Chỉ chơi 1 lần là nhớ mãi.
Ngay từ những ngày đầu trong lịch sử gaming, những trò chơi đi cảnh đã đóng vai trò quan trọng giúp định hình thế giới game sau này. Ban đầu thì thể loại này tập trung chủ yếu vào gameplay, nhưng qua quá trình phát triển thì thể loại này đã khoác lên mình nhiều chiếc áo mới để trông ngầu hơn. Ngoài gameplay ra thì những trò đi cảnh bây giờ còn chú trọng vào cốt truyện, giúp game thủ dễ dàng nhập tâm và hòa mình vào thế giới ảo hơn. Đồng thời thôi thúc người chơi tiếp tục tìm kiếm những điều hay ho còn ẩn chứa trong game. Để minh họa rõ hơn, sau đây là top 8 tựa game đi cảnh với cốt truyện lôi cuốn khiến game thủ nhớ mãi không quên.
Oddworld
Được phát hành vào năm 1997 dành cho PlayStation, Oddworld đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ giới phê bình và trở thành một trong những tựa game bán chạy nhất. Oddworld cũng là một tựa game rất khó, và đây cũng chính là một trong những điểm hấp dẫn chính của nó. Nhân vật chính của chúng ta là Abe, người có thể ngủm sau khi nhận 1 cú đánh duy nhất. Do đó, để có thể chơi được tựa game này, bạn phải tận dụng tối đa tốc độ và sự mưu mẹo của bản thân.
Oddworld là một tựa game đi cảnh có cốt truyện nói về sự áp bức. Abe thuộc tầng lớp nô lệ và bị bắt phải làm việc trong các nhà máy cho một tập đoàn lớn. Mặc dù cốt truyện được kể trong từng khoảnh khắc có thể không được ly kỳ cho lắm. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì câu chuyện về sự tự do và đứng lên chống lại những kẻ áp bức, bóc lột được thể hiện sâu sắc và xuyên suốt tựa game. Cũng chính vì thế mà Oddworld xứng đáng có được một vị trí trong danh sách top game đi cảnh cốt truyện hay này.
Inside
Playdead ban đầu nổi tiếng với Limbo – một tựa game đi cảnh thuộc hàng top lúc bấy giờ – nơi mà nhân vật chính không cần phải mở miệng nói bất cứ câu gì và tông màu chủ đạo của game cũng chỉ có 2 màu đen trắng. Limbo là một tựa game mang lại sự trải nghiệm mới mẻ và độc đáo, và đó cũng chính là lý do mà tựa game này nổi tiếng. Inside cũng tương tự như vậy, mặc dù lần này thay vì khung cảnh chỉ là 2D màn hình ngang (side-scrolling), thì game lại chuyển qua khủng cảnh 3D. Đương nhiên là Inside vẫn học hỏi những cái hay của Limbo, đó là đưa người chơi vào thế phải giải đố để có thể sống sót được.
Inside sẽ không bao giờ nói với bạn bất cứ thứ gì, hay cụ thể hơn là không chỉ dẫn một cái gì rõ ràng cả. Bạn sẽ phải chạy vòng quanh, thu thập các chứng cứ và manh mối để từ đó biết được mình nên đi đâu tiếp. Tuy nhiên, sự khó khăn trong việc giải đố không phải là điểm mạnh duy nhất của tựa game này, mà đó chính là phần cốt truyện.
Sau khi thoát ra khỏi khu rừng và tiến sâu vào hòn đảo, các bạn sẽ càng bắt gặp các hiện tượng kỳ lạ lẫn kinh dị, chẳng hạn như những cái xác biết đi, những máy móc nhìn rất giống các thiết bị điều khiển trí não, một con lợn rừng hung dữ với ký sinh trùng bám đầy trên người, và một sinh vật bí ẩn đang bơi lội dưới nước luôn chờ thời cơ để tấn công bạn. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là tất cả. Còn rất nhiều điều bí ẩn đang chờ được các bạn khám phá. Liệu rằng đây chỉ là một sự kiện tự nhiên hay là các sản phẩm thất bại của một cuộc thí nghiệm nào đó? Có thể nói, nếu các bạn thích những tựa game đi cảnh có cốt truyện hay, cũng như là gameplay kích thích óc suy luận để tìm đáp án thì Inside sẽ là một sự lựa chọn rất lý tưởng.
Mirror’s Edge
Mirror’s Edge là một game thuộc hàng top những trò đi cảnh có cơ chế parkour tuyệt vời. Các nhân vật của game sở hữu khả năng di chuyển đặc biệt mà không phải tựa game nào muốn khai thác cũng thành công. Ví dụ như dòng game Dying Light cũng đã thử nghiệm theo phong cách parkour của Mirror’s Edge nhưng không thành công cho lắm (hay chính xác hơn là vẫn chưa thể sánh bằng). Mặc dù có cơ chế parkour hay như vậy, yếu tố khiến người chơi nhớ nhất về tựa game này lại chính là cốt truyện.
Trong Mirror’s Edge, bạn phải di chuyển thật nhanh. Nhanh đủ để cứu bạn khỏi những pha có khả năng bị mất mạng, do đó hầu như mọi thứ trong game đều được mã hóa bằng màu sắc để có thể dễ dàng nhận dạng ngay lập tức. Nhân vật chính của chúng ta là một kẻ nằm ngoài vòng pháp luật, và đang bị truy lùng bởi những hành động nổi loạn. Thế giới bây giờ đã không còn màu sắc nữa, một viễn cảnh vô cùng hoang sơ được ngụy trang như một vùng đất thiên đường, và những màu sắc nhỏ nhoi và ngắn ngủi xuất hiện tại đây chính là động lực giúp bạn có thể tiến xa hơn.
Thomas Was Alone
Thomas Was Alone là một tựa game đi cảnh rất đặc biệt, nếu không muốn nói là nó thuộc hàng top. Đây là một trong những ví dụ điển hình cho việc một tựa game có câu chuyện cuốn hút không nhất thiết cần phải đầu tư nhiều tiền. Game này cũng không cần những đoạn cắt cảnh mà vẫn lôi cuốn từng giây từng phút. Thomas Was Alone cho thấy với sự đầu tư đúng mực và phần lồng tiếng dễ chịu, ngay cả những khối hình đơn giản cũng trở thành những nhân vật trìu mến.
Chính xác thì đây là một hành trình phiêu lưu kể về những khối hộp chữ nhật. Tất nhiên, cốt truyện của tựa game này còn sâu xa hơn vậy nhiều. Những khối hình này đều biết cách phối hợp với nhau để vượt qua thử thách, tận dụng điểm mạnh của từng cái riêng lẻ để đem đến lợi ích chung cho toàn bộ nhóm. Trong nhiều trường hợp, bạn còn có thể xem những khối hình này như là công cụ, chỉ khác một điều là chúng có cảm xúc khiến người chơi càng ngày càng yêu mến những nhân vật này ngay cả khi đã kết thúc game.
Theo GVN360