Cùng chúng tôi điểm qua 5 thảm họa live-action do phương Tây sản xuất chuyển thể từ các manga Nhật Bản.
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi có một dự án live-action nào tới từ phương Tây cũng khiến khán giả lo lắng. Việc khác nhau giữa văn hóa khiến cho một dự án chuyển thể từ truyện tranh Nhật tới từ các hãng phim Âu - Mỹ khiến người hâm mộ lại 'kêu trời' vì lo lắng. Mới đây nhất thì One Piece live-action đã chính thức công bố dàn diễn viên thủ vai băng Mũ Rơm trong dự án do Netflix đảm nhận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ tích cực, nhiều khán giả lo lắng rằng One Piece live-action sẽ là thảm họa tiếp theo giống như 5 cái tên sau đây!
Dragon Ball: Evolution
Được chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng bậc nhất của manga Nhật Bản, Dragon Ball Evolution lại trở thành "cơn ác mộng" khó quên nhất với người hâm mộ từ trước đến nay mỗi khi nhắc đến thể loại live-action chuyển thể từ manga. Bộ phim bắt đầu khi ông nội Goku bị sát hại vào sinh nhật thứ 18 của cậu. Theo lời căn dặn của ông, cậu lên đường tìm kiếm sư phụ Roshi. Cầm trên tay món quà sinh nhật mà ông nội đã tặng - viên ngọc rồng có bốn ngôi sao - Goku phải đi tìm Roshi, một người cậu không biết là ai. Bộ phim bị "ném đá" không thương tiếc vì kịch bản quá tệ hại, diễn viên nhạt nhẽo, giá trị nguyên tác bị phá tan nát. Sau này, khi có bất cứ một dự án chuyển thể manga nào được thông báo, fan đều nhắc nhớ nhau về "tai nạn để đời" của Dragon Ball như một bài học nhớ đời.
The Guyver
Bộ phim có sự tham gia của Mark Hamill, dựa trên bộ truyện tranh Bio-Booster Armor Guyver của Yoshiki Takaya. Phim kể về chàng trai trẻ vô tình tìm thấy một thiết bị máy móc siêu tân tiến, có thể hợp nhất với cơ thể và biến cậu thành siêu anh hùng. Thế nhưng bộ giáp chiến đặc biệt này cũng mang theo mối nguy hiểm khi trở thành mục tiêu tìm kiếm của các sinh vật đáng sợ. Mark Hamill không phải là lựa chọn hợp ý người hâm mộ nguyên tác. Tạo hình Guyver trên phim cũng bị nhận xét là kém đẹp. Kịch bản phim biến các nhân vật trở nên ngớ ngẩn, đơn giản hơn rất nhiều so với bản truyện tranh làm cộng đồng fan manga thất vọng.
Speed Racer
Nguyên tác của Speed Racer là bộ anime ăn khách Mach GoGoGo. Bản chuyển thể từng rất được kỳ vọng khi công bố kinh phí khủng lên đến 120 triệu USD. Tuy nhiên, sự đầu tư này lại chưa được sử dụng hiệu quả khi hình ảnh, kỹ xảo phim bị chê quá màu mè, giả tạo. Phim lạm dụng CGI sặc sỡ thay vì tập trung vào các màn đua xe và phát triển cốt truyện, tâm lý nhân vật. Chính lý do này khiến Speed Racer thất bại thảm hại. Bộ phim chỉ thu về 93 triệu USD doanh thu toàn cầu, ước tính hãng sản xuất lỗ đến 50 triệu USD.
Kite
Khi vừa ra mắt, bộ truyện tranh Kite của Yasuomi Umetsu đã trở thành "quả bom" của làng manga vì nội dung nặng nề, thấm đẫm bạo lực và gợi dục nhưng truyền tải nhiều thông điệp xã hội sâu cay. Bộ truyện kể về một nữ sinh được huấn luyện để trở thành sát thủ sau cái chết của cha. Phiên bản live-action của Hollywood lại không được đón nhận nhiều như bản gốc. Lý do là bởi bộ phim dường như chỉ "bắt chước" lớp vỏ máu me, bạo lực mà chưa nắm bắt được phần linh hồn nhiều cảm xúc của bộ manga gốc. Bộ phim nhận nhiều chỉ trích vì sản xuất cẩu thả, phá hỏng nguyên tác manga và không tôn trọng giá trị cơ bản của tác giả đã tốn công tạo nên.
Death Note
Sau nhiều bản live-action được Nhật chuyển thể, bộ manga đấu trí Death Note được "Mỹ tiến" với series dài tập của Netflix. Dù chưa lên sóng, bản chuyển thể mới đã khiến người hâm mộ "câm nín" với dàn diễn viên và tạo hình "không liên quan" đến nguyên tác. Đặc biệt là nhân vật thám tử L da trắng, người mảnh khảnh, ăn mặc giản dị được thể hiện bởi một diễn viên da màu và có tạo hình bị nhận xét là giống kẻ khủng bố. Trailer series phim cũng gây thất vọng vì nhóm nhân vật chính không toát lên thần thái, cá tính riêng hấp dẫn như bản manga.
Với 5 bài học trên đây, liệu rằng các nhà làm phim của Netflix có rút ra được bài học để có thể tạo nên thành công cho One Piece live-action hay chúng ta lại đón nhận thêm một thảm họa nữa? Hãy để lại ý kiến của mình về vấn đề này nhé!