Ant-Man and the Wasp: Quantumania (Người Kiến Và Chiến Binh Ong: Thế Giới Lượng Tử), tác phẩm mở đầu Kỷ nguyên V của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) mắc lỗi lớn mà một bộ phim siêu anh hùng khác, đến từ vũ trụ DC, từng phạm phải.
Ant-Man and the Wasp: Quantumania (Người Kiến Và Chiến Binh Ong: Thế Giới Lượng Tử) là bộ phim mở đầu Kỷ nguyên V của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Đây cũng đồng thời là tác phẩm khép lại chuỗi ba phim riêng về nhân vật Scott Lang/Ant-Man do Paul Rudd thủ vai. Tầm quan trọng của bộ phim càng được nâng lên khi trong Quantumania, khán giả được thấy siêu phản diện thay thế Thanos - Kang the Conqueror (Jonathan Majors) - xuất hiện lần đầu tiên trên màn ảnh rộng.
Chính thức ra rạp toàn cầu từ ngày 18/2, Quantumania khiến giới phê bình và khán giả chia thành hai phe yêu ghét đối lập. Trên chuyên trang chấm điểm phim Rotten Tomatoes, phim điện ảnh mới của Marvel Studios chỉ nhận về 47% phản hồi tích cực từ 303 cây bút phê bình, tương đương số điểm khiêm tốn 5,6/10. Ngược lại, điểm số mà hơn 5.000 khán giả chấm cho phim lại lên tới 4,2/5, tương đương với 84% tỷ lệ phản hồi tích cực.
Sự đối lập cho thấy MCU lại vừa có thêm một bộ phim siêu anh hùng màu mè, dễ xem nhưng còn cách khá xa tiêu chuẩn của một tác phẩm điển ảnh chất lượng. Về tổng thể, Quantumania là một tác phẩm thú vị, dễ xem, đã mắt - đôi lúc khiến khán giả liên tưởng tới siêu phẩm Star Wars bởi câu chuyện quân kháng chiến chống lại một đế chế có sức hủy diệt cả vũ trụ.
Hai tiếng đồng hồ rời rạc trên màn ảnh
Trong Ant-Man and the Wasp: Quantumania, thế giới đã trải qua những năm yên bình đầu tiên sau trận thư hùng giữa các siêu anh hùng với Thanos. Trở về từ trận chiến vô tiền khoáng hậu, Scott Lang/Ant-Man (Paul Rudd) đã đem những trải nghiệm khi sát cánh cùng Avengers viết thành tự truyện và thành công vang dội. Cuộc sống của Lang tưởng không còn gì để phàn nàn ngoài chuyện sau lưng anh, cô con gái Cassie (Kathryn Newton) cùng bố vợ Hank Pym (Michael Douglas) đang âm thầm thực hiện những thí nghiệm liên quan đến Lượng tử giới.
Biến cố ập đến khi một thí nghiệm của Cassie đã "thành công" bất ngờ, khiến đại gia đình bị cuốn vào Lượng tử giới. Tại thế giới xa lạ và diệu kỳ này, họ trở thành những du khách bất đắc dĩ phải chiến đấu vất vả để sinh tồn. Họ chạm trán đủ thứ kỳ hoa dị thú, gặp gỡ cư dân nơi đây, và cùng họ chiến đấu chống lại đế chế hùng mạnh của Kang - kẻ ngoại bang đang ráo riết tiến hành cuộc chinh phạt Lượng tử giới.
Đây là những gì các đoạn giới thiệu của Ant-Man and the Wasp: Quantumania từng giới thiệu với khán giả, hứa hẹn một tác phẩm dồn dập, đầy kịch tính. Đáng tiếc, cảm giác dồn dập, gấp gáp này chỉ tồn tại trên trailer phim. Còn trên thực tế, cuộc phiêu lưu của cha con Scott Lang và nhà Pym trên màn ảnh diễn ra khá… thong thả, có thể vì trong lần thứ ba ngồi ghế chỉ đạo một phim riêng về siêu anh hùng Ant-Man, đạo diễn Peyton Reed đã không còn nhiều thứ để kể.
