Huyền Thu (Hà Nội) cung cấp những chiếc nút bàn phím được cá nhân hóa theo phong cách riêng của mỗi khách hàng, có thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau như bạc hoặc đồng, với giá thành đắt đỏ. Huyền Thu bán cho khách hàng trong nước và cả nhiều khách hàng quốc tế trên các nền tảng thương mại điện tử.
Đào Thị Huyền Thu (Hà Nội) bắt đầu tự chế một chiếc keycap (nút phím trên bàn phím máy tính) bằng kim loại cách đây khoảng 2 năm. Cô không biết rằng ý tưởng bất ngờ đó lại mang đến cơ hội kinh doanh một mặt hàng "không ai ở Việt Nam có để bán" sau này. Cụ thể, Thu cung cấp những chiếc nút bàn phím được cá nhân hóa theo phong cách riêng của mỗi khách hàng, có thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau, với giá thành khá đắt đỏ.
Hiện tại, cô gái 9X với nickname Hiên Hiên nổi tiếng khắp các chợ online quốc tế với biệt tài tạo ra sự khác biệt cho những chiếc bàn phím. Ít ai biết rằng, 5 năm trước, cô gái tốt nghiệp ngành kiến trúc đã tự mở cửa hàng sản xuất và bán đồ ghim cài áo handmade với quyết tâm cho ra những sản phẩm độc lạ nhất.
Năm 2020, trong giới công nghệ nở rộ trào lưu dùng bàn phím cơ cao cấp. Khác biệt hoàn toàn với những loại bàn phím thông thường, trên mỗi phím nhấn của bàn phím cơ sẽ được trang bị một kết cấu riêng thường được gọi là switch, bên trong mỗi phím sử dụng một chiếc lò xo đặt thẳng đứng. Bàn phím cơ cho người dùng cảm giác gõ nhẹ, êm, độ nảy tốt. Quan trọng hơn, bàn phím cơ đắt tiền hơn bàn phím thông thường, từ vài lần cho đến vài chục lần.
Nhiều người có sở thích sưu tập bàn phím cơ, lúc này, họ lại mong muốn cá nhân hóa đồ dùng của mình bằng cách thay đổi diện mạo cho những nút phím gốc. Có người chọn mua nút nhiều màu sắc được bán trên mạng với giá vài trăm nghìn đồng nhưng cũng có không ít người chịu chơi đặt mua nút phím bằng bạc, đồng có giá trị lên tới cả chục triệu mỗi nút như là cách thể hiện đẳng cấp.
Nhận thấy "thị trường ngách" rất nhiều nhu cầu nhưng ít người bán, Huyền Thu nảy ra ý định làm chuyên sâu về keycap và giới thiệu chúng như là mặt hàng thủ công độc quyền đầu tiên ở Việt Nam.
Huyền Thu làm keycap bằng bạc, đồng, nhôm với nhiều chủ đề khác nhau từ tượng bán thân, nhân vật hoạt hình, những phong cảnh và kỳ quan thiên nhiên thế giới. Hình tượng đại diện cho Việt Nam cũng được cô gái trẻ gửi vào từng tác phẩm như Chùa Một Cột, Tháp Rùa, hoa sen…
Những chiếc nút bàn phím có nội dung, được chế tác tinh xảo.
Đầu tiên, Thu thiết kế mẫu, tạo hình sản phẩm trên sáp dành riêng cho kim hoàn và sau đó là khâu đúc nhiệt, gia công hoàn thiện sản phẩm. Bước cuối cùng, Thu đặt dưới kính hiển vi để hoàn thiện kỹ nhất chiếc keycap cho khách hàng.
Thông thường, chiếc keycap sau khi đúc xong sẽ cần gia công và mài chuốt lại, những phần chi tiết nhỏ quá sẽ phải dùng đến kính hiển vi để chạm trổ dễ dàng hơn.
Ngoài việc làm ra chiếc nút đẹp thì việc làm sao để sản phẩm bền cũng là điều khiến Thu phải suy nghĩ. "Làm keycap khó nhất là phần đế. Bởi vì bàn phím làm bằng nhựa nên khi cho tiếp xúc với nút kim loại mà để lâu sẽ dễ bị xước, mòn và không khớp với nhau nữa. Vì thế, mình phải làm sao nghiên cứu ra một cái đế khi thay thế chỉ cần bỏ nút gốc ra và gắn nút mới vào, làm sao cho đơn giản và hiệu quả nhất", Thu chia sẻ.
Ngồi bên trong cửa hàng vừa là nơi bán, trưng bày các sản phẩm hoàn thiện, cùng là nơi gia công những sản phẩm thô mới thấy được vì sao khách hàng trong và ngoài nước lại có thể yêu thích sản phẩm của Huyền Thu đến vậy. Mắt nhìn vào kính hiển vi, ở dưới là đôi bàn tay Thu thoăn thoắt di chuyển, hoàn thiện những chi tiết cuối cùng để cho "ra lò" một chiếc keycap tinh vi nhất.
Là một sản phẩm hoàn toàn thủ công nên giá của mỗi chiếc keycap bằng kim loại Huyền Thu làm ra không hề rẻ. Trung bình, để sở hữu sản phẩm, khách hàng phải bỏ ra từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Không chỉ phục vụ người chơi trong nước, Huyền Thu còn quyết định chào bán keycap ở thị trường nước ngoài với các kênh phân phối online như Facebook, Esty, Amazon… Người mua đến từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Á đến châu u, châu Mỹ giúp Thu bán được khoảng 100 sản phẩm mỗi tháng.
Huyền Thu nhớ nhất với vị khách nước ngoài từng yêu cầu một chiếc bàn phím được thay đổi hoàn toàn 158 nút (gồm 30 nút đồng và 128 nút bạc), những chiếc nút được chế tác với dạng hình ảnh 2D với chủ đề quê hương của người khách hàng đó. Phải mất 4.500 giờ Thu mới hoàn thiện được sản phẩm và đơn hàng đó cô thu về 200 triệu đồng.
Trong tương lai, Huyền Thu hướng đến những sản phẩm kết hợp đa dạng chất liệu, áp dụng nhiều kỹ thuật mới lạ để làm mặt hàng thêm đa dạng, phong phú, đáp ứng mọi sở thích của khách hàng. Bên cạnh việc sản xuất chế tác, Huyền Thu cũng phát triển thêm dòng chạm trổ keycap. Với tiêu chí "độc - đẹp - lạ", sản phẩm mới hứa hẹn sẽ thôi làn gió mới cho thú chơi này.