Vợ ngoại tình còn bản thân bị sát hại ngay khi vừa về Hy Lạp, số phận bi thảm của vua Agememnon chỉ là một phần trong chuỗi bi kịch của gia đình bị nguyền rủa
Người Hy Lạp cổ thường nói về Thời đại Anh hùng, khi các nymph và thần rừng satyr trú ngụ ở những ngọn núi cũng như thần thánh chơi đùa với người phàm. Trong số các thần thoại Hy Lạp kể về thời đại này, câu chuyện về dòng dõi Atreus có lẽ là phức tạp nhất. Tổ tiên của gia tộc, Tantalus, đã phạm phải tội ác chống lại các vị thần, khiến cho hậu duệ của ông ta vĩnh viễn phải gánh chịu lời nguyền. Một số người cho rằng câu chuyện về gia đình Atreus là ví dụ điển hình cho niềm tin của người Hy Lạp cổ vào việc tội lỗi có thể di truyền và vận xui của một người có thể bắt nguồn từ những tội lỗi của tổ tiên.
Vua Tantalus và tội tổ tông của nhà Atreus
Các vị thần rất yêu quý vua Tantalus, đến mức họ đồng ý đến nhà ông ta ăn tối. Nhưng ông vua lại ngấm ngầm bất kính với các vị thần. Tantalus sát hại con trai mình và đem thịt của nó làm tiệc thiết đãi những khách mời thần thánh của ông ta. Tuy nhiên, các vị thần Olympus không phải lũ ngốc. Họ hồi sinh cho cậu bé tội nghiệp và trừng phạt Tantalus bằng cách giam ông ta trong ngục Tartarus. Vị vua xấc xược phải đứng giữa một cái hồ mà mỗi khi ông ta cúi xuống uống thì nước sẽ bốc hơi. Phía trên đầu ông ta là cành cây nặng trĩu trái mà bất cứ lúc nào ông ta vươn lên định cắn một miếng thì gió sẽ thổi hất văng ra xa. Hình phạt của Tantalus đã trở thành nguồn gốc sâu xa cho từ tiếng Anh “tantalizing” (trêu ngươi).
Cậu con trai được hồi sinh của Tantalus, Pelops, vẫn được thờ cúng ở vùng hạ Hy Lạp, vùng đất được gọi là Peloponnese. Một số người tin rằng không phải Tantalus mà chính Pelops mới là người đã bắt đầu lời nguyền giáng xuống gia tộc vì cách chàng ta đã sử dụng để cưới được công chúa Hippodamia.
Truyền thuyết kể lại, cha của công chúa Hippodamia đã thách những người đến cầu hôn con gái ông tham gia một cuộc thi đánh xe. Nhà vua sở hữu những con ngựa tốt đến mức chúng giúp ông bất bại trước mọi đối thủ. Vì thế, để chiến thắng cuộc đua này, Pelops đã nhờ đến sự giúp sức của người đánh xe Myrtilus, khiến cho cỗ xe của nhà vua bị hỏng. Đổi lại, Pelops hứa hẹn sẽ cho Myrtilus hưởng đêm đầu tiên với Hippodamia. Tuy nhiên, khi đạt được chiến thắng và cưới công chúa, Pelops lại ra tay sát hại Myrtilus. Dù không rõ lời nguyền xuất phát từ việc Pelops giết Myrtilus hay từ việc Tantalus báng bổ thánh thần, nhưng sau đó dòng dõi của Pelops phải gánh chịu tấn bi kịch khủng khiếp.
Những bi kịch nối tiếp nhau
Nàng Niobe và mười bốn đứa con
Bi kịch bắt đầu với dòng dõi của Pelops khi người chị em của chàng là Niobe sinh được mười bốn đứa con. Trong khi dân chúng trong thành bắt đầu thờ cúng nữ thần Leto, Niobe lại không làm theo và yêu cầu người dân thờ cúng nàng thay vì nữ thần. Niobe nói rằng Leto chỉ có hai đứa con là Apollo và Artemis, trong khi nàng có đến mười bốn đứa. Vì thế mà nàng xứng đáng được thờ phụng hơn.
Thật không may, thần Apollo và nữ thần Artemis đã nghe được những lời khoe khoang của Niobe. Họ không hài lòng trước việc nàng ta xúc phạm nữ thần Leto. Hai vị thần đã dùng cung tên để bắn chết tất cả con trai và con gái của Niobe. Nhà thơ Ovid miêu tả nỗi đau của Niobe trong tác phẩm Metamorphoses:
Mất mát quá lớn, nàng ngồi giữa những thi thể, con trai và con gái,
Còn người chồng, và nàng hóa đá vì buồn đau.
- Metamorphoses VI.301-3
Niobe khóc cho đến khi hóa đá. Người ta nói rằng nàng đã hóa thành một vách đá với hai thác nước mãi tuôn đổ, nhưng nước mắt không bao giờ cạn.
