27/01/2021, Game Jam 2020 đã chính thức công bố các đội chiến thắng với nhiều sản phẩm sáng tạo và truyền tải ý nghĩa sâu sắc.
Tối 08/01/2021, Game Jam 2020 - cuộc thi làm game trong 48 giờ cực hot đến từ Gameloft đã chính thức bắt đầu và thu hút sự tham gia của gần 50 đội thi với hơn 170 học sinh - sinh viên cả nước chỉ sau 3 tuần mở link đăng ký. Với chủ đề "Life at home", Gameloft mong muốn mang đến nguồn thông điệp tích cực trong mùa giãn cách xã hội với những ý tưởng, sáng kiến mới đầy thú vị, biến khó khăn trở thành cơ hội trau dồi bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Gameloft Game Jam 2020 diễn ra với chủ đề "Life at home" với mong muốn truyền tải thông điệp tích cực.
Cuộc thi bắt đầu vào ngày 08/01/2021 và kết thúc vào ngày 10/01/2021. Trong suốt 48 tiếng, các thí sinh sẽ thông qua phần mềm công cụ làm game Unity - Top phần mềm làm game (đặc biệt game mobile) của thế giới để hoàn thành bài thi và giành phần thưởng cao nhất trị giá lên đến 45 triệu đồng. Chia sẻ với ban tổ chức, jammer Nguyễn Gia Huy đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (TP.HCM) cho biết: "Dù thi online nhưng với em đây là trải nghiệm rất thú vị, tuy không trực tiếp gặp gỡ các đối thủ nhưng tính cạnh tranh vẫn cao ngất ngưỡng, ai ai cũng quyết tâm giành chiến thắng".
Đặc biệt đồng hành cùng các bạn thí sinh suốt 48h đồng hồ phải kể đến các mentors bao gồm nhân viên từ nhiều phòng ban tại Gameloft, từ lập trình đến thiết kế game. Đây chính là nhân tố quan trọng giúp các Jamers có thể vượt qua áp lực căng thẳng của 48h thi đấu miệt mài. Họ không chỉ dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cũng như những điều thí sinh cần lưu ý trong buổi livestream khởi động trên trang Facebook Gameloft South East Asia, mà còn liên tục túc trực online xuyên suốt cuộc thi, nhắc nhở và hướng dẫn các đội thi biểu hiện tốt nhất thế mạnh của mình.
Buổi livestream online với sự hiện diện của các mentors đến từ nhiều phòng ban của Gameloft đã giúp các bạn trẻ thêm an tâm tham gia 48h thi đấu căng thẳng
Các Mentor cũng đặc biệt chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình thi: "Khi lập đội hãy chắc rằng đó là những người khiến bạn thoải mái nhất khi làm việc cùng, có thể cùng nhau phát huy những sở trường của mình. Đồng thời phân bổ thời gian test game kỹ càng cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình thi. Và dù không phải ai cũng dành chiến thắng, nhưng những trải nghiệm và hồi hộp tại cuộc thi tôi tin rằng đã là một phần thưởng lớn cho tất cả chúng ta."
Sau quãng thời gian "cầm cân nảy mực", ban giám khảo công bố chiến thắng chung cuộc thuộc về đội D.A.B team (Hà Nội) với game Dash To The Door. Bên cạnh đó, giải nhì và giải ba cũng lần lượt gọi tên đội Dev To Love (TP.HCM) với Lost N Found và đội Null Reference (TP.HCM) chủ nhân trò chơi Scientist At Home. Năm nay, Gameloft cũng cho ra mắt giải thưởng "Game được yêu thích nhất" và phần thắng thuộc về đội Helios với game Save The House.
Jammer Nguyễn Đặng Hải An, nhóm trưởng của đội D.A.B Team - Quán quân Game Jam cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng em được cùng nhau hoàn thiện tựa game của riêng mình với áp lực căng thẳng về thời gian như vậy, dù rất mệt nhưng quan trọng là mọi người đều cảm thấy rất vui và hào hứng."
Về ý tưởng sáng tạo game, đội Dev In Love chia sẻ : "Game Lost n Found của chúng mình lấy cảm hứng từ câu nói ‘Nhà không chỉ là một nơi chốn, đó là cảm giác an toàn và hạnh phúc’. Thông qua trò chơi này, chúng mình mong muốn sau khi phá đảo, mọi người sẽ đều hiểu ý nghĩa của gia đình, cố gắng hết mình để bảo vệ tổ ấm của chúng ta".
Ngoài các đội đạt giải, kỳ thi Game Jam 2020 cũng gặt hái đa dạng ý tưởng sáng tạo từ đề tài "Life At Home". Điển hình trò chơi được lấy cảm hứng từ câu chuyện cảm động về cuộc sống của những "hậu phương" có người thân đang thi hành "sứ mệnh" tại bệnh viện; có đội dí dỏm làm tựa game với tên "Người vợ nổi giận" (Angry Wife) hay lồng ghép tình cảm gia đình với thông điệp "Dù có phải chia xa, những kỷ niệm sẽ là thứ gắn kết tất cả chúng ta".
Có thể nói, nếu thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 đánh dấu màn chào sân của ngành game với thế giới giải trí, thì bước sang thập kỷ thứ 3 này, nhiều chuyên gia đánh giá đã đến lúc ngành game sẽ tỏa sáng rực rỡ. Và GameJam chính là bảo chứng cho thấy ngành công nghiệp game đã phát triển thần kỳ như thế nào khi luôn thu hút đông đảo sinh viên lập trình hàng đầu, chất lượng và tầm vóc cũng được phát triển tương xứng. Đưa ngành game từ vị trí "kẻ không được thừa nhận" được xã hội công nhận cũng như tạo ra hàng triệu công việc cho các coder chuyên nghiệp và sinh viên.
Với những thành công trong hiện tại, Game Jam 2021 cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phủ sóng rộng rãi và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn trẻ có niềm đam mê với lập trình game.