Có lẽ đây cũng là bức ảnh "phát ra tiếng", bạn nhìn thấy là sẽ nghe được luôn bài nhạc trước mỗi bộ phim của Columbia Pictures.
Bài viết từ nhiếp ảnh gia, giáo viên Phil Mistry tại trang Petapixel
Kể cả không phải là một "mọt phim" bạn cũng sẽ nhận ra bức ảnh "Quý cô cầm đuốc" đã trở thành huyền thoại của hãng làm phim Columbia Pictures. Bức ảnh này được chụp vào năm 1991 bởi Kathy Anderson, một nhiếp ảnh gia đã đoạt giải Pulitzer tại căn hộ của cô ấy ở vùng New Orleans.
Phiên bản cuối cùng là bức tranh vẽ với nhiều hiệu ứng hơn, nhưng ít ai biết được bức ảnh gốc được lấy ra làm mẫu được chụp trong một căn hộ nhỏ, với những đạo cụ vô cùng đơn giản.
Câu chuyện phía sau bức ảnh huyền thoại
Câu chuyện của bức ảnh này bắt đầu khi người bạn của cô Anderson là Michael J. Deas, một nhà thiết kế tài năng đang tìm ý tưởng bộ tem cho Bưu điện Hoa Kỳ. Cô Anderson kể lại: "Michael lúc đó cũng đã có những ý tưởng cho bộ ảnh rồi. Để chiếu sáng cho mẫu tôi sử dụng một flash Dynalite và tản sáng Chimera để tạo ra ánh sáng mềm mại."
Thời điểm đó cô Anderson làm việc tại một tờ báo mang tên The Times-Picayune tại New Orleans. Cô cần một người mẫu cho bộ ảnh, nên đã nhờ luôn một đồng nghiệp tại tòa soạn là cô Jenny Joseph.
Tại ngày chụp, Michael J. Deas đem một hộp bánh sừng bò từ tiệm bánh Pháp yêu thích của ông, cùng với những đạo cụ chụp ảnh bao gồm khăn trải giường, tấm vải màu xanh, một chiếc đèn nhỏ với bóng nhô ra ở trên đỉnh - được sử dụng để thay thế cho ngọn đuốc trong bức hình cuối cùng.
Cô Anderson kể thêm về quá trình chụp: "Sau khi rời chiếc bàn ăn phòng khách ra chỗ khác để biến căn phòng trở thành một "studio", chúng tôi treo tấm vải màu xám lên để làm nền và một vài hộp để chặn ở dưới. Tôi cho một vài tấm phim Polaroid vào máy Hasselblad để chụp thử.
Thời kỳ chưa có máy ảnh số, nhiếp ảnh gia thường dùng Polaroid để chụp "test" trước khi dùng phim chụp chính thức. Sau khi xem polaroid, tấm trải giường màu trắng được điều chỉnh cho phù hợp với cô Joseph - người mà sau buổi chụp này sẽ không đi làm mẫu ảnh thêm một lần nào nữa.
"Jenny được quấn một tấm trải giường màu trắng, với một tấm vải màu xanh vắt ngang. Những thành phần này được sắp xếp một cách tỉ mỉ, đèn cũng được sử dụng để làm rõ các nếp gấp và ánh mắt của Jenny."
"Trong buổi chụp, Jenny xin phép được ngồi nghỉ trong một vài phút. Tôi cũng chụp một ảnh khi cô ấy đang ngồi, và đây là tấm mà tôi cảm thấy thích nhất trong suốt quá trình chụp. Trong lúc nói chuyện khi chụp, tôi mới biết rằng cô ấy đang mang thai. Sau khi chúc mừng cô ấy, chúng tôi lại tiếp tục chụp."
"Quý cô cầm đuốc" trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng
Cô Anderson vào thời điểm đó đã chụp rất nhiều ảnh mẫu cho nhà thiết kế Deas trong nhiều năm, nhưng "Quý cô cầm đuốc" vẫn là bức ảnh và buổi chụp mà cô cảm thấy ưng ý nhất.
So sánh tranh vẽ vẽ mà hãng Columbia Pictures sử dụng và ảnh mẫu do cô Anderson chụp cho thấy nhà thiết kế đã giữ đến cả những chi tiết nhỏ nhất. Ta có thể thấy cách đặt ngón tay gần như y hệt, tấm vải xanh được đặt thấp hơn một chút so với bờ vai của cô gái, tấm ga giường cũng có cách thả xuống đất không khác chút nào.
Cô Anderson chia sẻ thêm: "Nếu như Quý cô cầm đuốc không trở nên nổi tiếng đi chăng nữa, thì đó vẫn sẽ là bức ảnh mà tôi yêu quý nhất. Mỗi khi nhìn nó tôi lại nhớ về một buổi chụp vui vẻ cùng những người bạn tốt và một hộp bánh sừng bò hoàn hảo."
Sự nghiệp nhiếp ảnh thành công của cô Anderson
Kathy Anderson bắt đầu sự nghiệp chụp ảnh khi vào đại học, và nhanh chóng cảm thấy yêu thích bộ môn này. Cô nói rằng mình rất may mắn khi được sinh ra trong thời kỳ ảnh in vẫn thịnh hành, và có một sự nghiệp dài tới 28 năm tại tạp chí The Times-Picayune. Vào 2006, bức ảnh chụp lại sự tàn phá của cơn bão Katrina đã đem về cho cô Giải thưởng Pulitzer về Dịch vụ công.
Một bức ảnh nổi tiếng khác của cô chụp lại Avery Alexander - một đại diện của bang New Orleans đang bị cảnh sát bắt giữ, giữ chặt cổ vào năm 1993 khi ông đang biểu tình chống lại phân biệt chủng tộc. Vào 2016 tức 23 năm sau bức ảnh này đã được in thành băng rôn trong cuộc diễu hành Black Lives Matter đòi công lý cho người da màu.
Cô Anderson mong rằng người xem sẽ có những xúc cảm khi xem ảnh của mình, dù đó là niềm vui (đối với Quý cô cầm đuốc) hay nỗi buồn (ảnh chụp về cơn bão Katrina). "Nếu như gợi được cảm xúc đối với người xem, tức là tôi đã thành công trong nhiếp ảnh".