Có người còn kiếm "khủng" hơn, lên tới tận 100.000 tệ/tháng (khoảng 354 triệu đồng).
Bất cứ ai cũng có cả mớ việc lặt và lặt vặt phải làm mỗi ngày. Tuy nhiên, kiếm tiền bằng cách gọi điện nhắc nhở người khác đã đến giờ làm việc vặt thì có lẽ chỉ có ở Gen Z Trung Quốc.
Dịch vụ khác thường giữa thời đại công nghệ
Vào năm 2018, Yu Benqin (21 tuổi) đậu vào ĐH Ôn Châu, Chiết Giang. Thay vì đến giảng đường, anh liên tục lỡ giờ vào học vì "tội" đâm đầu chơi game đến tận 3 – 4h sáng.
Chuyên ngành của Benqin là kỹ thuật mạng. Anh không lạ gì các phương pháp hẹn giờ, đặt báo thức nhưng chẳng cái nào có tác dụng. Cuối cùng, Benqin phải nhờ bạn cùng phòng đánh thức. Đổi lại, anh cũng sẽ phụ trách đánh thức bạn đúng giờ mỗi khi người này cần.
Thức khuya chơi game là "tật" chung của nhiều sinh viên
Nhờ hợp tác gọi nhau dậy, Benqin và bạn cùng phòng không còn trễ giờ lên lớp. Có điều, chỉ đi học đúng giờ là chưa đủ. Benqin sớm nhận thấy anh còn phải tốn rất nhiều thời gian để theo kịp bài vở. Mỗi khi quá tập trung ôn tập, Benqin lại quên mất các việc khác cũng phải làm.
Không thể để bản thân cứ quên trước quên sau mãi, Benqin lên mạng internet, tìm kiếm các giải pháp. Anh vô tình thấy quảng cáo "người giám sát", hứa hẹn gọi điện nhắc nhở thời gian biểu đúng giờ.
Vào thời điểm này, các trang thương mại điện tử Trung Quốc mới chỉ có lác đác vài "cửa hàng online" cung cấp dịch vụ người giám sát. Chớp cơ hội, Benqin tự tạo tài khoản trên Taobao. Anh "tuyển dụng" cả chục bạn sinh viên cùng trường, thành lập "đội nhắc nhở thời gian biểu".
Dịch vụ nhắc nhở online phụ trách gọi báo đúng giờ
"Đội" của Benqin nêu cao mục đích "thúc đẩy mọi người hoàn thành công việc". Họ nhận bất cứ yêu cầu nhắc nhở thời gian nào, từ bất cứ ai. Chỉ cần khách hàng đăng ký và gửi thời gian biểu cho Benqin, anh sẽ phụ trách gọi điện nhắc đúng giờ, đúng việc, thậm chí còn đốc thúc và kiểm tra kết quả.
Tiền nào của nấy
Chỉ 2 năm sau ngày thành lập, "cửa hành nhắc nhở online" của Benqin đã đem về cho chính chủ thu nhập 100.000 nhân dân tệ/tháng (354 triệu đồng). Anh mạnh tay mở thêm 2 tài khoản dịch vụ nữa và 1 trong số 2 cửa hàng này còn đem về thu nhập trên 4000 tệ/ngày (hơn 14,2 triệu đồng).
"Tài khoản dịch vụ nhắc nhở vốn không có lợi thế cạnh tranh," – Benqin giải thích. "Vì thế, cách duy nhất kéo thêm khách là mở thêm tài khoản và thuê thêm nhân viên". Ở thời kỳ đỉnh cao, Benqin có dưới tay tận 1000 nhân viên giám sát. Mỗi ngày, anh phải lọc đến 400 đơn xin việc.
Ở cấp độ cơ bản, người giám sát chỉ gọi điện nhắc đã đến giờ
Đối với công việc nhắc nhở online, Benqin chia thành 2 cấp độ là cơ bản và nâng cao, thu phí khác nhau. Mức độ cơ bản có phí 133 tệ/khách hàng/tháng (khoảng 470.000 đồng). Nó chỉ bao gồm nhận thời gian biểu và gọi nhắc đã đến giờ chính xác.
