Danh tính của Satoshi Nakamoto thực chất đã là một bí ẩn đày đọa nền tài chính của cả thế giới suốt nhiều năm qua. Đó là tên của 1 người, hay là nhóm người? Và tại sao (những) người này vẫn chưa động vào một đồng trong khối tài sản kếch xù kia?
Florida (Mỹ) sắp diễn ra một vụ kiện hết sức... khủng khiếp, giữa thân nhân của một người đàn ông đã qua đời và đối tác trước kia của ông, liên quan đến tài sản chung giữa 2 người.
Vấn đề là số tài sản này chẳng phải bất động sản, cũng không phải trái phiếu hay cổ phần của công ty. Đó là 1 triệu đồng Bitcoin, với giá trị rơi vào khoảng 64 tỉ USD. Và vị "đối tác" của vụ kiện lại chính là Satoshi Nakamoto - người được biết đến với danh nghĩa là cha đẻ của đồng tiền ảo có giá trị mạnh nhất hiện tại.
Bên nguyên đơn cho biết, người đàn ông quá cố trước kia đã hợp tác cùng Nakamoto, vậy nên gia đình họ xứng đáng được hưởng phân nửa số tài sản trên.
Bí ẩn lớn nhất thế kỷ: Cha đẻ Bitcoin là ai?
Danh tính của Satoshi Nakamoto thực chất đã là một bí ẩn đày đọa nền tài chính của cả thế giới suốt nhiều năm qua. Đó là tên của 1 người, hay là nhóm người? Và tại sao (những) người này vẫn chưa động vào một đồng trong khối tài sản kếch xù kia?
Lời giải cho bí ẩn trên nằm ở vụ kiện ở Florida, và ở chính bản thân đồng tiền số này. Ở thời điểm hiện tại, Bitcoin đã trở thành một thị trường ngàn tỉ đô, với hàng chục triệu nhà đầu tư. Nó tạo ra một thứ quyền lực lớn đến mức chính phủ các nước phải tìm cách kiểm soát nó, và cũng có những nước ủng hộ nó. Công nghệ đứng sau Bitcoin xét trên nhiều khía cạnh được đánh giá là có thể cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu.
Nhưng ai là người tạo ra Bitcoin, đó vẫn là một bí ẩn. Chỉ biết rằng, người này đang nắm giữ nhiều Bitcoin nhất mà thôi.
Trở lại với vụ kiện tại Florida. Bên nguyên đơn là thân nhân của David Kleiman, đứng ra kiện đối tác cũ của ông là Craig Wright - một lập trình viên người Úc 51 tuổi, đang sống tại London (Anh). Năm 2016, Wright tự nhận mình là người tạo ra Bitcoin - một phát ngôn gây tranh cãi và bị phản bác bởi phần lớn cộng đồng chơi tiền số. Và bên nguyên đơn tin rằng ông Kleiman cùng Wright đã cùng nhau hợp tác đào tiền ảo, và đòi hỏi nhận lại phân nửa số tiền đó - là nửa triệu đồng Bitcoin.
"Chúng tôi tin rằng có những bằng chứng cho thấy sự hợp tác của cả hai để đào được hơn 1 triệu đồng Bitcoin," - Vel Freedman, luật sư nguyên đơn cho biết.
"Đó là sự hợp tác giữa 2 người bạn, và một người tìm cách lấy hết thành quả sau khi người còn lại qua đời," - Tibor Nagy, một luật sư theo dõi vụ kiện chia sẻ.
Để phản biện, Wright sẽ phải đưa ra bằng chứng cho thấy mình là người tạo ra Bitcoin và quá trình này không liên quan đến Kleiman. "Tôi tin rằng tòa án sẽ nhận ra rằng không có bằng chứng hay ghi chép nào cho thấy cả hai là đối tác," - Andrés Rivero, luật sư của Wright cho biết.
Hành trình truy tìm danh tính "cha đẻ Bitcoin"
Đối với các "Bitcoin thủ", chỉ có một thứ chứng minh được danh tính của Satoshi Nakamoto: chìa khóa mở được tài khoản nơi Nakamoto cất giữ 1 triệu đồng Bitcoin. Bất kỳ ai nếu tự nhận là Satoshi Nakamoto sẽ phải chứng minh bằng cách bán đi một phần nhỏ trong chiếc ví này là được.
