Pockit là một nền tảng mô-đun đầy hứa hẹn.
Máy tính và thiết bị di động dạng mô-đun có thể lắp ghép vẫn chưa có sự phát triển vượt bậc nhưng cũng đã có rất nhiều tổ chức và cá nhân tiến hành phát triển. Nhiều năm trước, Google đã khai tử dự án smartphone mô-đun có tên Project Ara nhưng những mẫu laptop lắp ghép như Framework Laptop và GPD Pocket 3 hiện đã được bán ra thị trường.
Các công ty nhỏ hơn như Fartphone và Pine64 cũng đã bắt đầu bán những chiếc smartphone với linh kiện có thể dễ dàng nâng cấp và thay thế.
Pockit là một nền tảng mô-đun khác đầy hứa hẹn. Hệ thống này cho phép bạn ghép một loạt các block lại với nhau để thêm hoặc loại bỏ phần cứng vào một mẫu máy tính cỡ nhỏ.
Pockit được phát triển từ năm 2019 và cho tới gần đây nhà phát triển Anil Reddy cho biết các thiết kế phần cứng đang được hoàn thiện, một lô hàng đầu tiên sẽ sớm được sản xuất. Reddy cũng đăng tải một video demo cho thấy hệ sinh thái Pockit sẽ như thế nào trong giai đoạn đầu.
Ví dụ: Mô-đun chính (Compute Module) với bộ não là Raspberry Pi 4 có thể được cấu hình để dùng như một máy tính cầm tay với một màn hình nhỏ và bàn phím QWERTY hoặc một chiếc điện thoại hoặc một thiết bị giống tablet với màn hình cảm ứng lớn hơn chỉ bằng cách lắp ghép các mô-đun thích hợp vào mô-đun chính qua bảng kết nối đa năng.
Chỉ cần gắn thêm block pin là bạn đã có một thiết bị di động để dùng khi cần di chuyển. Còn khi không cần một chiếc máy tính độc lập, bạn có thể sử dụng Pockit như một thiết bị IoT bằng cách gắn vào nó các block như cảm biến, camera, micro, loa hoặc các block khác.
Trong video demo, Reddy cũng cho thấy Pockit có thể được dùng để điều khiển đèn và quạt thông minh thông qua điều khiển bằng giọng nói chỉ bằng cách hoán đổi các block.
Một số block khác cho phép bạn bổ sung những thứ như cổng HDMI hoặc USB, đầu đọc thẻ SD hoặc thậm chí là cả SSD. Mỗi block sẽ được cố định vào bảng bằng từ tính và chúng có thể giao tiếp với nhau.
Pockit không chỉ đơn giản là một máy tính Raspberry Pi có thể chuyển đổi giữa việc sử dụng như máy tính để bàn và thiết bị di động. Nó là một hệ thống cho phép bạn trộn và kết hợp các mô-đun để thay đổi chức năng của phần cứng một cách nhanh chóng.
Thật phấn khích khi nghĩ về tương lai mà bạn có thể thêm hoặc loại bỏ camera, cảm biến hay các thiết bị khác của một chiếc smartphone chỉ bằng cách thay thế một block. Những hệ thống như thế này đặc biệt phù hợp với các nhà phát triển, các nhà sản xuất, nhà giáo dục và sinh viên.
Mỗi mô-đun là một khối in 3D chứa mạch điện tử và một hệ thống kết nối đa năng tích hợp nam châm cho phép bạn gắn phần cứng vào đúng vị trí và thử nghiệm phần cứng. Ở giai đoạn này, chưa chắc Pockit phù hợp để bạn đút vào túi quần như smartphone hoặc có thể duy trì hình dáng khi bị rơi xuống nền bê tông. Tuy nhiên, thật thú vị khi thấy nó linh hoạt như thế nào trong video demo mà nhà phát triển Reddy đăng tải.
Năm ngoái, Reddy lần đầu tiết lộ về dự án Pockit Project của mình và khi ấy nó chỉ được trang bị Raspberry Pi 3+. Hiện nay, phiên bản mới nhất đã được nâng cấp lên Raspberry Pi CM4 mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Reddy cũng tạo ra một Dashboard trên web với giao diện người dùng thân thiện giúp bạn dễ dàng theo dõi và cấu hình hệ thống. Dashboard có thể được truy cập từ chính Pockit hoặc từ thiết bị khác và nó hiển thị các block được kết nối theo thời gian thực và cho phép bạn cài đặt các ứng dụng có thể được dùng với các phần cứng hiện có.
Với một nhà phát triển độc lập như Reddy thì Pockit quả thật là một thành quả cực kỳ tuyệt vời. Hy vọng rằng anh sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cấp để Pockit có thể hoàn thiện hơn nữa và sớm có mặt trên thị trường.
(Tham khảo Quantrimang)