Sự kiện thì ít, thời lượng lại quá dài (125 phút), khán giả buộc phải chứng kiến việc nhiều tình tiết về bản chất rất đơn giản lại bị phim cường điệu hóa thành thứ gì ngỡ vô cùng đao to búa lớn. Ta đang nói về cảnh cha con nhà Scott được mời nếm thử "bánh mì chuyển ngữ" phiên bản Lượng tử giới, hay màn lật mở quá khứ mờ ám của bà Janet trong thời gian lưu lại nơi đây. Còn chưa kể chuỗi cảnh tấu hài từ dài dòng đến sến súa, rợn người cộp mác ác nhân MODOK…
Trong bộ sưu tập tình tiết câu giờ của Quantumania, cách bộ phim che giấu quá khứ của bà Janet (Michelle Pfeiffer) gây khó chịu hơn cả. Dù chân tướng ấy là nguồn cơn đẩy chồng con bà, cháu gái bà và cả vũ trụ vào nguy hiểm, Janet vẫn phải chần chừ đến ba lần trước khi tiết lộ mọi thứ. Bà là một nhà khoa học, nhưng lại chọn giải quyết tình huống này một cách đầy cảm tính, vô tình trở thành "quả tạ" ngáng đường cả bộ phim. Ở lần trở lại này, diễn xuất của Michelle Pfeiffer vẫn tỏa sáng như cái thời Ant-Man and the Wasp (2018), nhưng nhân vật của bà lại ít nhiều mất đi sự sắc sảo như đã từng.
Xem Ant-Man and the Wasp: Quantumania, người hâm mộ khó tìm thấy những khoảnh khắc vỡ òa cảm xúc, khiến họ phải hú hét hay dành cho phim một tràng vỗ tay tán thưởng. Ngay cả khoảnh khắc mà Kang The Conqueror - đại phản diện sánh ngang Thanos - xuất hiện, đồ thị cảm xúc của khán giả cũng không thay đổi quá nhiều.
Đây xét cho cùng là phản ứng có thể đoán trước được, vì fan Marvel đã nhẵn mặt Kang từ TV series Loki, còn với người xem đại chúng, những dữ kiện được Quantumania đưa ra vẫn là quá ít để họ hiểu được tường tận nhân vật này. Nhưng chí ít, nét diễn khoan thai của Jonathan Majors đã mang đến cho bộ phim một gã phản diện khá đồng bộ với nhịp điệu chậm chạm - tới mức khiến mọi thứ cảm giác như đang tan rời nhau ra - của phim.
Ai quan tâm đến Ant-Man chứ?
Các bom tấn điện ảnh của Hollywood thường được sản xuất thành bộ ba - trilogy. Trong lịch sử của MCU, phần phim thứ ba luôn được thiết kế để trở thành cao trào khép lại hành trình đáng nhớ của một siêu anh hùng - bao gồm cả Thor trước khi doanh thu khủng của Thor: Ragnarok (2017) khuyến khích Marvel Studios sản xuất phần phim thứ tư. Iron Man 3 (2013) đáng nhớ, Captain America: Civil War (2016) là phần phim hay nhất bộ ba, hồi kết bị chia thành hai phần của The Avengers cũng vậy. Nhưng Quantumania thì không, ít nhất trên khía cạnh tôn vinh những cống hiến của Ant-Man với MCU.
Scott Lang tự nhận là người dẫn chuyện của Quantumania, nhưng lúc nào anh cũng bị đặt ở tình thế người được biết mọi chuyện sau cùng, và tệ hơn cả, chỉ còn xuất hiện ở hàng thứ chính. Trong hồi thứ nhất, Scott Lang làm nền để con gái anh - Cassie, ứng cử viên giàu tiềm năng của biệt đội Young Avengers, tỏa sáng. Khi họ phiêu lưu tới lượng tử giới, siêu anh hùng Ant-Man bị "đè bẹp dí" trước chuyện ân oán tình thù của bà Janet cũng như sự bành trướng của Kang. Ở hồi cuối, khi Ant-Man cuối cùng cũng "tới công chuyện", anh lại phải chia đều sân khấu cho ít nhất ba thế lực khác…
Một trong các sứ mệnh của Quantumania là giới thiệu kỹ hơn cho khán giả phiên bản trưởng thành của Cassie Lang - ứng viên sáng giá cho biệt đội Young Avengers (Ảnh: Marvel Studios)
Trong vũ trụ Marvel, người dân thường ít nhớ tới Ant-Man vì bộ dạng anh bé nhỏ, thậm chí hô nhầm tên anh. Ant-Man trong mắt ban lãnh đạo Marvel Studios có lẽ cũng như vậy. Bởi nếu không, họ đã chẳng biến phần phim riêng - nhiều khả năng là cuối cùng - về siêu anh hùng này thành sân khấu để bất kỳ ai cũng có thể tỏa sáng trừ nhân vật chính: Cassie, Janet, Kang, thậm chí Hank Pym cũng có một đội quân của riêng mình. Nhân vật duy nhất còn có thể mờ nhạt hơn Ant-Man chỉ còn bạn đời kiêm cộng sự của anh - Hope/The Wasp.
