Tạo hóa có vẻ khá đãng trí trong trường hợp này, con người chúng ta sau khi tiến hóa thì đâu cần có đuôi nữa.
Có thể bạn chưa biết, tất cả chúng ta khi còn ở trong bụng mẹ đều đã từng mọc đuôi. Cụ thể, ở tuần thai thứ 4 cho tới thứ 8, phôi người sẽ phát triển một cái đuôi ở phần xương cụt như một tàn tích di truyền mà tổ tiên chúng ta để lại.
Nhưng sau đó từ tuần thai thứ 6 cho tới 12, các tế bào bạch cầu sẽ phá hủy những cái đuôi này (chúng ăn các tế bào ở đây và hấp thụ cái đuôi trở lại) vì tiến hóa chợt nhớ ra là con người không cần đến đuôi nữa.
Mặc dù vậy, nếu có một vì lý do nào đó mà tạo hóa đãng trí, thai nhi sẽ tiếp tục phát triển qua tuần thứ 12 và vẫn còn giữ được cái đuôi của mình. Đứa trẻ sau đó sẽ được sinh ra với cái đuôi nguyên vẹn, thậm chí tiếp tục dài ra khi chúng lớn lên.
Mới đây, các bác sĩ Brazil đã báo cáo về một trường hợp như vậy trên tạp chí Surgery Case Reports. Cậu bé sơ sinh chào đời với một cái đuôi dài 12 cm còn lại trên mông bên trái của mình. Thậm chí, ở đầu cái đuôi còn có một khối thịt tròn khiến nó trông giống như cái đuôi của nhân vật truyện tranh Doraemon.
"Đuôi người được phân loại là đuôi thật hoặc đuôi giả. Đuôi thật đại diện cho sự tồn tại của phần đuôi phôi thai còn sót lại… được hình thành từ mô mỡ và mô liên kết, mạch máu, cơ và sợi thần kinh", các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Albert Sabin, Brazil cho biết.
Trong khi đó, đuôi giả là những chỗ lồi lên bất thường ở xương cụt, có thể do các dị tật hoặc tật nứt cột sống gây ra. Đuôi giả vì vậy phổ biến hơn trong khi toàn bộ y văn hiện đại chỉ mới ghi nhận 40 trường hợp trẻ sinh ra với đuôi thật.
Ở một số nơi trên thế giới, những đứa trẻ sinh ra với một cái đuôi thường bị kỳ thị và hắt hủi. Ngược lại, tại một số nơi chẳng hạn như Ấn Độ, đuôi được coi là phước lành hoặc quà tặng từ các vị thần.
Trong khi những cái đuôi thật là phần đuôi của thai nhi không được hấp thụ lại, như trường hợp này là một phôi thai 7 tuần tuổi với cái đuôi nhìn thấy rõ.
Trở lại với cậu bé người Brazil, các bác sĩ cho biết đuôi của cậu bé này là đuôi thật. Bởi kết quả siêu âm cho thấy nó không có bất cứ liên kết thần kinh nào với cột sống. Chiếc đuôi cũng không có xương hay mô sụn. Nó chỉ là một trục mô mỡ, cơ và mô liên kết thần kinh với các nhánh mạch máu lớn.
Cái đuôi dài 12 cm với một quả bóng hình cầu có đường kính 4 cm ở cuối. Quả bóng giống cái đuôi Doraemon này được xác định là một tổ chức xơ chứa collagen. Mặc dù có kích thước rất lớn, nhưng trong cả 8 lần tư vấn trước sinh bao gồm khám siêu âm cho người mẹ, các bác sĩ không hề phát hiện ra cái đuôi này.
Người mẹ cho biết trong thời kỳ mang thai, bà hoàn toàn khỏe mạnh ngoại trừ một lần bị nhiễm trùng đường tiết niệu và phải uống kháng sinh. Tuy nhiên, người mẹ này có một thói quen xấu là hút thuốc lá, và trong thai kỳ, cô ấy vẫn hút khoảng 10 điếu thuốc mỗi ngày.
Việc hút thuốc lá của người mẹ không liên quan trực tiếp đến việc khiến bào thai trong bụng cô ấy có đuôi, nhưng dường như nó ảnh hưởng một phần và khiến cậu bé bị sinh non ở tuần thai thứ 35.
Mặc dù vậy, ngoài cái đuôi kỳ lạ và biểu hiện vàng da thì các bác sĩ cho biết cậu bé này khá khỏe mạnh. Họ đã đánh giá cái đuôi của cậu bé và tư vấn cho người mẹ nên quyết định cắt bỏ nó.
Đó là bởi lớn lên với một cái đuôi như vậy thường khá bất tiện. Không có dấu hiệu nào cho thấy chiếc đuôi này có thể đem lại chức năng gì cho cậu bé. Ngược lại, những người giữ đuôi khi lớn lên đều báo cáo rằng nó đem lại cảm giác đau đớn, bất tiện và khó chịu.
Chiếc đuôi khiến họ không thể mặc quần và ngồi được như người bình thường, vì đè lên nó có thể gây đau đớn. Có người từng giữ đuôi của mình tới năm 17 tuổi nhưng cuối cùng vẫn phải cắt nó đi vì không thể chịu đựng thêm được nữa.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Albert Sabin cho biết sau khi thực thiện thủ thuật cắt đuôi, cậu bé không gặp bất cứ biến chứng gì và hoàn toàn khỏe mạnh. Họ báo cáo trường hợp này trên tạp chí y khoa để giúp các bác sĩ khác có một cái nhìn tổng quát về các trường hợp người có đuôi thật hiếm gặp, đồng thời cảnh báo về các trường hợp đuôi giả nên được khám sàng lọc và phát hiện sớm ngay từ trong thai kỳ.
"Do nguồn gốc ngoại bì chung giữa da và hệ thống thần kinh trung ương, điều cần thiết là bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ phẫu thuật nhi khoa phải điều tra sự hiện diện của rối loạn chức năng cột sống tiềm ẩn ở những bệnh nhân nghi ngờ có tổn thương, vì chúng có thể là bất thường duy nhất nhìn thấy được và có thể được chẩn đoán sớm", nhóm nghiên cứu viết.
Tham khảo Sciencedirect