Diablo 2 Resurrected liệu có thành công?

 

Cũng bình tĩnh đánh giá xem Diablo 2 Resurrected có thật sự giúp bạn tìm lại cảm giác ngày xưa hay không?

    Đón ngày Diablo 2 Resurrected ra mắt là điều game thủ nào cũng muốn tham gia, nhưng thực sự sẽ mua và chơi lại là một vấn đề khác mà chưa chắc mọi người đều hưởng ứng.

    Theo một cách thần kỳ nào đó, Diablo 2 Resurrected đã được Blizzard bất ngờ công bố vào một thời điểm không thể "khó đỡ" hơn được. Trong khi nó được trông chờ rất mạnh vào năm 2020, thời điểm kỷ niệm 20 năm ngày bản gốc ra đời. Tuy nhiên thay vào đó lại là Diablo 4 để rồi nó được "xếp sau" vào năm 2021 ở mốc 21 năm một cách "trật quẻ".

    Diablo 2 Resurrected liệu có thành công? - Ảnh 1.

    Sau quả phê pha cùng Diablo 4 thì có vẻ game thủ cũng không quá để tâm vụ lệch tông công bố trên mà lập tức "hype" rất mạnh. Sau một Diablo 3 đầy trắc trở và được đánh giá là không thể vượt qua cái bóng của phần 2 trong khi Diablo 4 có vẻ phải chờ thêm vài năm nữa thì Diablo 2 Resurrected nghiễm nhiên chiếm ngay vị trí thượng đỉnh hào quang. Tôi không quên Diablo Immortal đâu, nhưng đối với bạn giờ đây nó chắc cũng chẳng hơn gì cục rác đúng không?

    Hoành tráng là thế, nhưng với kinh nghiệm về những lần "chơi lại siêu phẩm remastered" trước chúng ta hoàn toàn có thể lo ngại rằng trông Diablo 2 Resurrected hấp dẫn là thế nhưng chưa chắc nó sẽ làm sống lại cảm giác cũ. Hãy dằn cơn hưng phấn lại và xét một số yếu tố có thể xảy ra với Diablo 2 Resurrected khiến người ta vẫn không tìm lại được cảm giác đặc biệt của thủa trước nhé.

    Giống bản gốc cũng không hay mà không giống lại càng không tốt

    Đầu tiên bạn rõ ràng có thể nói ngay rằng một game remastered mà khác quá xa so với bản gốc là vô giá trị. Vì lúc đó nó là một bản reboot rồi chứ không còn là remastered nữa. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ giống quá có tốt không?

    00:05:43

    Diablo 2 Resurrected - More Gameplay + Comparison With Original

    Nguyên nhân của việc này nằm ở sự thay đổi của làng game, sau 20 năm tiến hóa của thể loại RPG liệu bạn có thực sự còn quen với cách chơi sơ khai của ngày xưa? Trừ khi bạn là người vẫn duy trì thói quen chơi bản gốc liên tục cho đến nay, còn lại những ai từng nhớ Diablo 2 qua kỷ niệm và đã lâu không chơi lại sẽ trải qua một cú sốc không nhẹ. Bạn sẽ tự hỏi làm sao ngày xưa lại mê mẩn một cái game sơ sài như thế được.

    Lấy một ví dụ nhỏ: Chế độ đánh của Diablo 2 vẫn là 2 kỹ năng gắn với nút chuột trái và phải, bạn muốn đánh kỹ năng nhanh phải gán các nút số vào rồi tự nhớ lấy các bố trí. Điều này đã hoàn toàn thay đổi khi MMORPG phổ biến, bạn có thanh kỹ năng nhanh ngay trên giao diện và cứ thế xả kỹ năng hàng loạt, Diablo 3 cũng cập nhật điều này. Nhớ cái giao diện là một chuyện, thực sự dùng nó khi bản thân đã quen kiểu điều khiển của các MMORPG thao tác nhanh sau này lại là chuyện khác. Bạn sẽ không tin điều này cho đến khi bước vào game.

    Tôi cũng từng hụt hẫng như vậy sau khi làm quen với các game FPS sau này lấy hệ thống chiến đấu theo Call of Duty Modern Warfare không có thanh HP. Sau khi tìm được bản cài cũ của Medal of Honor: Allied Assault tôi đã khá vất vả làm quen lại với việc kiểm soát HP của mình và lùng tìm túi cứu thương thay vì quên nó đi như kiểu hiện đại.

    Mod và chênh lệch độ khó

    Khác với các fan Diablo ở Âu – Mỹ, các fan ở Việt Nam tiếp xúc với game này hầu hết qua các bản mod. Những bản nổi tiếng như Eastern Sun, Hell on Earth, Fury Within, Median XL… đều được chỉnh sửa khá nhiều và hầu hết đầu giảm độ khó xuống còn khoảng 80% so với game gốc. Một số không trực tiếp giảm độ khó mà làm gián tiếp qua việc sắp xếp lại kỹ năng, tăng công thức ghép đồ của hộp Horadric hay đơn giản là nới rộng thùng đồ ra gấp đôi.

    Diablo 2 Resurrected liệu có thành công? - Ảnh 3.

    Kích thước thùng đồ của bản gốc

    Mặc dù hé lộ rằng vẫn hỗ trợ mod nhưng bản gốc đầu tiên sẽ làm những fan chơi mod hụt hẫng nặng, chỉ cần nhìn vào kích cỡ thùng đồ gốc bạn sẽ hiểu. Những kỷ niệm loot đồ mỏi tay của dân chơi mod chắc chắn sẽ nát bét. Trong khi đó, các bản mod có thể phải chờ một thời gian mới xuất hiện. Mod đơn giản như nới rộng thùng đồ có thể nhanh nhưng những bản mod rộng như Median XL sẽ phải tốn hàng năm trời.