Thời Civil War, Captain America (Chris Evans) cũng từng chia sân khấu với Iron Man (Robert Downey Jr.). Tuy nhiên trên màn ảnh, hai nhân vật vẫn có đủ không gian để không ai làm ai bị lu mờ. Nhưng xem Quantumania, đôi lúc khán giả sẽ quên mất nhân vật chính của phim là Ant-Man.
Câu chuyện này gợi nhớ tình thế dở khóc dở cười mà nhân vật Batman do Ben Affleck thủ vai từng trải qua trong Batman v Superman: Dawn of Justice (2016). Đây là bộ phim giới thiệu Batman của Affleck vào DCEU, nhưng hiệp sĩ bóng đêm lại chìm nghỉm trước Superman (Henry Cavill), Wonder Woman (Gal Gadot) và lượng khổng lồ những manh mối về Liên minh Công lý - một pha "chạy deadline đến từ Warner Bros. để kịp cho Justice League ra rạp vào một năm sau đó.
MCU đang trở thành một bộ phim truyền hình khổng lồ
MCU đang phát triển quá nhanh với hàng loạt dự án điện ảnh và truyền hình. Nhiều nhân vật quan trọng với tương lai của đa vũ trụ này đã xuất hiện trong các TV series, nhưng vẫn chưa - và cần - được giới thiệu một cách chính thức trên màn ảnh rộng. Do đó, lựa chọn để một siêu anh hùng cũ "kèm cặp" một gương mặt mới là điều dễ hiểu. Iron Heart (Dominique Thorne) thành bạn đồng hành của Shuri (Letitia Wright) trong Black Panther: Wakanda Forever (2021), Cassie xuất hiện bên bố Scott Lang và sắp tới, Ms. Marvel (Iman Vellani) sẽ có màn chào sân điện ảnh trong The Marvels.
Tuy nhiên, áp lực với bộ phim thứ ba về Ant-Man là quá lớn khi trong khuôn khổ tác phẩm, họ vừa phải giới thiệu chân dung Cassie Lang, vừa phải hé lộ về phản diện Kang và âm mưu của hắn. Chưa kể, phim cũng phải đề cập đến cả sự phân nhánh của dòng thời gian tạo ra vô số khả năng khác nhau… - nhưng là theo kiểu của Kang thay vì những gì mà các Avengers đã biết.
Scott Lang/Ant-Man bị đem làm vật hy sinh, khán giả đã có đủ ấn tượng về Cassie Lang, nhưng mọi thứ thuộc về Kang the Conqueror lẫn động cơ của hắn vẫn còn là mớ bòng bong rối rắm. Nếu tất cả biến thể của Kang đều tà ác, thì sao gã này lại muốn ngăn cản họ thay vì tiếp tay? Khán giả tất nhiên chưa được biết tường tận câu trả lời, vì Kang này đã sớm chia sẻ cùng một kết cục với biến thể He-Who-Remains của loạt phim Loki. Còn khán giả muốn biết He-Who-Remains là ai hay thứ tư tưởng mà gã tuyên truyền là gì, họ buộc phải mua thuê bao Disney+.
Quantumania phải gồng gánh quá nhiều nhiệm vụ, và sau cùng, quên mất nhân vật chính (Ảnh: Marvel Studios)
Trong bốn kỷ nguyên đầu tiên của MCU, điện ảnh luôn là ưu tiên hàng đầu của các nhà làm phim. Mọi sự kiện quan trọng đều diễn ra trên màn ảnh rộng. Ranh giới giữa các bộ phim cũng được vạch ra rõ ràng hơn để khán giả, dù không phải fan của vũ trụ điện ảnh đồ sộ, vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm bất kỳ.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, ranh giới sự kiện giữa phim điện ảnh và truyền hình đã bị xóa nhòa, tạo ra một tổng thể có thể vững chắc hơn trong cách đan cài câu chuyện, nhưng phũ phàng với khán giả đại chúng. Càng ngày, MCU càng đem đến cho khán giả cảm giác nó đang trở thành một bộ phim truyền hình khổng lồ được trình chiếu trên cả ứng dụng trực tuyến và màn ảnh rộng.
Lấy ví dụ, nếu không xem TV series WandaVision, người xem sẽ chẳng hiểu vì sao Wanda (Elizabeth Olsen) lại "hắc hóa" trong Doctor Strange in the Multiverse of Madness (2022). Tương tự, Ant-Man and the Wasp: Quantumania sẽ chẳng thể trọn vẹn nếu nó không được đặt vào giữa hai mùa phim Loki. Diễn biến này xa rời tinh thần chia sẻ của một bộ phim gia đình - khán giả có thể xem cùng gia đình, bạn bè không phân biệt người ấy có hiểu biết gì về Marvel Comics hay không - mà hai kỷ nguyên đầu tiên của MCU đã xây dựng và làm theo rất tốt.