Mức độ chuyên sâu thì có phí cao gấp 3 lần. Đó là 400 tệ/khách hàng/tháng (khoảng 1,4 triệu đồng). Ở mức độ này, nhân viên của Benqin không chỉ gọi điện nhắc thời gian biểu đúng giờ mà còn như thể đồng hành với khách. Họ kiểm tra tiến trình và kết quả công việc, đưa ra lời khen ngợi hoặc nhắc nhở, giúp khách hàng thay đổi thói quen quên trước quên sau, thậm chí đạt các thành tựu quan trọng.
Ở mức độ chuyên sâu, người giám sát theo dõi sát sao tiến trình, kiểm tra kết quả
Vừa kiếm tiền, vừa kiếm thêm cả bạn lẫn niềm tin yêu cuộc sống
Khách hàng của dịch vụ nhắc nhở thời gian biểu rất đa dạng. Họ bao gồm từ trẻ em mới 5 – 6 tuổi đến cả người đã ngoài 50. Tuy nhiên, hầu hết các "boss" làm dịch vụ này cùng nhân viên thì trong độ tuổi 20. Ngoài ra, đa phần "người giám sát" còn là các bạn trẻ thuộc Gen Z (1996 – 2012).
"Nếu có 100 đơn xin việc thì đến 98 là nữ giới," - Zhu Hecun (21 tuổi), một "ông chủ" của dịch vụ nhắc nhở thời gian biểu đã hoạt động trước Benqin 3 năm cho biết. "2 người còn lại cũng sẽ sớm bỏ việc, nên thành ra các nhân viên giám sát chỉ toàn phụ nữ thôi/"
Đa phần các "giám sát viên" là chị em Gen Z và họ cũng chỉ tranh thủ làm bán thời gian
Các "nữ giám sát" này thường là sinh viên hoặc sinh viên mới ra trường, có chút thời gian rảnh rỗi và muốn tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Mặc dù nhắc nhở thời gian biểu là công việc bán thời gian đơn giản, nhưng không phải ai cũng có duyên bám trụ lâu dài.
"Chúng tôi chỉ đóng vai trò là người nhắc nhở, khuyến khích mà thôi," – Songsong, sinh viên ĐH Thành Đô kiêm nhân viên giám sát bán thời gian chia sẻ. Vốn dĩ, khách hàng của dịch vụ giám sát online là những người quá bận rộn hoặc quá lười. Họ không quản hết được các công việc cần phải làm hoặc biếng nhác, chẳng chịu làm. Vì thế, họ mới cần có người nhắc nhở.
Lấy ví dụ khách hàng là sinh viên ĐH Giao thông Thượng Hải của Songsong. Cô thường xuyên thức khuya và ngủ nướng vô tội vạ, phải nhờ dịch vụ nhắc nhở cải thiện bản thân. Sau vài ngày quan sát, Songsong thẳng thắn khuyên khách nên sống có kỷ luật hơn. Cô kiên nhẫn và chịu đựng sự cáu giận của khách, dần dà hướng nữ sinh này vào cuộc sống có tổ chức.
Nhờ có nhắc nhở online, nhiều người dễ dàng quản lý thời gian biểu, hình thành thói quen tự giác
"Bây giờ, cô ấy không còn ngủ đến tận trưa và đã bỏ được nhiều tật xấu," – Songsong tự hào. Trung bình 1 tháng, Songsong phụ trách khoảng 30 – 40 khách hàng, thu nhập từ 2000 – 3000 tệ (khoảng 7 – 10 triệu đồng).
"Với tôi, giám sát online là công việc ý nghĩa," – Songsong tâm sự. "Khi một người đặt thời gian biểu vào tay tôi, điều đó cũng có nghĩa họ đặt niềm tin vào tôi và tôi có trách nhiệm gánh vác một phần mong mỏi thay đổi bản thân của họ". Thấy khách hàng thành công, Songsong hạnh phúc như chính mình thành công. Mỗi một sự thay đổi tích cực, dù là nhỏ bé từ họ cũng khiến cô cảm động.
"Tôi tính ít nhất cũng vẫn làm người giám sát trong vòng 1 năm nữa," – Songsong quyết tâm. "Nhờ công việc này, tôi ngày càng kiên nhẫn và dũng cảm hơn, mạnh mẽ đối mặt với mọi thứ. Trên tất cả, tôi đã kiếm được tiền từ chính sự nỗ lực của bản thân".
Tham khảo Sixthtone