    Diablo 2 Resurrected liệu có thành công? - Ảnh 4.

    Kích thước thùng đồ của mod Fury Within (rộng hơn 1,5 lần)

    Với sự chênh lệch này, những fan của bản gốc có thể trụ lại nhưng fan từ các bản mod sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn chơi Diablo 2 Resurrected một cách thoải mái. Chúng ta có một trường hợp tương tự với Red Alert 2 trước đây. Phiên bản phổ biến nhất của Red Alert 2 ở Việt Nam là mod Battle Zone thêm nhiều đơn vị có khả năng xuất thần khiến các trận đánh máu lửa hơn rất nhiều. Ngược lại bản Red Alert 2 gốc có khá ít đơn vị và vì thế người chơi phải rất chật vật để thắng trận bằng chiến thuật điều quân của mình mà không có trong tay những đơn vị "siêu nhân".

    Chơi online – con dao 2 lưỡi

    Điều hấp dẫn nhất của Diablo 2 Resurrected chính là khả năng chơi online. Đối với 20 năm trước, hầu hết người chơi chỉ có thể chơi một mình hoặc cố lắm thì qua LAN vì internet chưa thực sự phát triển. Tuy nhiên ở bản game mới này thì chơi qua mạng là một thế mạnh và được bổ sung công nghệ tốt nhất.

    Diablo 2 Resurrected liệu có thành công? - Ảnh 5.

    Chơi online qua Battle.net là một cái gì đó xa xỉ vào thời xưa

    Điều này vừa là điểm sáng cũng vừa gợi lên một số rắc rối cơ bản. Đó là việc giới hạn mod khi chơi mạng. Nếu bạn chơi một mình, bạn muốn mod hay cheat đồ đạc thế nào cũng được nhưng khi nối mạng cùng nhau thì sẽ nảy ra nhiều vấn đề. Nếu bạn cheat ra một món trang bị mạnh hoặc một món chỉ có ở bản mod mà bạn dùng, liệu bạn có mang nó đi chơi nối mạng với người chơi khác được không? Hai game thủ dùng 2 mod khác nhau lại càng không thể. Mà bắt buộc phải dùng bản gốc khi chơi mạng lại càng khó đối với những người quen chơi mod, họ sẽ phải làm quen với bản gốc mà không thể trốn tránh được.

    Blizzard sẽ "bù lỗ" bằng các cải tiến?

    Blizzard đã công bố nhiều thay đổi cho Diablo 2 Resurrected như một lời khẳng định họ vẫn giữ tinh thần Diablo 2 nhưng sẽ không giữa mọi thứ y chang đồ cũ. Ngoài chế độ chơi mạng, giao diện bên ngoài, nâng cấp đồ họa, còn nhiều cải tiến khác cũng được hé lộ.

    Động thái này cho thấy Blizzard đã nhận ra những khó khăn nêu ở các phần trên và tìm cách bù đắp bằng những cải tiến mới. Có thể bạn sẽ khó chịu ở chỗ này chỗ kia nhưng họ hy vọng sẽ tạo ra nhiều cái hấp dẫn hơn để thuyết phục người chơi "vượt khó" mà chơi thay vì trả game lấy lại tiền.

    Diablo 2 Resurrected liệu có thành công? - Ảnh 6.

    Chơi mạng dễ dàng, đồ họa xịn, chuyển động mượt mà sẽ bù đắp lại?

    Một điểm hấp dẫn khác mà bạn có thể hy vọng được hé lộ sắp tới là các chỉnh lý trong cốt truyện Diablo 2 Resurrected. Đã 20 năm qua và Diablo 3 cũng ra đời, nối tiếp đó là Diablo 4 sắp tới. Thế giới của Diablo đã có những chi tiết mới, rõ ràng hơn và chặt chẽ hơn. Chính vì vậy có thể sẽ có một số chỉnh sửa trong diễn biến cốt truyện cũng như các chi tiết nhỏ gợi ý những sự kiện trong phần 3 và 4 được cài cắm vào. Tinh thần "quá trình có thể khác nhưng kết quả không đổi" chúng ta từng chứng kiến Capcom thực hiện qua bản Remake của Resident Evil 2. Nó hoàn toàn có thể xảy ra với Diablo 2 Resurrected.

    Kết

    "Hype" là một thứ gần như tất yếu của cộng đồng khi cái gì đó mới hoặc hấp dẫn được công bố. Nhưng lịch sử cho thấy không phải lần nào cũng có kết thúc đẹp. Vì vậy, hãy hóng thật nhiệt nhưng cũng bình tĩnh đánh giá xem Diablo 2 Resurrected có thật sự giúp bạn tìm lại cảm giác ngày xưa hay không.

    Trải nghiệm là cảm giác không thể thay thế và có một phần chi phối bởi sự hưng phấn nhất thời. Bạn có thể chơi lại cùng một game lần thứ 2 nhưng chưa chắc đã tìm lại được cảm giác hoàn hảo như lần đầu trải qua hành trình đó. Vì vậy thay vì cố đi tìm cảm giác ngày xưa ở Diablo 2 Resurrected, bạn có thể đi tìm một trải nghiệm mới trong nó. Dù có thể không bằng cảm giác xưa nhưng ít ra nó mới và không hụt hẫng.

    >

    Tìm kiếm Blog này

    Được tạo bởi Blogger.

    Nhãn