Thế giới ma thuật của Doctor Strange cuối cùng cũng bị "xâm lấn" bởi miếng hài nước đôi và những tình tiết khiến fan Marvel vỗ tay hú hét... rồi thôi.
Bài viết KHÔNG SPOIL nội dung phim!
*MacGuffin (danh từ): Một nhân vật/ tình tiết cần thiết cho nội dung phim hoặc sự phát triển của các nhân vật, song bản thân nó lại không quan trọng, không cần thiết và không liên quan.
Sau 6 năm kể từ thành công của phần 1, Doctor Strange - Phù thủy của MCU đã trở lại với hành trình khám phá một trong những bí ẩn lớn nhất của nhân loại - Đa vũ trụ. Nhắc đến Đa vũ trụ, đây chưa từng là đề tài dễ dàng để Hollywood khai thác mà không gặp trục trặc. Lần này cũng thế. Doctor Strange in the Multiverse of Madness vẫn đáng khen vì nỗ lực mang đến một nền tảng Đa vũ trụ của riêng mình, và vì mục đích sâu xa hơn của MCU. Thế nhưng chính sự hỗn loạn của Đa vũ trụ đã khiến nhân vật chính đáng mến của chúng ta - Stephen Strange (Benedict Cumberbatch) - lạc lối và rơi lại ở phía sau.
Doctor Strange phần 2? Nên gọi là tập đặc biệt của WandaVision thì đúng hơn
Bước sang phần 2, câu chuyện của Doctor Strange giờ đây phải chia sớt thời lượng với một nhân vật khác - "Scarlet Witch" Wanda Maximoff. Tuy nhiên Wanda không xuất hiện với vai trò phụ họa, "tô màu" cho cốt truyện chính mà ngược lại, "xâm lấn" và nghiễm nhiên trở thành một nhân vật chủ chốt. Chính vì phải cân bằng giữa hai tuyến cốt truyện dày và sâu như nhau của Doctor Strange và Scarlet Witch, 126 phút của phim thành ra trở nên rời rạc, phân mảng và như được xâu chuỗi từ 2 phim nhỏ khác nhau.
Tuy nhiên, nếu Doctor Strange in the Multiverse of Madness chuyển sang khai thác từ góc nhìn của Scarlet Witch, đây chắc chắn sẽ là một tập đặc biệt xứng tầm điện ảnh... của WandaVision. Vì đã có cả một series bổ trợ từ trước nên câu chuyện của Scarlet Witch dễ thúc đẩy cảm xúc hơn, đáng trông chờ và đáng xem hơn, cộng thêm diễn xuất của Elizabeth Olsen thì việc lấn át hoàn toàn "đầu cầu" của Doctor Strange có thể đoán trước được.
Mặt khác, Doctor Strange bị giao cho trọng trách quá nặng nề và quan trọng: khai phá và cắt nghĩa khái niệm Đa vũ trụ của Marvel. Vẫn là nỗ lực thoát khỏi tình yêu cũ Christine, sự phát triển nhân vật của Doctor Strange lần này thật sự chưa đủ mạnh, thậm chí lạc lối và có những lúc suýt bị lãng quên trong sự bành trướng quá lớn của Scarlet Witch. Với bạn đồng hành mới là America Chavez (một nhân vật đúng nghĩa là *MacGuffin), Doctor Strange len lỏi qua nhiều vũ trụ đúng với dụng ý ban đầu, thế nhưng liệu Đa vũ trụ có thật sự đáng trông chờ như vậy?
Đa vũ trụ chỉ là cái cớ cho nhu cầu fan-service của Marvel
Thực chất quan điểm về Đa vũ trụ của Marvel lần này không mới, thậm chí đã xuất hiện từ rất lâu ở các thương hiệu giải trí khác. Đáng tiếc thay, Doctor Strange in the Multiverse of Madness lại tiếp tục trở thành "sân sau" để Marvel tha hồ thực hiện các chiêu trò chiều lòng fan giống hệt với Spider-Man: No Way Home. Thế nhưng cần nhớ rõ Spider-Man là một trường hợp khác khi từ ban đầu, phim theo chiều hướng tươi sáng, "coming of age" và dễ dàng phù hợp với bất kì hình thức fan-service nào, và thực tế đã chứng minh nó hợp lý.
