Game thủ Việt có một vũ khí lợi hại mà họ luôn có quyền chủ động sử dụng, đó chính là rate 1 sao, thứ đã trở thành một văn hóa “xấu” của cộng đồng game thủ nước nhà.
Điều đầu tiên cần phải khẳng định, game thủ là những người có quyền bình phẩm, nhận xét, phê bình và đương nhiên là toàn quyền rate (đánh giá) một tựa game hay ứng dụng đó xứng đáng được bao nhiêu sao trên các kho ứng dụng. Tuy nhiên, bao nhiêu trong số đó được sử dụng một cách khách quan kèm thêm một chút “bao dung” thì khó ai có thể trả lời được.
Hiện trạng "kéo rate 1 sao", nỗi sợ vô hình của các NPH
Đối với NPH, ứng dụng bị kéo rate 1 sao là điều mà bất kỳ công ty phát hành game nào cũng đều cảm thấy sợ hãi. Bởi họ mất bao công sức để đưa một sản phẩm lên trên kho ứng dụng App Store và Google Play, phải trải qua rất nhiều vòng kiểm duyệt, review từ phía Apple và Google thì một ứng dụng mới có thể xuất hiện để game thủ tải về.
Nhưng chỉ cần một trào lưu kêu gọi tẩy chay, chung sức rate 1 sao từ người dùng là tất cả sẽ đổ sông đổ bể, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp tục được cập nhật các phiên bản mới sau này. Tất nhiên, ứng dụng hay game bị lỗi chính là yếu tố khiến cho người chơi quyết định để lại 1 sao một cách lạnh lùng và dứt khoát. NPH thật khó để đòi hỏi sự kiên nhẫn và bao dung đến từ tất cả game thủ, đó là những thứ xa xỉ trong bối cảnh sự phát triển của game trở nên rầm rộ vài năm trở lại đây.
Nếu như ngày trước, game chỉ đơn thuần phát hành trên nền tảng PC, nơi mà game thủ thường không có một công cụ để bình phẩm và đánh giá thì nay, mọi thứ đã trở nên khác biệt rất nhiều. NPH phải thực sự cẩn trọng với đánh giá ứng dụng trên các kho tải, nơi mà họ buộc phải đưa ứng dụng của mình lên trên đó bởi không có một cách nào khác để tiếp cận với đại đa số người dùng di động dễ hơn là mang lên các kho tải của Google và Apple. Bất chấp việc đưa ứng dụng lên kho tải của hai ông lớn này, NPH sẽ phải “cắt phế”.
Hàng loạt siêu phẩm trở thành nạn nhân từ văn hóa "kéo rate" của game thủ Việt
Có thể lấy ví dụ tựa game được xem là đình đám bậc nhất của làng game mobile Việt hiện nay là Liên Minh: Tốc Chiến đang trở thành nạn nhân của văn hóa rate 1 sao đến từ game thủ Việt. Trên Google Play, LMHT: Tốc Chiến liên tục rớt hạng thê thảm từ vị trí top đầu thời điểm mới ra mắt, hiện nay đã tụt xuống vị trí 166 với số điểm đánh giá chỉ còn 3.5.
Tất nhiên, điều này phần lớn đến từ những vấn đề nội tại của tựa game này khi còn nhiều yếu tố chưa thể khắc phục triệt để. Nhưng việc thi nhau “spam” 1 sao trên kho ứng dụng Google Play với Tốc Chiến nói riêng và nhiều tựa game di động khác nói chung có thực sự công bằng hay không?
Không chỉ Tốc Chiến, hàng loạt những tựa game khác như Among Us, Genshin Impact cũng gặp tình trạng rate 1 sao với bình luận đại loại như:
Tại sao game không có tiếng Việt (đối với Among Us)
Tôi mới tải về thì nhập nhập mật khẩu thì kêu gánh hình tôi để đúng chỗ rồi nó nói ko hợp mã số điều này khiến tôi ko thích trò chơi này. (Genshin Impact)
Nhân phẩm t tệ quá. Farm tdv toàn đồ đâu đâu không! Quạu Paimon (Genshin Impact).
Tốn nhiều GB vãi nên không thể cho 5 Sao được (Genshin Impact).
Trò chơi này đợi rất lâu. (Genshin Impact).
Game chơi quá hay (Genshin Impact, cũng bị đánh giá 1 sao).
Tất nhiên, bản thân Genshin Impact và Among Us không rơi vào tình trạng thê thảm như Liên Minh: Tốc Chiến, nhưng những đánh giá vô cớ như trên chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng tới bản thân ứng dụng và nhà phát triển.
Đừng để kéo rate thực sự trở thành một văn hóa xấu xí
Hy vọng rằng, game thủ Việt sẽ có một cách đánh giá công tâm hơn, văn minh hơn thay vì dựa trên cảm tính và sự nóng giận do những tính năng ingame. Hãy nhìn sang Liên Minh: Tốc Chiến tại máy chủ Đông Nam Á, nơi mà game thủ tại các quốc gia trong khu vực cũng ít nhiều gặp phải các vấn đề như người chơi Việt, nhưng với hơn 1 triệu lượt đánh giá khiến cho ứng dụng này đạt 4.3 sao cùng số lượng rate 5 sao cực kỳ lớn.
Còn tại Việt Nam, đáng buồn thay, số lượng 1 sao đến từ game thủ Việt, những người đã từng rất mong ngóng tựa game này thậm chí còn hơn một nửa so với lượng 5 sao ít ỏi. Những con số phản ánh sự thật đáng suy ngẫm. Game có lỗi hay do chính bản thân game thủ vô hình chung biết những siêu phẩm trở thành “phế phẩm”?