Faker lại tiếp tục khiến người ta phải nhắc đến anh với màn trình diễn tuyệt vời trong chiến thắng của T1.
T1 đã trải qua chuỗi 3 trận thắng liên tiếp, đây là một kết quả "hết sức bình thường" nếu so với những đội top trên như Nongshim RedForce hay Gen.G Esports. Nhưng đối với Faker và các đồng đội, chuỗi thành tích này lại mang rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt là khi bại tướng của họ đều là những cái tên có số có má ở LCK.
Lần lượt là KT Rolster, DWG KIA rồi đến Afreeca Freecs, nếu là T1 dưới thời Daeny, có lẽ việc giành chiến thắng trước cả 3 đối thủ này chỉ là câu chuyện si tâm mộng tưởng. Vậy lý do gì đã khiến một đội tuyển thay tướng giữa dòng như T1 bỗng dưng lột xác thành "kẻ diệt khổng lồ" ở thời điểm hiện tại?
AF vs T1 Highlights Game 1 LCK Summer Season 2021 W7D1 Afreeca Freecs vs T1 by Onivia
AF vs T1 Highlights Game 2 LCK Summer Season 2021 W7D1 Afreeca Freecs vs T1 by Onivia
AF vs T1 Highlights Game 3 LCK Summer Season 2021 W7D1 Afreeca Freecs vs T1 by Onivia
Đầu tiên vẫn cứ phải nhắc đến sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện. Cựu HLV trưởng Daeny hẳn cũng có cái lý của riêng mình khi đòi hỏi T1 áp dụng lối chơi kéo late thụ động, nhưng tất cả những gì mà giới chuyên môn nhìn thấy chỉ là cái lý này sai hoàn toàn. Chưa kể đến việc vị HLV này còn thường xuyên gây áp lực lên các học trò trên truyền thông, thì việc "bay ghế" của Daeny là một điều gì đó "hiển nhiên phải đến", dù chưa từng có tiền lệ trước đây.
Thời hậu Daeny, T1 dĩ nhiên cũng dẹp cái trò đánh hòa kéo late sang một bên, và quay trở lại lối chơi kiểm soát chủ động trứ danh của mình. Nhưng quan trọng hơn cả là áp lực tâm lý của các tuyển thủ đã hoàn toàn được gỡ bỏ. Họ không còn phải nơm nớp lo sợ bị cho dự bị hay bị bêu tên trên báo chí từ chính HLV của mình mỗi khi mắc sai lầm nữa. Và vì vậy, những tuyển thủ này lại được dịp "bung lụa" để thể hiện hết tố chất của mình.
Từ đầu mùa 2021 đến hiện tại, Keria là cái tên thi đấu ổn định nhất của T1, thế nhưng anh chàng hỗ trợ này dường như chỉ có dịp thể hiện đúng thiên phú gánh team của mình khi đánh cặp cùng Gumayusi. So với Teddy, Gumayusi thể hiện khả năng đi đường tốt hơn hẳn. Nếu Teddy thiên về kỹ năng farm lính trứ danh, thì Gumayusi lại chịu khó trao đổi máu với đối phương hơn, và điều này lại rất hợp ý với Keria - Một mẫu hỗ trợ thiết lập giao tranh điển hình.
LS phân tích về màn trình diễn của bộ đôi Gumayusi - Keria trong ván 2: Áp lực đè đường cực kỳ khủng khiếp khiến bộ đôi bên phía AF phát động phản công một cách đầy cẩu thả và vô vọng
Ở ván 2 trận đấu với AF, người ta đã chứng kiến cặp đôi đường dưới của T1 đè nén đối thủ đến không thở nổi. Gumayusi thậm chí đã farm gấp đôi xạ thủ đối phương khi trận đấu chưa bước sang phút thứ 8.
Dù màn đè đường áp đảo này vô tình dẫn đến việc bộ đôi AD - SP của T1 lân la lên đường trên để roam và... mất mạng, gián tiếp khiến T1 thua trận, nhưng điều đó đã cho thấy một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự lột xác của T1: Đường dưới của họ đang trở nên cực kỳ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nguyên nhân thứ 2 mới là điều quan trọng nhất, và là điều không thể chối cãi: Tầm ảnh hưởng của Faker. Đội trưởng T1 đã từng bày tỏ sự bất mãn với HLV Daeny vì yêu cầu đánh late-game, và mặc kệ ai nói anh "phản thầy", thực tế đã chứng minh sự bất mãn của Faker là chính xác.
HLV Daeny ra đi, Ban huấn luyện của T1 không còn can thiệp nhiều với việc triển khai lối chơi của cả đội. Nhiệm vụ "call team" chỉ phụ thuộc vào 2 cái tên Faker và Keria, trong đó Faker là "đạo diễn". Cũng trong tình huống mà LS nhắc đến, thì một trong những lý do khiến pha phản công của Leo và Lehends bên phía AF thất bại, chính là vì Zoe của Fly bị Faker kèm rất chặt ở đường giữa.
Ngay cả khi đường dưới farm thua hơn 40 lính và bị ép vào trụ, AF cũng không thể đưa ra phương án phản công hiệu quả, khi chỉ có Xin Zhao là hỗ trợ được khu vực này.
Trong mùa giải này, dù mắc khá nhiều lỗi cá nhân, nhưng thực tế là người ta vẫn rất hiếm khi chứng kiến Faker thua đường. Ngay cả trước Gori - Người đã đánh bại Quỷ Vương tới 2 lần, thì những sai lầm từ tình huống solo-kill mới là thứ khiến Faker thất thế, còn Gori cũng không mấy khi gây được sức ép lớn đến mức khiến đường giữa của T1 bị phế hoàn toàn.
Đối với một tuyển thủ mà sự nghiệp đã bước sang xế chiều như Faker, những nỗ lực này của anh thực sự đáng nể phục. Không chỉ dừng lại ở vai trò cá nhân, Faker còn tiếp tục chứng minh tầm ảnh hưởng khi đảm nhận nhiệm vụ call team.
Trong vài tuần ngắn ngủi, Faker đã đưa ra những chỉ đạo mang tính bước ngoặt, trực tiếp mang lại thắng lợi cho T1. Từ tình huống bỏ Baron đẩy nhà ở trận gặp GEN, cho đến pha kêu gọi bỏ rồng đẩy đường ở trận gặp AF để gia tăng áp lực lính và giành quyền kiểm soát tầm nhìn.
Faker có thể đã già, nhưng rõ ràng chưa thể hết thời. Ngay cả khi T1 tiếp tục trắng tay ở mùa này, thì dấu ấn mà đội trưởng của họ để lại vẫn rất lớn. Dù giải đấu chưa đi đến chặng cuối, nhưng hiện tại, Faker đang lại người chơi sở hữu số điểm MVP cao nhất của T1.
Thậm chí, theo tiết lộ từ truyền thông, cá nhân Faker giờ đây còn kiêm luôn vai trò của một phân tích viên, khi chính anh là người chịu trách nhiệm mổ băng và nghiên cứu lối chơi của đối thủ trước các trận đấu, để rồi sau đó đưa ra những gợi ý chiến thuật phù hợp, nhờ vào kinh nghiệm thi đấu phong phú của mình.
Những con số thống kê lẫn thông tin bên lề đều đang minh chứng cho sự tác động tích cực của Faker lên lối chơi cũng như thành tích của T1. Và dù muốn hay không, thì người ta vẫn phải thừa nhận rằng T1 sẽ khó mà sống khỏe nếu thiếu Faker.
Faker và Gumayusi hủy diệt AF trong tình huống giao tranh quyết định