Một trong những câu hỏi hóc búa nhất liên quan đến các công trình kỳ vĩ thời cổ đại cuối cùng có vẻ như đã được sáng tỏ.
Một trong những vấn đề mà các sử gia Ai Cập, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và cả những người đam mê thuyết âm mưu đã cố gắng đi tìm câu trả lời suốt hàng thế kỷ, đó là làm thế nào mà người Ai Cập cổ, với công nghệ thô sơ của 4.000 đến 5.000 năm trước có thể xây được những kỳ quan vĩ đại như vậy?
Chưa kể đến việc đặt các khối đá xếp chồng lên nhau một cách đối xứng gần như hoàn hảo về hình học, một vấn đề nan giải là họ làm thế nào để di chuyển các khối đá vôi, đá granite nặng trên 2 tấn để xây một công trình như Đại Kim tự tháp Giza (5,5 triệu tấn đá vôi, 8.000 tấn đá granite khai thác cách đó 800km)? Nhiều người cho rằng, việc xây dựng như vậy không thể thiếu công nghệ vô cùng hiện đại hay thậm chí có sự góp sức của người ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra manh mối về một phương pháp đơn giản hơn nhiều. Cụ thể, họ tìm thấy một nhánh sông Nile cạn khô từng dẫn thẳng đến công trình Đại Kim tự tháp 4.500 năm trước.
Nghiên cứu mới được công bố hồi đầu tuần này đã giải thích cách người Ai Cập cổ di chuyển hàng triệu tấn đá qua 6,5km của một vùng đất cứ ngỡ là toàn sa mạc cạn khô. Theo nhà địa lý và tác giả nghiên cứu Hader Sheesh, "Việc xây dựng kim tự tháp mà không có nhánh sông Nile này là bất khả thi".
Đại Kim tự tháp Giza là công trình vĩ đại cao đến 139m, với cấu trúc hình học gần như hoàn hảo, được trang trí với những chi tiết tinh tế, nằm ở ngoại ô Cairo và là minh chứng cho quyền lực và sự giàu có tột đỉnh của các Pharaoh vào thời hoàng kim của Ai Cập cổ đại.
Khu phức hợp không chỉ gồm 1 kim tự tháp cao 139m mà là 3 cái khác nhau, cùng tượng Nhân sư Giza, được xây làm lăng mộ cho 3 Pharaoh suốt 20 năm từ 2560 TCN đến 2540 TCN.
Theo National Geographic, mỗi khối đá trong hàng triệu khối xây nên Đại Kim tự tháp nặng ít nhất 2,5 đến 15 tấn. Nó là công trình cổ nhất trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, nhưng là cái duy nhất còn khá nguyên vẹn và giữ kỷ lục là công trình cao nhất được loài người xây dựng trong gần 4.000 năm.
Tranh vẽ quá trình xây dựng kim tự tháp
Tuy nhiên, trước khi có xác nhận về nhánh sông Nile cạn khô, các nhà khoa học đã đoán được phương pháp di chuyển bằng đường thủy này. Một tư liệu papyrus cổ được phát hiện năm 2013 cho thấy một cảng biển cổ ở Hồng Hải, nơi mà những tảng đá được mang lên thuyền bè vận chuyển.
Để tìm ra nhánh sông Nile này, nhóm nhà khoa học đã đào lỗ trên sa mạc xung quanh các kim tự tháp để tìm kiếm phấn hoa cổ đại từ các loài thực vật như papyrus và cỏ nến, vốn phát triển mạnh trong môi trường nước.
Nghiên cứu chỉ ra rằng trong thời kỳ cai trị của Pharaoh Khufu, Khafre và Menkaure, khoảng 4.500 năm trước, một nhánh ổn định của sông Nile đã trải dài về phía các kim tự tháp.
Nhánh sông này hiện đã biến mất từ lâu. Phấn hoa từ các loài thực vật chịu hạn như cỏ cho thấy nhánh sông này đã cạn kiệt trong nhiều thế kỷ vào thời điểm Vua Tutankhamun lên nắm quyền, vào khoảng năm 1350 TCN, theo tờ The Times.
Nguồn: Insider