Mọi sai lầm đều phải trả một cái giá rất đắt và cộng đồng fan Nữ Hoàng Ai Cập ở Hàn Quốc đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ việc sao chép.
Nhắc đến những bộ manga đầu tiên tiếp cận với độc giả Việt Nam thì Nữ Hoàng Ai Cập là một trong những cái tên không thể bỏ sót. Bộ truyện xoay quanh nhân vật chính có tên là Carol Rido, một thiếu nữ người Mỹ tóc vàng, mắt xanh, con gái trong một gia đình triệu phú yêu thích khảo cổ học, đang là một sinh viên khoa khảo cổ tại Cairo. Khi gia đình cô nhận được bảo trợ cho chương trình khai quật và nghiên cứu lăng mộ một vị Pharaoh trẻ tuổi, lời nguyền từ vị vua của ngôi mộ đã giáng xuống gia đình cô. Lời nguyền ấy đưa cô ấy trở về thời Ai Cập cổ đại, nơi cô bị lôi kéo vào các vấn đề của Ai Cập và các quốc gia cổ đại khác như Assyria và Babylon.
Tại đây, cô gặp Memphis, một vị Pharaon trẻ tuổi dũng mãnh, là vị vua mà gia đình cô đã khai quật mộ ở thế giới hiện đại. Bất chấp sự bướng bỉnh, hung dữ và bản tính mạnh mẽ ban đầu của anh ta, giữa họ đã nảy sinh tình cảm và yêu nhau say đắm cùng nhau vượt qua rất nhiều thử thách. Điều này đã cho làm người chị cùng cha khác mẹ của Memphis, nữ hoàng Isis tức giận vì đã chờ đợi lâu để cưới Memphis. Carol cùng với kiến thức khoa học hiện đại của mình đã trở thành một nhân vật quan trọng trong lịch sử cổ đại.
Được xây dựng dựa trên bối cảnh giả tưởng, bộ truyện đã đưa chúng ta đến một nền văn hóa vốn được coi là đầy bí ẩn của nhân loại. Truyền thống văn hóa, nhân vật lịch sử, những mưu sâu kế hiểm độc đều được khắc họa rất sâu sắc và rõ nét. Đây được coi là nguồn kiến thức về Ai Cập cổ đại quý giá nếu bạn tò mò nhưng lại không thích đọc những cuốn sách toàn chữ khô khan. Bên cạnh đó với nội dung hấp dẫn, nét vẽ đẹp lung linh thì Nữ Hoàng Ai Cập đã chiếm được nhiều cảm tình của độc giả.
Chính vì vậy các fan hâm mộ đã vô cùng hoang mang khi hàng loạt "phake" Hàn Quốc đã sao chép huyền thoại này một cách trắng trợn cà công khai. Và mọi sai lầm dường như đều phải trả một cái giá đắt khi cộng đồng fan ở Hàn Quốc đang gánh chịu những hậu quả nặng nề từ việc sao chép, đạo nhái manga bừa bãi vào những năm 1980 khi các đơn vị xuất bản tham lam, tìm cách in lậu sách của họa sĩ Hosokawa Chieko. Đặc biệt, Nữ hoàng Ai Cập đã bị một nữ họa sĩ Hàn Quốc tên Yoo Hye Jung ăn cắp chất xám, đạo nhái với tốc độ chóng mặt bằng loạt phiên bản như Cô Gái Trên Sông Nile (1980), Nữ Thần Sông Nile (1981), River Nile Forever (1982) và Cô Gái Sông Nile (1992)…
Trong những bộ truyện fake nói trên, bìa sách giống hệt nguyên tác nhưng nội dung của bộ truyện đã bị cải biên, thay đổi hoàn toàn và ban biên tập còn thêm nhiều nhân vật phụ nhằm "câu khách". Thậm chí để đáp ứng nhu cầu của độc giả, NXB còn "hồn nhiên" tự chế kết thúc cho manga Nữ Hoàng Ai Cập bằng cách xuất bản hai cuốn tiểu thuyết mang tựa đề "Tình yêu nảy nở trên sông Nile" mà không có sự đồng ý của họa sĩ Hosokawa Chieko. Bên cạnh đó, có không ít "tân binh" ở ngành xuất bản Hàn Quốc đã sao chép ý tưởng lẫn thiết kế của manga Nữ Hoàng Ai Cập để vẽ thành truyện ngắn của họ.
Điều này đã khiến nữ họa sĩ và em gái của bà rất bức xúc, phẫn nộ khi biết bộ truyện của mình đã bị lậu ở Hàn Quốc và Đài Loan một cách tràn lan, thậm chí bìa sách lậu còn xuất hiện trên sóng truyền hình. Do đó họ quyết định không bán bản quyền manga này cho hai đối tác trên.
Và cho tới năm 2011, các đơn vị xuất bản đã thuyết phục được họa sĩ Hosokawa Chieko bán bản quyền và mở ra tương lai đầy triển vọng cho fan. Ở Đài Loan, việc mua bản quyền manga Nữ Hoàng Ai Cập thành công còn lên sóng truyền hình. Ngược lại, người hâm mộ Hàn Quốc đã không gặp may mắn khi NXB cũ đã phát hành dở dang ở tập thứ 25 (phiên bản deluxe) vào năm 2016. Hiện tại phía Hàn Quốc vẫn chưa có kế hoạch xuất bản tập mới, trong khi đó một đơn vị khác là NXB Haksan đã mua bản quyền ebook của Nữ Hoàng Ai Cập, bắt đầu phát hành các tập đầu tiên trên hệ thống sách điện tử vào năm 2020.
Còn tại Việt Nam, dù sức hút không còn như xưa nhưng bộ truyện vẫn là một phần ký ức tuổi thơ không thể nào quên. Và tất nhiên truyện phát hành ở Việt Nam không giống ở Hàn Quốc hay Đài Loan khi được giữ nguyên tựa Nữ hoàng Ai Cập cũng như nội dung gốc dịch ra tiếng Việt chứ không có những phiên bản "Cô gái sông Nile" hay "Nữ thần sông Nile" nào.