NFT game đang nhận về rất nhiều lời chỉ trích đúng đắn, nhưng tại sao công nghệ này vẫn phát triển? Câu trả lời nằm ở việc nó nên được nhìn nhận dưới lăng kính nào
Non-Fungible Token, viết tắt là NFT gần đây đã gây sốt trong ngành công nghiệp trò chơi. NFT có thể được định nghĩa nôm na là chứng chỉ quyền sở hữu, được thực hiện thông qua việc sử dụng công nghệ dựa trên blockchain. Nhiều nhà phát hành lớn trên thế giới đã và đang thực hiện những bước cải tiến để hướng đến việc tích hợp công nghệ này vào những tựa game mới nhất, điển hình là Ubisoft và EA.
Những người hâm mộ game online đã phản ứng rất tiêu cực đối với NFT và đưa ra nhiều lý do chính đáng. NFT không được xem như một khoản chi phí bổ sung giúp đem đến trải nghiệm tốt hơn cho người chơi, dù chúng đòi hỏi họ phải đầu tư tiền. Đồng thời, NFT cũng giúp các nhà phát hành và phát triển thu lời được nhiều hơn. Một vài tuyên bố trong số này khá đúng, nhưng khi xem xét kỹ hơn - việc bao gồm các mặt hàng ảo có thể đem lại lợi ích cho ngành về lâu dài.
Ngành công nghiệp game đang tiêu tốn rất nhiều tiền
Tất nhiên, việc phát triển game thời nay tiêu tốn nhiều tiền không còn quá mới mẻ. Càng ngày, người ta càng đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn về hình ảnh, giá trị, v.v… đối với một tựa game. Dễ thấy nhất, các game bom tấn trong thời gian vừa qua như Cyberpunk 2077, Red Dead Redemption 2 và Grand Theft Auto 5 đều ngốn đến hàng trăm triệu đô la để thực hiện.
Do đó, mặc dù doanh số bán ra của game có cao kỷ lục, thì thực tế lợi nhuận mà các nhà phát hành không đáng bao nhiêu so với số vốn bỏ ra. ĐIều này không thỏa mãn được đòi hỏi từ các nhà đầu tư lẫn cổ đông của công ty theo từng năm. Trong những năm qua, người hâm mộ đã thấy xuất hiện rất nhiều xu hướng mới để rút ngắn khoảng cách tiền bạc này, chủ yếu là bằng cách giới thiệu thêm các nguồn thu khác, chẳng hạn như ra mắt các gói DMC bổ trợ, các phiên bản sưu tầm, phiên bản theo mùa, v.v…
Đó cũng là lý do tại sao nhiều nhà phát hành, bao gồm cả Sony, quyết định sử dụng đa nền tảng, thay vì chỉ tập trung trên một nền tảng cụ thể như trước đây. Tuy nhiên, sự khởi sắc của ngành công nghiệp chỉ mới diễn ra gần đây, khi người chơi dần làm quen với các giao dịch ở cấp độ vi mô.
Tất nhiên, không phải lúc nào các giao dịch này cũng mang tính tự nguyện. Star Wars: Battlefront 2 đã thu hút nhiều sự chú ý khi nó buộc người chơi phải mua các hộp loot bằng tiền thật để đẩy nhanh tiến độ trò chơi. Assassin’s Creed Odyssey cũng từng gây nhiều tranh cãi khi buộc người chơi phải mua thêm các vật phẩm giúp tiết kiệm thời gian và thanh toán bằng tiền mặt, nhằm giúp nhân vật thăng cấp nhanh chóng. Những cách “vắt sữa” này tưởng xưa nhưng hóa ra vẫn được áp dụng, và hầu hết chúng đã giúp người chơi quen dần với các giao dịch trong game nhưng được trao đổi bằng tiền thật.
Tại sao các nhà phát triển game lại xem NFT là hướng đi tương lai?
Câu trả lời dĩ nhiên là NFT đem lại lợi nhuận cao. Trên lý thuyết, NFT cũng giống như các giao dịch vi mô truyền thống. Dù nó bị chỉ trích, nhưng cách hoạt động với hình thức hạn chế về số lượng của NFT rất quan trọn và nó giúp thúc đẩy người chơi phải tiêu tiền. Dù vậy, ngay cả các Digit NFT do Ubisoft giới thiệu vẫn còn thiếu đi sự bền vững, ổn định khi buộc người chơi phải tham gia trò chơi lâu dài trên những thiết bị hoạt động trong thời gian giới hạn.
Vì việc phát triển các game thế hệ mới tiêu tốn quá nhiều tiền, nên việc đưa NFT vào game là điều không thể tránh khỏi, bất chấp những khuyết điểm của nó. Tuy nhiên, về mặt tích cực, đó là một mô hình thân thiện với người dùng hơn nhiều (ngoại trừ các tác động ngoại cảnh với môi trường khai thác tiền điện tử nói chung), đồng thời cũng giúp tăng giá trị cho tựa game lên đáng kể.
Lý tưởng nhất, NFT nên hoạt động như một món quà lưu niệm độc đáo cho những người yêu thích trò chơi - và chỉ là tùy chọn cho người chơi thay vì gắn liền với một chức năng thiết yếu nào đấy trong game.
Nếu NFT đi theo một kế hoạch chi tiết và bài bản, những khó khăn mà nó gặp phải sẽ được giải quyết và đem lại lợi ích cho cả công ty phát triển game lẫn người chơi. Người chơi muốn đầu tư vào NFT, còn nhà phát triển có thêm nguồn thu để bù vào chi phí, đây là điểm mà NFT hứa hẹn có thể làm được còn mô hình kinh doanh truyền thống thì không.