Lú não với giả thuyết "ma trận" trong ma trận: Không có sự hồi sinh nào cả, The Matrix (1999) thực chất chỉ là 1 bộ phim trong The Matrix: Resurrections

 

Giả thuyết này đồng nghĩa với việc tất cả những gì diễn ra trong 3 phần phim The Matrix trước đây chỉ là 1 bộ phim do "Neo" thủ vai chính mà thôi, còn hành trình tìm ra sự thật về thế giới ma trận sẽ chính thức bắt đầu trong Resurrections.

    Sau gần 2 thập kỷ, The Matrix bất ngờ trở lại với dự án mới có tên Resurrections, dự kiến sẽ công chiếu vào ngày 22/12 năm nay. Một lần nữa, người hâm mộ sẽ được gặp lại loạt nhân vật quen thuộc như Neo hay Trinity trên màn ảnh lớn, bất chấp việc họ đã hi sinh trong phần phim trước đây. Điều đó khiến fan đặt ra không ít giả thuyết xoay quanh sự hồi sinh đột ngột này, bao gồm cả những ý tưởng “điên rồ” nhất như: Sẽ ra sao nếu tất cả những gì xảy ra trước đây chỉ là một bộ phim được phát sóng trong vũ trụ Matrix, còn phần Resurrections mới là khởi đầu thực sự cho hành trình tìm ra sự thật của Neo?

    Nghe thì có vẻ hơi phức tạp, nhưng chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem giả thuyết này hợp lý đến mức độ nào nhé.

    The Matrix: Resurrections không ăn khớp với cái kết của bộ 3 phim Ma Trận trước đây

    Lú não với giả thuyết ma trận trong ma trận: Không có sự hồi sinh nào cả, The Matrix (1999) thực chất chỉ là 1 bộ phim trong The Matrix: Resurrections - Ảnh 1.

    Nếu chỉ dựa vào đoạn trailer mà Warner Bros. mới công bố cách đây không lâu, thật khó để chúng ta có thể liên kết được Resurrections với những phần phim trước của The Matrix, đặc biệt là sau cái kết của phần Revolutions. Không hề có bất cứ dấu hiệu nào về cuộc chiến giữa con người và máy móc, Neo cũng như các nhân vật quen thuộc khác đều hành động khác thường, không giống như những gì khán giả đã được chứng kiến trước đây.

    Chưa hết, bản tóm tắt nội dung chính thức của The Matrix: Resurrections có mô tả bộ phim này “là câu chuyện tiếp nối với những gì đã diễn ra trong phần Matrix đầu tiên”, tuyệt nhiên không hề đề cập đến 2 phần Reloaded và Revolutions. Sẽ ra sao nếu đạo diễn/biên kịch Lana Wachowski không hài lòng với cái kết gốc của loạt phim Ma Trận, và quyết định “đập đi xây lại” toàn bộ trong Resurrections?

    Đa số các phân tích hiện nay đều cho rằng phần phim thứ 4 sẽ là hậu truyện của bộ trilogy ra mắt vào đầu những năm 2000, với sự tái sinh của Neo cũng như 1 số nhân vật khác để bắt đầu một cuộc chiến mới với lũ máy móc. Tuy nhiên, với 1 tác phẩm sci-fi khá hack não như The Matrix, không có gì ngạc nhiên nếu Wachowski quyết định “bẻ lái”, loại bỏ hết những gì đã diễn ra trong Reloaded và Revolutions, biến Resurrections thành phần hậu truyện tiếp nối ngay sau phần phim The Matrix đầu tiên.

    Đó chính là tiền đề để giả thuyết trên đây ra đời.

    "Ma Trận" trong Ma Trận: The Matrix (1999) thực chất là một bộ phim trong vũ trụ Ma Trận, do Neo và Trinity thủ vai chính

    Lú não với giả thuyết ma trận trong ma trận: Không có sự hồi sinh nào cả, The Matrix (1999) thực chất chỉ là 1 bộ phim trong The Matrix: Resurrections - Ảnh 2.

    Để lý giải cho giả thuyết này, đầu tiên chúng ta cần xem xét đến bối cảnh phim: The Matrix: Resurrections diễn ra vào năm 2021, khi mà bộ phim “The Matrix” đã trở thành một biểu tượng quen thuộc trong nền văn hóa đại chúng. Hãy tưởng tượng trong thế giới của Resurrections cũng tồn tại 1 bộ phim như vậy, với kịch bản tương tự và được rất nhiều người yêu mến.

    Diễn viên chính của bộ phim này là Thomas, hay chính là Neo. Cái tên gợi nhớ đến thân phận của anh trước khi thoát khỏi Ma Trận trong phần phim đầu tiên - Thomas Anderson. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng đoạn trailer không hề nêu rõ họ của nhân vật này, và chúng ta chỉ biết anh có tên Thomas mà thôi. Nếu phân tích kỹ, bạn sẽ thấy 2 Thomas này có khá ít điểm chung về mặt tính cách: Thomas Anderson là một nhân viên văn phòng bình thường, đam mê lập trình, máy tính, sống trong một căn hộ tồi tàn và thường xuyên đi “hack dạo” để kiếm thêm thu nhập. Trong khi đó, chàng Thomas trong Resurrections lại sở hữu một căn hộ sang trọng, hiện đại, thường xuyên đi lại ngoài đường thay vì dán mắt vào màn hình máy tính 24/7.

