tuyển, không có người học. Do đó, vị chuyên gia đề nghị lực lượng chức năng xử lý nghiêm những video nội dung thiếu chính xác, gây nhiễu loạn, nguy cơ mang hậu quả nghiêm trọng.
Đại diện phòng tuyển sinh trường Đại học Hà Nội lo ngại trước những video TikTok về hướng nghiệp gần đây. Mạng xã hội này có lượng người trẻ, gen Z theo dõi lớn, chỉ cần một thông tin không đúng sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là trong giai đoạn các thí sinh chuẩn bị lựa chọn đăng ký ngành học, xác định mục tiêu vào đại học.
Trong khi đó, những người viết nội dung trên TikTok không có kiểm chứng, không chịu trách nhiệm về nội dung - đây là điểm khác so với các công bố của các đơn vị tuyển sinh. Từ đó gây hiểu nhầm cho học sinh khi tiếp cận thông tin.
Những người thực hiện nội dung hướng nghiệp trên TikTok đa phần không đủ dữ liệu và thông tin các ngành học, dẫn đến sai lệch thông tin. Cộng hưởng thêm việc phát ngôn sốc để câu view, tăng lượng người xem, gây nhiễu công tác tuyển sinh của các trường.
"Những người làm TikTok này bất chấp đạo đức, cố tình "định hướng dư luận" bằng cách tạo các nội dung gây tranh cãi và mang đậm cái nhìn chủ quan, chẳng hạn như top 5 công việc đừng bao giờ học hay ngành Quản trị kinh doanh bây giờ là lỗi thời", vị chuyên gia nói và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, xử phạt nặng việc tuyên truyền thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.
Học sinh hoang mang
Trần Hoàng Long (Hoàng Mai, Hà Nội), học sinh lớp 12 dự kiến đặt nguyện vọng vào nhóm ngành Quản trị kinh doanh - Marketing, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên em đang chịu tác động trước thông tin trên TikTok về "top 5 ngành học lỗi thời, tuyệt đối không nên đăng ký".
Em hoang mang khi nhiều video chia sẻ ngành Quản trị kinh doanh ở trường đại học chỉ các dạy những kiến thức không chuyên sâu, chung chung, sinh viên “không học được gì”, hay ngành học xong để ra làm sếp, nhưng sinh viên vừa ra trường lấy đâu cơ hội làm sếp. Long và nhiều bạn bè đang rất băn khoăn khi lựa chọn nghề nghiệp.
Đinh Công Tuấn Anh, lớp 12 trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cũng lo lắng trước thông tin "ngành Ngôn ngữ Anh tỷ lệ thất nghiệp cao, tuyệt đối không nên đăng ký" từ một số video TikTok.
"Không chỉ một video mà rất nhiều video khác cũng nói vậy. Cứ mở điện thoại lên là thấy ngay các nội dung tư vấn hướng nghiệp. Chọn ngành học nào để làm giám đốc, ngành học nào sẽ thất nghiệp... Em băn khoăn không biết nên lựa chọn theo đuổi đam mê học ngành Ngôn ngữ Anh hay chuyển hướng sang các ngành về kinh tế, ngoại giao, kiểm sát viên... như TikToker chia sẻ", Tuấn Anh nói.
Chị Lê Thị Nụ (40 tuổi, Vĩnh Phúc) bày tỏ sự bối rối khi tìm đến sự tư vấn ngành học cho con thông qua TikTok. Ngay từ đầu năm học, chị và con thống nhất sẽ theo học ngành Sư phạm giống truyền thống gia đình. Thế nhưng những ngày gần đây, con gái chị lại khăng khăng "sư phạm là một trong những ngành thất nghiệp trong năm 2022, không nên đăng ký".
Khi chị hỏi nguồn thông tin này ở đâu thì cô con gái thản nhiên đưa đoạn video của một TikToker nói về những nghề dễ thất nghiệp, trong đó có ngành Sư phạm. Chị rất hoang mang khi không biết đâu mới là thông tin đáng tin cậy và lo ngại con gái sẽ chuyển định hướng.
Nguồn tư vấn tin cậy ở đâu?
Đại diện Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, theo khảo sát và báo cáo nhu cầu nhân lực năm 2023, thành phố cần khoảng 300.000 - 320.000 người lao động liên quan đến các ngành quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản… chiếm tỷ lệ cao nhất.
Trong số 9 ngành dịch vụ chủ yếu (chiếm 57,69%) thì ngành Thương mại chiếm 15,22%, Du lịch chiếm 5,66%, Tài chính - ngân hàng, Bảo hiểm chiếm 5,93%, Kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 5,91%... Như vậy, doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân lực khối ngành kinh tế, trong đó có các ngành Quản trị kinh doanh, Bất động sản, Marketing, Thương mại, Tài chính…
Đại diện trường Đại học FPT TP.HCM gợi ý học sinh tham gia các bài kiểm tra trắc nghiệm tính cách như MBTI. Bên cạnh đó, không ít trường đại học cho học sinh đăng ký tham quan cũng như tham gia vào lớp học trải nghiệm của từng chuyên ngành.
"Không chỉ vậy, với lợi thế vốn có của mạng xã hội, học sinh có thể tìm đến những tài khoản uy tín, sẵn sàng chia sẻ để các bạn có những nhận thức đúng đắn, định hướng phù hợp trước khi nộp hồ sơ", vị này nói.
Khi lựa chọn đăng ký ngành học, thí sinh cần chú ý 3 yếu tố. Thứ nhất là năng lực bản thân, trong đó gồm nhiều nguồn phối hợp như năng lực học thuật, năng lực tài chính, năng lực gia đình... Thứ hai, sở thích và đam mê, những yếu tố "giữ lửa" giúp sống lâu dài với nghề. Thứ ba, thị trường lao động và nhu cầu việc làm.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, ngành thu hút sinh viên nhất - khối ngành Kinh doanh và Quản lý có 24,54% thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học. Tiếp theo là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin - 11,79%, Công nghệ kỹ thuật 9,18%, Nhân văn 8,68% và Sức khoẻ xếp vị trí thứ 5 - 6,35%.
Nằm trong top 10 ngành học tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất phải kể đến các ngành như: Khoa học xã hội, Sư phạm, Kỹ thuật, Pháp luật, Kiến trúc và Xây dựng.
Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường đại học cần nắm bắt thị trường lao động, cùng sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ trong chọn trường và chọn ngành của thí sinh. Trường cũng cần đổi mới nội dung ngành và chương trình đào tạo, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh. Các bộ, ngành sử dụng nguồn nhân lực cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm TP.HCM, các ngành đào tạo đều được thẩm định và khẳng định bởi nhu cầu thị trường ngay khi có đề án mở ngành. Thí sinh nên nghe, tiếp thu thông tin chọn lọc, tránh lắng nghe những nội dung mang tính giật gân, gây sốc, câu view, câu like. Những thông tin này dễ dẫn đến hiểu lầm, ảnh hưởng đến tất cả các bên.
Bên cạnh đó, chính bên đưa thông tin không chính xác cũng sẽ mất uy tín, thí sinh đón nhận thông tin hiểu sai dẫn đến những kết quả không mong muốn, thậm chí đánh mất cơ hội vào những ngành, trường mà mình yêu thích và có khả năng trúng tuyển.