Trên thực tế, giới đào Bitcoin từ lâu đã rất tò mò về bí ẩn xoay quanh Satoshi Nakamoto. Ngày 31/10/2008, ai đó đã sử dụng cái tên này gửi tài liệu dài 9 trang giấy tới một nhóm chuyên viết mật mã, giải thích về một hệ thống "tiền điện tử" cho phép người dùng trao đổi đồng tiền mà không cần đến ngân hàng hoặc thể chế thứ 3. Vài tháng sau, hệ thống Bitcoin ra mắt, và Nakamoto lập tức nắm giữ 1 triệu đồng ngay trong năm đầu tiên.
Nhưng trước lúc đó, Wright đã đề nghị ông Kleiman giúp đỡ. Họ hợp tác và cùng nhau cho ra mắt Bitcoin - theo đơn kiện của nguyên đơn.
Thuở sơ khai của Bitcoin, chẳng ai để ý gì đến danh tính của Nakamoto. Bitcoin vốn không có giá trị nội tại, và chỉ có một nhóm người đứng sau ủng hộ. Nakamoto đã tích cực phát triển nó trong vòng 2 năm, gửi thư đến rất nhiều nhà phát triển. Đến tháng 12/2010, Nakamoto đột nhiên biến mất. Và khi giá trị của đồng tiền này tăng khủng khiếp, người ta mới bắt đầu tò mò.
Số người có đủ nền tảng kỹ thuật để tạo ra Bitcoin không nhiều. Nhưng hầu hết những cái tên nổi tiếng trong làng mật mã đều chối bỏ việc mình là Nakamoto. Và cũng chẳng có bằng chứng nào cụ thể cho thấy điều đó.
Đến năm 2011, ông Kleiman lập ra một công ty tại Florida - W&K Info Defense Research. Gia đình ông khẳng định rằng công ty này là sự hợp tác với Wright, và ông Wright sau đó đã từng tìm cách sở hữu hoàn toàn công ty. Bên bị đơn thì nói rằng không có sự hợp tác nào cả.
Ngày 26/4/2013, Kleiman qua đời. 1 năm sau, tờ Newsweek ghi nhận một người đàn ông với họ giống như Satoshi - Dorian Nakamoto - chính là cha đẻ của Bitcoin. Người này phủ nhận, và một tài khoản được cho là Nakamoto "hàng real" cũng đúng ra xác nhận: "Tôi không phải Dorian Nakamoto." Đây cũng là tin nhắn được công khai gần nhất được xác thực là của Nakamoto.
Dorian Nakamoto - người từng được cho là Satoshi Nakamoto
Tháng 5/2016, ông Wright đứng ra nhận mình là người sáng lập ra Bitcoin. Ông đã gặp một vài người tiên phong trong làng tiền ảo, đứng ra trả lời phỏng vấn độc quyền với ít nhất 3 cơ quan truyền thông, và tạo ra một website với rất nhiều thông tin về tiền ảo và Bitcoin. Nhưng 3 ngày sau, trước làn sóng chỉ trích dữ dội, ông phải từ bỏ lời khẳng định này. Mọi thứ trên website đều bị gỡ bỏ, thay thế bằng một bức tâm thư xin lỗi dài 4 đoạn.
Có điều, liệu Wright hay Kleiman có đủ kiến thức để tạo ra tiền mã hóa hay không thì vẫn còn gây tranh cãi. Ông Wright đã từng "hack, lừa phỉnh mọi người" - theo Arthur van Pelt, nhà đầu tư Bitcoin và là một trong những người chỉ trích Wright nhiều nhất. "Không bằng chứng xác thực đáng tin nào cả."
Chuyên môn về máy tính của Kleiman thì được cho là rất rộng. "Có thể chính ông Kleiman là người tạo ra Bitcoin," - theo Emin Gun Sirer, nhà sáng lập ra Ava Labs. Tuy nhiên, không có thông tin nào chắc chắn cả.
Nguồn: WSJ