Trong ba ngày tết, đặc biệt là ngày mùng 1, người ta kiêng quét và hốt rác đi vứt vì tin rằng làm vậy sẽ đem đổ đi cả may mắn lẫn của cải, tài lộc trong gia đình.
Tết Nguyên Đán là thời điểm bắt đầu một năm mới. Chính vì vậy mà mỗi việc làm trong ba ngày tết đều có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của cả năm. Nếu không muốn một năm gặp xui xẻo, kinh nghiệm dân gian đã cảnh báo không nên làm những việc kỵ vào ngày mùng 1 tết, đặc biệt nhất trong số đó có lẽ là tục kiêng quét nhà đầu năm.
Phong tục này không chỉ có ở Việt Nam mà còn có cả ở Trung Quốc. Trong ba ngày tết, đặc biệt là ngày mùng 1, người ta kiêng quét và hốt rác đi vứt vì tin rằng làm vậy sẽ đem đổ đi cả may mắn lẫn của cải, tài lộc trong gia đình.
Để lý giải cho phong tục, theo "Sưu Thần Ký" có kể câu chuyện một thương nhân tên Âu Minh đi ngang qua hồ Thanh Thảo thì được Thủy Thần cho một người hầu tên Như Nguyệt. Âu Minh đem người hầu về nhà thì gia đình chẳng mấy chôc bỗng giàu có. Vào mùng 1 tết, Như Nguyệt vô tình làm vỡ bình quý và bị Âu Minh đánh. Vì quá sợ nên Như Nguyệt đã chui vào một đống rác ở góc nhà. Vợ của Âu Minh không để ý nên đã hốt luôn đống rác mà Như Nguyệt trốn. Kể từ đó trở đi, gia đình Âu Minh sa sút, nghèo khó.
Chuyện dân gian của người Việt lại kể rằng tục lệ bắt nguồn từ sự tích cây chổi quét nhà. Ngày xưa, trên thiên đình có một người phụ nữ nấu ăn khéo léo, thường được làm bữa dâng lên Ngọc Hoàng. Tuy nhiên, bà hay lén cho người tình của mình ăn vụng đồ. Lâu ngày thành quen, gã tình nhân đánh liều ăn vụng đồ ăn trong bữa tiệc của Ngọc Hoàng và bị bắt tội. Khi hắn khai ra đầu đuôi, Ngọc Hoàng nổi giận nên giáng người phụ nữ xuống trần làm cây chổi quét nhà, chịu phạt phải la liếm rác thải. Suốt thời gian nhận hình phạt, bà chăm chỉ làm việc nên được Ngọc Hoàng thương tình, ban cho ba ngày tết được nghỉ ngơi.
Từ đó, trong dân gian có tục kiêng quét nhà ba ngày tết để không quét nhầm của nả, tài vận ra khỏi nhà. Nếu nhà cửa cần dọn dẹp sạch sẽ, người ta chỉ quét rác gom gọn lại vào góc nhà, đợi qua ba ngày tết sẽ hốt đi đổ.
Ngoài việc kiêng quét nhà đầu năm, người Việt còn hàng loạt điều kiêng kỵ khác như: kiêng ăn cháo đầu năm (để tránh nghèo khổ), kiêng đụng đến kim chỉ (để tránh làm lụng vất vả, nếu là thai phụ thì còn để tránh đứa bé sinh ra mắt dẹt như lỗ kim), kiêng đánh thức người đang ngủ vào đầu năm (để tránh một năm luôn bị hối thúc, giục giã), kiêng ăn những món xui (một số vùng kiêng ăn tôm vì sợ đi giật lùi như tôm), kiêng tắm rửa gội đầu (vì một số nơi cho rằng tắm rửa, gội đầu sẽ bị hao mòn tài năng cũng như kiến thức đã tích lũy trong năm cũ)…
Dù những phong tục kiêng cữ này không hề có cơ sở khoa học, nhưng với người Việt, chúng đều là một phần của văn hóa, với niềm tin tâm linh mãnh liệt, nhằm cầu chúc cho một năm an khang thịnh vượng.