    Rất có thể Thomas này là một diễn viên đã thành công với vai diễn “Thomas Anderson” trong bộ phim The Matrix. Nhờ đó, sự nghiệp của anh lên như diều gặp gió, giúp anh có nguồn thu nhập dồi dào, đủ để chi trả cho căn hộ cao cấp, quần áo đắt tiền và cả những buổi điều trị tâm lý với bác sĩ chuyên nghiệp.

    Nhân vật do Carrie-Anne Moss thủ vai (chúng ta vẫn tưởng là Trinity nhưng thực tế vẫn chưa được xác định danh tính trong đoạn trailer) thực chất là bạn diễn của Thomas trong bộ phim The Matrix. Nhiều năm trôi qua, cả 2 không hề hợp tác thêm lần nào và cũng ít có dịp gặp nhau, hoặc có thể sự nghiệp của hai người đi theo 2 chiều hướng trái ngược. Điều đó khiến họ cảm thấy ngờ ngợ khi bất ngờ hội ngộ trong quán cafe ven đường nhưng không thể nhận ra người bạn diễn ăn ý của mình từ 2 thập kỷ trước.

    Tại sao Laurence Fishburne không trở lại với vai diễn Morpheus?

    Lú não với giả thuyết ma trận trong ma trận: Không có sự hồi sinh nào cả, The Matrix (1999) thực chất chỉ là 1 bộ phim trong The Matrix: Resurrections - Ảnh 3.

    Dựa vào những gì chúng ta đã phân tích trên đây, Resurrections có thể sẽ có nội dung như sau: Kể từ sau khi tham gia bộ phim The Matrix, Thomas liên tục bị ám ảnh về ý tưởng ma trận và tỏ ra nghi ngờ về bản chất thật sự của thế giới. Nói 1 cách dễ hiểu, anh bắt đầu tin rằng những gì diễn ra trong phim đều hoàn toàn có thực. Những suy nghĩ viển vông đó khiến anh phải đến gặp bác sĩ tâm lý để điều trị, thậm chí còn tự cho rằng bản thân mình đã phát điên. Tuy nhiên, sau khi đi theo “con thỏ trắng” (trong đoạn trailer), Thomas đã tìm ra những người đến từ thế giới thực, những người có thể giúp anh thức tỉnh, trong đó bao gồm cả Morpheus.

    Điều này sẽ lý giải vì sao đội ngũ sản xuất lại quyết định thay diễn viên cho vai Morpheus. Laurence Fishburne thực chất cũng là bạn diễn của Thomas trong bộ phim The Matrix mà thôi, còn Yahya Abdul-Mateen II mới là Morpheus thực sự. Ngoài ra, nhân vật kỳ lạ với mái tóc màu xanh, do Jessica Henwick thủ vai, đóng vai trò tương tự như Trinity trong phần phim đầu tiên. Cô là người dẫn dắt Thomas đến với Morpheus, đồng thời cũng có màn combat ấn tượng với lũ Agents trong quá trình làm nhiệm vụ này. Tương tự, có thể Henwick mới là Trinity thật, chứ không phải Carrie-Anne Moss.

    Những phân cảnh từ các bộ phim trước đây thực chất là ký ức của Thomas trong quá trình ghi hình cho The Matrix

    Lú não với giả thuyết ma trận trong ma trận: Không có sự hồi sinh nào cả, The Matrix (1999) thực chất chỉ là 1 bộ phim trong The Matrix: Resurrections - Ảnh 4.

    Đoạn trailer của Resurrections còn cho thấy bộ phim này sẽ tái sử dụng rất nhiều cảnh quay trong The Matrix (1999) như một phần hồi ức của Thomas. Tuy nhiên, nếu dựa vào giả thuyết trên đây, đó có thể là những kỷ niệm mà anh đã trải qua trên phim trường và trong quá trình bấm máy bộ phim này - một trong những tác phẩm đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của Thomas.

    Kể từ khi bắt đầu nghi ngờ về bản chất thật sự của thế giới, Thomas đã rà soát lại toàn bộ nội dung bộ phim và những gì mà chính bản thân anh đã trải nghiệm khi ghi hình. Anh muốn kết nối toàn bộ những manh mối mà bản thân đã thu thập được để vạch trần sự thật, thay vì chấp nhận bản thân gặp phải vấn đề về tâm lý như bác sĩ kết luận. Thomas sẽ cho “chiếu” lại một vài cảnh phim trong suy nghĩ của mình, đó là vì sao những cảnh này lại mang phong cách của một bộ tài liệu hậu trường hơn là một sản phẩm đã được hậu kỳ đầy đủ.

    >

    Tìm kiếm Blog này

    Được tạo bởi Blogger.

    Nhãn