Cybele là nữ thần Mẹ có nguồn gốc ở khu vực Phrygia (Tiểu Á, tương ứng với Thổ Nhĩ Kì ngày nay). Lễ tế xuân gắn liền với Cybele được xem là một trong những lễ tế vô cùng quái dị.
Agdistis, một tạo vật huyền bí có mối liên hệ với những người Phrygia tôn thờ Attis hay Atys. Câu chuyện về Agditis sau đây được Pausanias kể lại.
Thần thoại về Agdistis
Một lần nọ, Zeus để rơi một ít tinh khí của mình xuống núi Ida, gần nơi nữ thần Cybele đang ngủ. Từ tinh khí này sản sinh ra một sinh vật lưỡng tính. Ngài gọi nó là Agdistis. Các vị thần kinh hãi trước sinh vật này và họ đã lập mưu cắt bỏ bộ phận sinh dục của nó. Họ pha rượu vào bồn tắm của Agdistis, khiến nó say mềm. Khi Agdistis đang say ngủ, họ buộc bộ phận sinh dục của nó vào thân cây rồi để mặc vậy cho đến khi nó tỉnh giấc. Con quái vật thức dậy, nó vùng vẫy khiến bộ phận sinh dục của chính mình đứt lìa. Vậy là Agdistis đã tự thiến. Từ phần thân thể bị đứt của Agdistis, sau đó mọc lên một cây hạnh đào.
Khi con gái của thần sông Sangarius đang hái quả từ cây hạnh đào này, nàng để một vài hạt vào giữa ngực mình, nhưng khi nàng vừa đặt chúng vào, chúng liền biến mất. Sau này, nàng hạ sinh Attis (hoặc Attes), một chàng trai có vẻ đẹp khác thường.
Vào tuổi trổ mã, Agditis đã yêu chàng. Những người họ hàng sắp đặt cho chàng kết hôn cùng với con gái của vua Pessinus và chàng cũng chẳng hề phản đối. Nhưng khi bài nhạc đám cưới vừa vang lên, Agdistis xuất hiện và đánh đập Attis một cách điên cuồng. Lúc đó, Attis tự thiến, và bố vợ chàng cũng làm điều tương tự. Agditis cảm thấy vô cùng nuối tiếc vì hành động của nó và hứa với Zeus rằng sẽ không để cho thi thể của Attis bị phân huỷ hay biến mất.
Pausania cho rằng đây câu chuyện này thể hiện cho một mối tình kỳ lạ, nó cũng là một biểu tượng cho sự tôn thờ sức mạnh sáng tạo của tự nhiên. Pausanias cũng nhắc tới ngọn núi mang tên Agdistis, nơi mà người ta vẫn cho rằng Attis được chôn tại đó. Agdistis được tôn thờ tại Pessinus dưới cái tên Cybele.
Lễ tế xuân của nữ thần Cybele
Phiên bản đầu tiên, Attis đem lòng yêu đơn phương nữ thần Cybele và tuyệt vọng đến mức quẫn trí. Chàng tự thiến dưới một cây thông. Từ chỗ máu chàng rơi xuống, hoa cỏ và cây lá mọc lên. Sau khi chết đi, Attis lại được tái sinh rồi kết hợp với nữ thần Cybele.
Phiên bản thứ hai, lần này người yêu đơn phương là nữ thần Cybele. Attis lúc này là một chàng chăn cừu điển trai, do đó nên chàng lọt vào mắt xanh của nữ thần Cybele. Nữ thần đã bắt Attis trở thành thầy tế cho mình cũng như ép chàng phải thề sẽ giữ trong trắng. Thế nhưng, sau đó Attis lại đem lòng yêu một nữ thần sông. Vậy là nữ thần Cybele đã trừng phạt Attis bằng cách khiến cho chàng phát điên. Trong cơn điên dại, chàng chăn cừu tự xẻ thịt mình. Khi Attis tỉnh táo trở lại, chàng đã muốn tự sát, nhưng nữ thần Cybele lại biến chàng thành cây linh sam (có chuyện lại kể Attis bị một con lợn rừng do thần Zeus cử xuống húc chết).
Tóm lại dù ở dị bản nào thì cuối cùng Attis cũng được thờ cúng cùng với nữ thần Cybele. Phong tục thờ cúng hai vị thần này bắt nguồn từ Tiểu Á rồi lan sang Hy Lạp và La Mã. Mỗi năm, vào cuối tháng ba, lễ hội tưởng nhớ lại được tổ chức. Tuy nhiên, lễ hội này được miêu tả tương đối rùng rợn.
Ngày đầu tiên của lễ hội được gọi là ngày để tang. Người ta sẽ lấy một cây linh sam (là biểu tượng của Attis) từ khu rừng gần đền thờ nữ thần Cybele, sau đó quấn các dải băng sắc màu có trang tua trang trí lên cây rồi chở đi diễu hành trên phố.
Ngày thứ hai, các thầy tế của nữ thầy Cybele sẽ nhảy những vũ điệu cuồng loạn.
Ngày thứ ba, họ tự thiến rồi vẩy máu lên bàn thờ và hình nộm Attis.
Ngày thứ tư, lễ hội chào mừng sự hồi sinh của Attis.
Ngày thứ năm là ngày nghỉ ngơi.
Trong thời gian lễ hội diễn ra, các thầy tế cũng sẽ tổ chức lễ cưới nghi thức giữa Attis và nữ thần Cybele. Một trong số các thầy tế cao cấp sẽ đóng vai Attis.