Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp "đào coin"

 

Mua nhầm "trâu cày" thì đắng lắm anh em ạ!

    Đối với game thủ chúng ta, chắc chắn không có gì hạnh phúc bằng việc ra cửa hàng và dõng dạc hô to: "Build cho mình một dàn máy full cấu hình chiến mọi game". Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện kinh tế ổn để sắm nguyên một dàn máy mới toanh, mà rất nhiều người chọn phương án cắt giảm chi phí bằng cách mua lẻ linh kiện cũ. Trong số đó, VGA là phần vô cùng quan trọng mà anh em phải lưu ý, nhất là trong thời buổi thị trường "tranh tối tranh sáng" như hiện nay.

    Giữa cơn sốt tiền ảo, nhà nhà gom card đào coin như hiện tại, game thủ mua VGA cũ sẽ dễ gặp phải "card trâu, card ngành" bị dân cày thả ra thị trường. Hầu hết chúng đã ở mức chất lượng kém, mau nóng và hỏng mà vẫn hét giá trên trời, khiến các anh em lớ ngớ "tiền mất tật mang". 

    Bài viết này từ Gearvn sẽ chỉ ra dấu hiệu để nhận biết “coin card”, giúp anh em tránh bị lừa mua card trâu giá cao. Đồng thời là một số lời khuyên hữu ích dành cho các bạn lần đầu build máy hay dạo chợ đồ cũ nhé.

    Cách nhận biết đầu tiên và dễ nhất: "Chứng minh nhân dân" của card

    Đối với "người dùng phổ thông", không có lý do gì mà họ lại bỏ đi giấy tờ của chiếc card cả, bởi đây là một sự đầu tư khá lớn. Ai cũng muốn card của mình khi có sự số xảy ra đều được shop bảo hành. Những chiếc card cũ có giấy tờ mua bán, bảo hành, hộp đầy đủ... là một lợi thế rất lớn. Và bạn có thể hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của nó.

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 1.

    Đa số game thủ đều sẽ không có nhu cầu "em yêu khoa học" tới mức tháo tung hết các linh kiện của card ra. Vì vậy ta có thể kiểm tra tem dán trên ốc ở mặt sau của card có bị đục lỗ hay chưa. Nếu có thì thứ nhất hãng và các shop sẽ từ chối bảo hành cho chiếc VGA này, thứ hai đây là dấu hiệu của việc tháo dỡ card để thay linh kiện hoặc thay keo tản nhiệt vì cày quá nhiều.

    Kết luận, có 3 cách để ta có thể nhận diện thông qua giấy tờ của card như sau:

    Kiểm tra giấy tờ mua bán, hóa đơn, phiếu bảo hành, hộp đựng. Kiểm tra tem trên ốc ở mặt sau card. Nếu không có giấy tờ, hãy kiểm tra xem số sê-ri của card có trùng khớp với sản phẩm trên trang chủ của hãng không.

    Cách tiếp theo: Nhận biết thông qua ngoại hình của Card

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 2.

    Các VGA dùng để đào coin thường được sử dụng liên tục không ngừng nghỉ suốt cả 24 tiếng. Do đó chúng cần một dàn tản nhiệt công nghiệp lớn, thổi trực tiếp vào card đang chạy. Việc này sẽ mang theo độ ẩm không khí và làm card bị oxy hóa rất nhanh. Gây ra hiện tượng gỉ sét ở các con ốc, mặt trong của các cổng kết nối, mối hàn của tụ điện…

    Riêng về phần tấm chắn các cổng kết nối. Phần chất liệu cấu tạo của khu vực này sẽ không có chất lượng cao bằng kim loại ở bên trong, nên có thể chúng sẽ bị gỉ sét dù chỉ hoạt động bình thường. Tuy nhiên nếu bạn thấy phần tấm chắn kim loại quá mới so với phần ốc, lá tản nhiệt, ống đồng bên trong... thì chắc chắn nó đã được thay mới. Và hiển nhiên nếu chỉ là người dùng bình thường, không ai lại đi thay phần tấm chắn này cả.

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 3.

    Vì hoạt động liên tục, nếu tản nhiệt chỉ cần không tốt một chút, các tụ sẽ bị nóng, phồng và méo mó rất nhanh, đồng thời bảng mạch phía sau card cũng bị ố vàng.

    Đối với quạt tản nhiệt, ta có thể đưa tay vào xoay thử. Việc luôn chạy hết công suất để làm mát khiến cho quạt quay không nổi vì bị khô dầu, có thể kêu tiếng lớn khi chạy, rung lắc hoặc quay không đều. Nếu dùng lâu có khi sẽ bị gãy cánh, rụng quạt.

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 4.

    Tấm chắn khu vực cổng kết nối không bị bắt ốc. Thường thì dàn card dùng để cày sẽ không được gắn vào main mà sẽ treo lên khung kim loại. Vì vậy nếu bạn thấy phần lỗ trên tấm chắn của card không có dấu hiệu được vặn ốc, chắc chắn đây là một "coin card" chính hiệu.

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 5.

