CEO BKAV khẳng định ông và đội ngũ BKAV đã phải mất rất nhiều công sức mới thiết kế được bộ icon cho Bphone.
Thời gian gần đây, Xiaomi đã bỏ ra số tiền tương đương 7 tỷ đồng để thiết kế logo mới cho thương hiệu của mình. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như logo mới của Xiaomi gần như giống hệt logo cũ, chỉ khác là nó được... bo tròn bốn góc. Vụ việc này của Xiaomi đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận, đa số tỏ thái độ bất ngờ khi một logo đơn giản lại có trị giá cao đến như vậy.
Và mới đây, đến lượt CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng nói về logo, hay nói đúng hơn là những biểu tượng (icon) của Bphone. Ông cho rằng đằng sau những icon của Bphone là "công nghệ lõi" cho phép BKAV có thể tạo được góc bo "khó hơn nhiều hình Superellipse", vốn là hình được nhà thiết kế Kenya Hara áp dụng trên logo Xiaomi trị giá 7 tỷ đồng nói trên.
Thậm chí, để chứng tỏ sự vượt trội của icon của Bphone, ông Quảng còn so sánh icon Bphone với một thương hiệu điện thoại khác. Dù không trực tiếp đề cập, tuy nhiên không khó để nhận ra đây là icon đang được Vsmart sử dụng trên VOS.
"Hình bên dưới là icon phóng to của Bphone và của một hãng khác. Để ý góc bo cong và đặc biệt là điểm ghép nối giữa nó với cạnh thẳng, bạn sẽ nhận ra điều khác biệt. Một bên là góc bo bị răng cưa, điểm ghép nối có thể phân biệt rõ, một bên góc bo liền mạch và gần như KHÔNG NHẬN RA ĐƯỢC ĐIỂM GHÉP NỐI, khi đường cong được chuyển sang thẳng một cách mềm mại.
Để có được kết quả này không hề đơn giản, nó là cả một quá trình nghiên cứu R&D, của đội ngũ thiết kế đồ họa tại Bkav. Và tôi không dấu tự hào khi đã trực tiếp tham gia, định hướng để chúng tôi sở hữu được CÔNG NGHỆ LÕI khi thiết kế các góc bo như thế này !
Không tin, bạn nào làm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa hãy thử làm sẽ biết nó khó như thế nào và khả năng thất bại là cao. Tôi cũng phải nói luôn, là góc bo kiểu này còn khó hơn nhiều với hình Superellipse được nhắc đến mấy ngày qua, cùng câu chuyện góc bo trị giá 7 tỷ VNĐ.
Sở dĩ nó khó hơn vì Superellipse dù sao cũng đã được định nghĩa bằng một công thức toán học rõ ràng, bởi nhà toán học người Pháp Gabriel Lamé và về trực giác bạn biết rằng nó không có điểm ghép nối ĐẦY THÁCH THỨC giữa cong và thẳng."
Ông Quảng thừa nhận rằng icon của những phiên bản Bphone đầu tiên "có gì đó không được nuột". Sau đó, ông đã yêu cầu đội ngũ thiết kế cải thiện, tuy nhiên đội ngũ của BKAV lại đầu hàng và nói rằng "Bọn em đã làm hết sức rồi", theo lời ông Quảng.
Đến lúc này, CEO BKAV đã quyết định trực tiếp "ra tay". Ông phóng to icon và nhận thấy những vết răng cưa và ghép nối không mềm mại, "tạo ra hiệu ứng khó chịu dù rất khó định nghĩa". Sau khi tìm hiểu các hãng smartphone khác trên thị trường, đội ngũ BKAV đưa ra kết luận rằng icon của tất cả các hãng đều gặp tình trạng này, ngoại trừ "hãng A".
Mặc dù đã tìm ra nguyên nhân và tham khảo thiết kế của "hãng A", tuy nhiên đội ngũ BKAV vẫn chưa thể có được lời giải. Ông Quảng khẳng định đây là "nỗi băn khoăn lớn của cả giới thiết kế trên thế giới" chứ không riêng gì BKAV.
Tạo ra icon với những góc bo mịn là "nỗi băn khoăn lớn của cả giới thiết kế trên thế giới", theo lời ông Quảng
"Sau nhiều tuần báo cáo các phương án, bao gồm cả nghiên cứu hãng A đã làm như thế nào với góc bo của họ, vẫn chưa tìm được lời giải. Hóa ra đây là một NỖI BĂN KHOĂN LỚN CỦA CẢ GIỚI THIẾT KẾ TRÊN THẾ GIỚI chứ không chỉ với đội thiết kế của chúng tôi. Đội Thiết kế tìm được nhiều diễn đàn nói về vấn đề này, có những đội cất công nội suy góc bo của A ra một hàm số toán học vô cùng phức tạp.
Vẫn trên nguyên tắc "Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề", tôi không chấp nhận lời giải nêu trên và thực tế đội Thiết kế đã thử với những công thức này nhưng không thành công. Góc bo tuy có được cải thiện, nhưng vẫn không thực sự "nuột""
Và bằng một cách nào đó, ông Quảng đã có thể tìm ra phương pháp để có được icon với góc bo mịn như "hãng A", giải quyết một vấn đề mà ông Quảng trước đó từng khẳng định là "nỗi băn khoăn lớn của cả giới thiết kế trên thế giới".
"Một lần nữa tôi phải ra tay, trực tiếp phân tích và hướng dẫn phương pháp cho đội Thiết kế. Kết quả thì như các bạn đã biết. Chúng tôi đã sở hữu CÔNG NGHỆ LÕI thiết kế góc bo thần thánh mà số ít các công ty có được."
Tiếc rằng, CEO BKAV không chia sẻ cách thức để tạo ra được những icon với "góc bo thần thánh" trên. Và theo những gì ông Quảng mô tả, có lẽ giới thiết kế trên toàn thế giới sẽ còn tiếp tục phải đau đầu khi chưa có được lời giải của ông.
Đến đây, ông Quảng tiếp tục nhấn mạnh về "công nghệ lõi", cho rằng một công ty phải có sự đầu tư để tạo ra những giá trị khác biệt so với rừng sản phẩm của các công ty khác.
"Vậy đấy các bạn, R&D là như vậy, nó có trong mọi lĩnh khi chúng tôi làm Smartphone và cũng đầy thú vị. Để nghiên cứu ra một quy trình, công nghệ hay một bí quyết dù nhỏ đều phải đầu tư công sức và cả tiền nữa. Nhưng kết quả có được là SỰ KHÁC BIỆT so với rừng sản phẩm khác. Các bạn là Bfans cảm nhận được sự khác biệt của Bphone, đó là từ hàng trăm, hành ngàn những thứ chúng tôi đã làm như vậy.
Để có được những công nghệ tốt thì hoặc bạn R&D nó để sở hữu từ LÕI, cũng tốn kém nhưng nó là của bạn, có thể tái sử dụng nhiều lần, hoặc bạn bỏ tiền ra mua nó, tốn kém nhưng nó vẫn không phải là của bạn. Nhưng biết sao được, nếu không thể R&D thì cũng phải mua thôi"