Câu chuyện về Atreus và Thyestes
Pelops được kể là có hai con trai, Atreus và Thyestes. Atreus trở thành vua của Mycenae. Tuy nhiên, cậu em Thyestes lại phản bội anh trai bằng cách quyến rũ chị dâu. Để trả thù, Atreus đã sát hại các con của Thyestes và mời cậu em trai bất nghĩa của mình đến ăn tối. Khi Thyestes ăn xong, Atreus tiết lộ rằng hắn vừa mới ăn thịt con cái của hắn. Thyestes phải đợi đến thế hệ tiếp theo mới có thể trả thù được anh trai. Đứa con còn sống của hắn sẽ kết liễu mạng sống của con trai Atreus.
Những đứa con của Atreus
Các con của Atreus nổi danh khi tham gia cuộc chiến thành Troy. Họ là Agamemnon và Menelaus, các vị vua Hy Lạp đã kêu gọi một cuộc chiến với Troy sau khi hoàng tử Paris bỏ trốn cùng Helen, vợ của Menelaus.
Người Hy Lạp cho rằng họ gây chiến vì công lý, nhưng những ngọn gió lại không thuận để tàu chiến căng buồm ra khởi. Một tư tế đi cùng với đội quân đã nói rằng họ phải hiến tế con gái nhỏ của Agamemnon là nàng Iphigenia. Nhà vua cho gọi con gái của mình đến với với lời hứa hẹn sẽ cho nàng cưới người anh hùng Achilles, nhưng khi nàng đến nơi, bạn bè của nhà vua lại vậy lấy nàng và kết liễu mạng sống của nàng trên bàn tế. Nhà soạn kịch người Hy lạp Aeschylus viết:
Trước những lời khẩn cầu của nàng, trước tiếng khóc gọi “Cha!”
Và trước sinh mạng của thiếu nữ,
Những tướng lĩnh thèm khát chiến tranh chẳng hề bận tâm.
- Agamemnon 229-31, Aeschylus
Những cơn gió nổi lên và người Hy Lạp căng buồm đến Troy. Sau mười năm chinh chiến, họ san bằng thành Troy và cướp Helen về.
Agamemnon trở về nhà với chiến thắng và công chúa Cassandra của thành Troy, người không chỉ là một công chúa mà còn là một nhà tiên tri, nàng từng được ban tặng khả năng nhìn thấu tương lai của thần Apollo. Tuy nhiên, vì Cassandra từ chối tình yêu của Apollo nên vị thần đã nguyền rủa rằng nàng sẽ nhìn thấy được tương lai, nhưng không ai tin vào điều nàng thấy.
Khi trở về nhà, Agamemnon chào vợ mình, người chị em sinh đôi của nàng Helen, hoàng hậu Clytemnestra. Trong khi đó, Cassandra đứng ngay gần và tiên tri về cái chết sắp xảy đến của vị vua.
Agamemnon vừa trở về cung điện, hoàng hậu và người tình Aegisthus của nàng đã đâm chết nhà vua trong bồn tắm. Vụ sát hại là kết quả do ân oán của thế hệ trước để lại. Aegisthus là con trai của Thyeste, đã giết Agamemnon, con trai của Atreus. Câu chuyện này đã trở thành nguồn cảm hứng cho ba nhà soạn kịch vĩ đại của Hy Lạp là Aeschylus, Sophocles và Euripides.
Lời nguyền của gia tộc Atreus cho thấy sự pha trộn giữa thần thoại và lý trí của người Hy Lạp cổ đại
Vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, Hy Lạp có sự pha trộn giữa phép thuật và lý trí. Thần thoại về những nữ thần báo thù như Erinyes có rất nhiều, nhưng đều được làm dịu đi bằng mong mỏi về công lý và lý trí của người Hy Lạp. Dẫu vậy, họ cũng đồng thời giữ niềm tin vào việc tội lỗi của một thành viên trong gia đình có thể thừa hưởng từ tổ tiên. Quan niệm này được lặp lại một lần nữa qua câu chuyện về Oedipus, người đã mắc tội giết cha và cưới mẹ, khiến cho các con trai của ông ta sát hại lẫn nhau còn con gái thì bị chôn sống.
Niềm tin vào tội lỗi được thừa hưởng từ tổ tiên rất phổ biến, bởi các xã hội cổ xưa xem sự tốt đẹp của đơn vị gia đình xếp trên sự tốt đẹp của cá nhân; điều thuộc về một thành viên cũng sẽ thuộc về mỗi thành viên trong gia đình. Qua nhiều thế kỷ, xã hội chuyển sang tập trung nhiều hơn vào những nhu cầu và ham muốn của cá nhân, để rồi niềm tin vào tội tổ tông dần biến mất.