Với Doctor Strange thì khác. Ngay từ sản phẩm ra mắt năm 2016, Doctor Strange đã chứng minh thế giới của mình tách biệt với phần còn lại của MCU, không chỉ bởi vì anh là Phù thủy mà còn là yếu tố mãn nhãn, nghiêm túc và đậm tính thẩm mỹ về hình ảnh, âm thanh và cốt truyện. Thế nhưng phần 2 của Doctor Strange lại bất ngờ trở về với một bộ phim MCU đơn thuần: những miếng hài lúc hiệu quả lúc không cùng một lô những Easter Egg, cameo tràn ngập, tất cả chỉ để fan có thể vỗ tay, hò hét trong vài giây rồi kết thúc chóng vánh, hẹn bạn lần sau mình gặp lại nhau.
Lần này, nhờ có một "công cụ" như Đa vũ trụ mà mục đích fan-service dễ dàng được thực hiện hơn. Hàng loạt các chi tiết bất ngờ làm tốt vai trò của nó - "mua vui" khán giả, trong khi điều đó đã vô tình khiến cho thế giới hư ảo tuyệt sắc của Doctor Strange bị nhiễu loạn đáng tiếc. Đúng, Đa vũ trụ giải quyết mọi vấn đề có thể có. Đúng, Đa vũ trụ có thể giới thiệu bất kì ai có thể có. Thế nhưng Đa vũ trụ lại không giúp Doctor Strange 2 trở thành một bộ phim mà Doctor Strange xứng đáng có được sau 6 năm cách biệt.
Cảm ơn Sam Raimi vì đã nỗ lực hết sức!
Nhưng đừng lầm tưởng vì Doctor Strange in the Multiverse of Madness KHÔNG PHẢI một bộ phim tệ. Sự hỗn loạn, rời rạc của câu chuyện lần này chí ít đã được níu kéo, liên kết hết tốc lực bởi "chất keo" mang tên Sam Raimi . Trở lại với thể loại kinh dị nhưng dưới ánh nhìn kiểm soát của Disney, Sam Raimi vẫn thành công truyền tải cái hồn của mình vào tác phẩm, một nỗ lực khó có thể tưởng tượng. Với sự khẳng định về "tác phẩm kinh dị đầu tiên của MCU" trước đó, Doctor Strange in the Multiverse of Madness hoàn toàn có thể tự hào vì thật vậy, phim đã làm được!
Doctor Strange in the Multiverse of Madness ghi điểm ở phần nhạc khá "ồn ào" (nhưng theo hướng tích cực), giúp làm dịu đi những chi tiết kinh dị, đáng sợ xuyên suốt phim. Phần hình ảnh vẫn mãn nhãn, cầu kỳ, cho thấy khả năng "đứng top" về kỹ xảo khó có thể bàn cãi của Nhà Chuột. Những cảnh chiến đấu của Doctor Strange và cả Scarlet Witch vô cùng độc đáo, đáng nhớ, là điểm sáng đáng khen giúp khán giả trở lại với guồng tập trung sau một loạt dữ kiện phải tiếp thu từ nội dung phim.
Chấm điểm: 3/5
Sam Raimi đã mang đến một bữc tiệc sôi động, đã mắt, ngộ lạ với phong cách kinh dị - hài như Evil Dead nhiều thập niên trước. Trong khi đó, Doctor Strange giống như một "đứa trẻ nhút nhát" nhưng có những tài lẻ thú vị, bị bạn bè lôi kéo đến bữa tiệc để mua vui nhưng thật sự không dễ để hòa nhập. Chắc chắn rồi, Doctor Strange in the Multiverse of Madness vẫn là một trải nghiệm điện ảnh xứng đáng với tấm vé đắt tiền nhất ngoài rạp, thế nhưng dù có ngầu đến đâu, tiềm ẩn những bí mật hấp dẫn thế nào thì rất tiếc, "đứa trẻ" này chưa bao giờ là nhân vật chính của đêm tiệc.
Doctor Strange in the Multiverse of Madness chính thức ra rạp vào ngày 6/5/2022 tại Việt Nam.
Nguồn ảnh: Tổng hợp