    Một điểm nữa, nếu là card được hãng hoặc nhà phân phối bán cho dân cày chuyên nghiệp, tem bảo hành thường sẽ chỉ giới hạn trong vòng 1 năm. Còn nếu là dành cho gamer thì thời gian bảo hành sẽ nhiều hơn.

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 6.

    Một bộ phận nào đó của card bỗng dưng quá mới, quá hoàn hảo so với tình trạng chung của VGA thì chắc chắn nó đã được thay thế trong quá trình sử dụng. Lý do bởi hỏng hóc khi cày quá độ, hoặc một số lý do khác.

    Vậy tổng kết, các dấu hiệu để nhận biết thông qua ngoại hình bao gồm:

    - Các bộ phận của card bị oxy hóa, gỉ sét.

    - Một số bộ phận quá mới so với những phần còn lại, đặc biệt là tấm chắn cổng kết nối .

    - Quạt xoay yếu, khó xoay, có thể phát ra tiếng lớn, rung lắc. 

    - Các tụ điện bị nóng, biến dạng.

    - Tấm chắn không bị bắt ốc .

    - Tem bảo hành chỉ giới hạn 1 năm.

    Cách cuối cùng: Nhận biết bằng phần mềm

    - Card đào coin thường được mod BIOS để tăng năng suất. Bạn có thể sử dụng GPU-Z để xem thử các thông số, xung nhịp… có trùng với thông số gốc của nhà sản xuất hay không. Nếu xung nhịp bị giảm đi, có thể khẳng định card đã bị thay đổi kết cấu để đào coin.

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 7.

    - Sử dụng 3D Furmark trong vòng 30 phút, nếu card của bạn vẫn nằm ở mức nhiệt độ 85 độ C trở xuống thì đấy là tình trạng bình thường. Còn nhiệt độ quá cao (hơn 90 độ C), có thể VGA đã bị khô keo tản nhiệt hoặc quạt tản nhiệt đang chạy không hiệu quả. Lý giải cho điều này thường là do card đã hoạt động quá độ bởi đào coin. Tuy vậy cách test này không được khuyến khích, do phần mềm hoạt động bằng cách bắt card chạy quá độ, max công suất... và điều này rất hại đối với card, bất kể card của bạn có mới 100% đi chăng nữa.

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 8.

    Những cách nhận biết VGA trâu cày thông qua ngoại hình và phần mềm đã đề cập ở trên chỉ giúp bạn có thể đánh giá sơ bộ và tổng quan nhất chứ không thể khẳng định chắc chắn được. Vì hiện tại các cơ sở đào coin chuyên nghiệp thường có trang thiết bị hiện đại để tối ưu cho công cuộc "đào vàng". Các dàn trâu đều sẽ được cày trong điều hòa mát lạnh, đạt chuẩn nhiệt độ và độ ẩm, phòng kín không một hạt bụi... khiến chúng luôn nằm trong tình trạng gần như hoàn hảo. Đồng thời các chủ cơ sở cũng giữ lại hộp để dễ đẩy VGA đi khi chúng hết đát mà vẫn có thể mạnh miệng rao "mới 99%, gắn máy chơi 2 lần rồi tháo cất, full box."

    Vậy để tránh khỏi việc mua phải "card ngành", chúng ta cần lưu ý điều gì?

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 9.

    - Chọn mua VGA cũ có dung lượng VRAM dưới 4GB, càng thấp càng tốt dựa trên nhu cầu sử dụng của bạn. Các loại card có VRAM dưới 4GB thường sẽ ít được chuộng để đào coin hơn, còn các mã RX của hãng AMD, với VRAM 8GB chắc chắn luôn là "hot pick" cho ngành "cày cuốc" này rồi.

    - Hãy chọn VGA có fan đơn: Với mức hiệu năng tản nhiệt bình thường, những loại này sẽ tránh được sự dòm ngó của các coin thủ.

    - Nếu được, hãy yêu cầu người bán cho bạn kiểm tra và bảo đảm đổi trả trong vài ngày, sau đó cắm máy rồi kiểm tra hiệu năng của card. Vì kiểm tra hình thức bên ngoài không là chưa đủ với sự tân trang và làm mới tinh vi của một số chủ đào coin chuyên nghiệp.

    - Một nơi trao đổi và mua bán uy tín sẽ giúp bạn có được sự tham khảo, chỉ dẫn từ cộng đồng. Bạn sẽ biết được người bán card cho bạn là trader, coin thủ, hay là gamer thông qua hồ sơ cá nhân trên Facebook của họ và các bài họ đã đăng trong nhóm. Đồng thời nếu có gì bất trắc, bạn vẫn có thể nhờ sự trợ giúp của cộng đồng đông đảo trong làng công nghệ để "đòi lại công đạo".

    Dấu hiệu để anh em nhận biết và tránh mua nhầm card màn hình đã qua kiếp đào coin - Ảnh 10.

    Qua bài viết vừa rồi, mình hy vọng các bạn đang muốn tìm mua VGA cũ sẽ tránh được "card trâu, card ngành", và sớm hoàn thiện được dàn PC mong ước của mình.


    >

    Tìm kiếm Blog này

    Được tạo bởi Blogger.

    Nhãn