Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về top 8 thủ thuật làm người chơi khiếp sợ, hãi hùng nhất của game kinh dị.
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao game kinh dị lại có thể... kinh dị đến thế không? Để làm được điều đó, các nhà phát triển không chỉ đơn giản là nhồi hết những thứ mà họ cho là đáng sợ vào game. Họ có những thủ thuật tâm lý cực kỳ tinh vi và kết hợp chúng một cách tài tình chỉ với một mục tiêu duy nhất là làm người chơi… run cầm cập.
Sau đây là top 8 thủ thuật kinh điển nhất của game kinh dị, mời các bạn xem qua để có gì chơi cho nó đỡ bỡ ngỡ.
Tầm nhìn nhân vật bị giới hạnĐối đầu với những con quái vật xuất hiện sừng sững trước mặt đôi khi lại chẳng sợ hãi bằng việc lo lắng cái lũ luôn lẩn trốn trong bóng tối, sẵn sàng nhào ra...
Bởi con người luôn sợ hãi những thứ mà chúng ta không biết, vì vậy càng âm u, khó nhìn kèm âm thanh sột soạt của cỏ cây thì đảm bảo là... thôi rồi!
Các nhà làm game sẽ tận dụng tối đa việc giảm tầm nhìn bằng cách hạn chế góc quay camera của người chơi. Một ví dụ dễ thấy nhất đó chính là các tựa game Silent Hill và Resident Evil, góc quay camera của nhân vật bị cố định ở một chỗ. Chính điều này đã khiến cho gamer cả ngày ấy lẫn bây giờ đều cảm thấy khó chịu và nơm nớp sợ hãi vì không biết cái gì sẽ nhảy xổ ra mỗi lần góc quay thay đổi.
Còn đối với các tựa game kinh dị ngày nay thì nhà phát triển sẽ cho bạn cầm một cái đèn pin hoặc một cái máy ảnh có khả năng hết pin. Môi trường xung quanh cũng bị làm tối đi để khiến cho bạn phải lệ thuộc chủ yếu vào ánh sáng của các thiết bị đang cầm trên tay.
Và đương nhiên, chẳng điều gì đáng sợ hơn việc bạn bị bỏ lại trong một bệnh viện bỏ hoang tối tăm với một chiếc đèn pin yếu ớt sắp tắt.
Nghệ thuật tạo ra âm thanh của những nỗi sợ
Đối với một bộ phim kinh dị, âm thanh là một yếu tố vô cùng quan trọng bởi vì nó quyết định phần lớn cảm giác của người xem. Việc bạn phải vặn nhỏ âm lượng video lại để xem cho đỡ run là một minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Tương tự như vậy đối với các tựa game kinh dị, chỉ có điều là âm thanh trong game sẽ không bị cố định như phim mà nó sẽ thay đổi linh hoạt theo tình huống hiện tại của người chơi.
Chẳng hạn như trong tựa game Resident Evil 2 Remake, các bạn có thể nghe thấy tiếng chân của Mr.X càng ngày càng to khi hắn đến gần bạn, và âm nhạc cũng sẽ nổi lên như một dấu hiệu thông báo rằng "chạy ngay đi".
Đương nhiên, những lúc như thế thì người chơi sẽ cuống lên và bắt đầu tìm chỗ mà trốn chứ ít khi nào còn đủ bình tĩnh đứng lại để chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Trừ khi bạn đang cầm trong tay một quả cối, hoặc một khẩu súng bắn lựu.
Ngoài âm nhạc ra thì một số game còn tận dụng âm thanh của các tiếng âm báo để tăng dần nỗi sợ của người chơi. Chẳng hạn như trong tựa game Alien: Isolation, bạn sẽ phải dựa vào tiếng beep của thiết bị theo dõi chuyển động để biết được rằng con Xenomorph đang ở đâu trên trạm không gian.
Và một khi tiếng beep này càng ngày càng to dần và dồn dập hơn thì sẽ càng khiến bạn cảm thấy "nổi hết da gà".
Hãy chạy đi, đừng chống trảCác tựa game kinh dị ngày trước hầu như đều rất "hào phóng" khi cho game thủ cơ hội chống trả kẻ thù, bằng cách cung cấp một số vũ khí trên đường đi. Tuy nhiên, các tựa game như Amnesia, Outlast hoặc các tựa game kinh dị mới hiện nay hầu như không khoan dung cho game thủ như thế.
Họ sẽ cho người chơi một lựa chọn duy nhất đó là vắt chân lên cổ mà chạy khỏi những con trùm lực lưỡng hoặc ghê tởm.
Việc bạn không thể chiến đấu mà chỉ có thể chạy, chạy và chạy tạo một cảm giác bất lực vô cùng. Đó là còn chưa kể một số game sẽ có những pha rượt đuổi không chỉ căng thẳng mà còn kéo dài dai dẳng nữa.
Đương nhiên game sẽ không để bạn chỉ có chuồn không thôi đâu, mà còn bắt bạn vừa phải hoàn thành nhiệm vụ được giao trong lúc chạy trốn.
Nhà làm game chơi đùa với những dự đoán của bạn
Kể cả khi bạn là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực game kinh dị, biết hết các mánh khóe hù dọa từ căn bản cho tới cao cấp, thì cứ yên tâm đi, nhà làm game sẽ luôn biết làm thế nào để khiến cho bạn sợ hãi. Bằng cách... chơi đùa với những dự đoán và cảm tính của bạn.
Nghe có vẻ khó tin? Thế thì mình sẽ lấy tựa game kinh dị Outlast làm ví dụ nhé. Trong những khung cảnh đầu tiên khi bạn bước vào khu bệnh viện tâm thần, bạn sẽ thấy một bệnh nhân ngồi trên chiếc xe lăn chắn ngang đường đi. Theo lẽ thông thường, ai nhìn vô cũng sẽ rằng khi mình cố gắng lách qua thì chắc chắn sẽ có một điều gì đó xảy ra, chẳng hạn như người bệnh nhân đó tự nhiên chồm dậy chẳng hạn. Tuy nhiên, đáng tiếc thay là chẳng có chuyện gì xảy ra cả, mọi thứ vẫn bình thường như cơm đường hộp sữa.
Sau khi bạn hoàn thành xong nhiệm vụ được giao, một lần nữa bạn sẽ phải đi lách qua người bệnh nhân ngồi xe lăn một lần nữa. Tưởng mọi thứ sẽ yên bình như lần đầu, nhưng không, lần này anh ấy lại nhảy xổ vào bạn. Và chắc chắn điều này không ít thì nhiều cũng sẽ khiến người chơi giật mình.
Điều này càng chứng tỏ một điều rằng nhà làm game đang chơi đùa với những dự đoán hiện ra trong đầu bạn. Những phân cảnh bình yên được tạo ra chỉ để đánh lừa game thủ đang trong chế độ cảnh giác mà thôi.