Axie Infinity có lẽ là tựa game gây sốt nhất năm 2021, tuy nhiên mô hình game mới mẻ này hoạt động như thế nào?
Blockchain đang được xem là xu hướng trong tương lai của giới công nghệ cũng như ngành công nghiệp game nói chung. Sự thành công của tựa game Axie Infinity đóng vai trò tiên phong cho sự ra đời của hàng loạt tựa game NFT khác. Nhưng liệu các game thủ đã hiểu được cách thức hoạt động của mô hình game đầy mới mẻ này chưa?
Axie Infinity - Tựa game “made in Vietnam”
Một điều khiến nhiều người bất ngờ là tựa game đắt giá nhất hiện nay, Axie Infinity, lại là sản phẩm sáng tạo của đội ngũ có khá nhiều người Việt.
Sự thành công của Axie Infinity đã khiến tựa game này được ví von như Flappy Bird thứ hai. Trò chơi này gây sốt khi thu hút được người chơi từ nhiều quốc gia trên thế giới, tạo ra được một hệ sinh thái phát triển kinh tế ảo và tổng giá trị vốn hóa tăng lên với tốc độ chóng mặt chỉ tính riêng trong năm 2021.
Axie Infinity - Mô hình chơi game đưa trò giải trí lên một tầm cao mới
Vậy điều gì khiến Axie Infinity cuốn hút như vậy? Đó chính là mô hình chơi game hoàn toàn mới: Play to earn (chơi để kiếm tiền). Thế nhưng nếu chỉ vậy thì Axie Infinity sẽ không trở thành một cơn sốt. Điểm đặc biệt ở trò chơi là việc nó được xây dựng trên nền tảng blockchain của Ethereum - một trong số những công nghệ đầy tiềm năng đang phát triển mạnh. Axie Infinity nâng tầm việc chơi game, biến nó không chỉ là để giải trí hay trao đổi vật phẩm nhỏ lẻ trong giới game thủ mà trở thành một công việc nghiêm túc với tính toán kinh tế rất rõ ràng.
“Play to earn” trong Axie Infinity diễn ra như thế nào?
Đối với những game thủ mới bắt đầu bước vào thế giới của Axie Infinity, họ sẽ cần làm quen khái niệm cơ bản và quan trọng nhất trong game: Smooth Love Potion (SLP - đồng tiền ảo tiện ích trong game). Mục tiêu của trò chơi là việc tích lũy SLP, mỗi ngày tùy vào từng cấp độ, người chơi có thể tích được tối đa 100 SLP với chế độ PvP Advanture.
Ngoài ra, người chơi còn có thể kiếm được SLP không giới hạn với chế độ chiến đấu có tên PvP Arenas. Họ sẽ giao chiến với nhau và nhận được SLP (không giới hạn), người thắng nhận SLP theo MMR (Match matching rating - xếp hạng đối thủ phù hợp), còn người thua không nhận được gì.
Với số SLP tích lũy, khi đạt được mức độ nhất định, người chơi có thể đổi SLP sang tiền ảo Ethereum và bán trên sàn giao dịch để lấy tiền thật. Hình thức của Axie Infinity về cơ bản là chơi game ảo, cày tiền ảo nhưng đổi về tiền thật.
Bên cạnh việc đổi tiền nhờ tích lũy SLP, người chơi có thể giao dịch các vật phẩm trong game hay còn gọi là NFT - những vật phẩm được công nhận thuộc quyền sở hữu của họ. Tùy theo độ hiếm có của NFT, giá trị sưu tầm của chúng có thể từ vài trăm đô la cho đến hàng triệu đô.
Axie Infinity có phải một món hời cho game thủ?
Câu trả lời là không! Axie Infinity được phát triển theo hướng tạo dựng một nền kinh tế ảo, vì vậy mọi giá trị thu về từ game đều phải có sự đầu tư. Khi bắt đầu trò chơi, game thủ phải “nạp lần đầu” để mua Axie. Các Axie không có mức “nạp” cố định mà biến động theo thị trường. Có thời điểm Axie thấp nhất là 200 đô la, newbie cần 3 Axie tức là phải “nạp lần đầu” 600 đô la mới có thể chơi game.
Nhưng nếu chỉ “nạp lần đầu,” game thủ chưa thể cầm chắc chiến thắng để thu SLP dễ dàng. Họ buộc phải lập ra các đội Axie mạnh và độ mạnh - yếu này sẽ phụ thuộc vào việc họ “nạp các lần sau” nhiều hay ít. Axie cấp độ càng cao thì tỷ lệ thắng lẫn kiếm SLP càng nhiều. Khi sở hữu nhiều Axie, người chơi có thể ghép đôi và cho Axie sinh ra thế hệ mới - một quá trình tốn SLP và AXS (token tiện ích của game). Tỷ lệ sinh sản càng cao, thì giá SLP càng cao.
Vì được xây dựng dựa trên các thức vận hành kinh tế, nên những giao dịch Axie giữa người chơi rất đa dạng. Không chỉ chuyển nhượng sở hữu, người chơi còn có thể cho vay hoặc cho thuê Axie và kiếm lời. Tất nhiên, hình thức này không được khuyến khích khi nó có thể làm giảm nguồn tiền đầu tư lẫn giá trị Axie trong game.