Wibu và otaku không hề giống nhau. Thế nhưng, chúng vẫn thường bị nhầm lẫn.
Khi manga và anime được yêu thích trên toàn thế giới, người ta xem chúng như một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản. Tất nhiên, đi cùng với sự phổ biến đó, manga và anime cũng góp phần cho ra đời một số khái niệm hoàn toàn mới trong đời sống. Hai trong số khái niệm thường được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội có lẽ là Otaku và Wibu. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể phân biệt được sự khác nhau giữa hai tên gọi này.
Otaku là gì?
Otaku (おたく) là từ long mà người Nhật sử dụng để chỉ những người có sở thích và thậm chí là ám ảnh điên cuồng về một điều gì đó. Thông thường, chúng được dùng phổ biến để gọi những người quá say mê anime, truyện tranh, trò chơi điện tử…
Vì Otaku thường không làm việc nhà và hiếm khi ra ngoài tương tác, người Nhật cho rằng Otaku mang ý nghĩa khá tiêu cực, đặc biệt là sau khi tên sát nhân hàng loạt Tsutomu Miyazaki (biệt danh "Sát nhân Otaku") bị bắt vào năm 1989 và cảnh sát tìm được nhiều anime, manga cũng như video bạo lực tại nhà hắn. Tuy nhiên, ngoài phạm vi nước Nhật thì ý nghĩa của từ Otaku có vẻ nhẹ nhàng hơn, nhằm để chỉ người thích truyện tranh, anime… nhưng sở thích này của họ không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Wibu là gì?
Theo từ điển Urban Dictionary, wibu (hay weeaboo) là một từ lóng có sắc thái tiêu cực để chỉ những người quá ám ảnh với văn hóa Nhật Bản đến mức gây phiền cho những người xung quanh. Thậm chí, họ còn muốn được trở thành người Nhật. Ngoài ra, wibu còn được dùng để chỉ những kẻ không hiểu gì về văn hóa Nhật nhưng lại thích ra vẻ, khoe mẽ.
Nếu Otaku chỉ gói gọn trong niềm đam mê dành cho một hoặc một vài khía cạnh nhất định của văn hóa Nhật, chủ yếu là truyện tranh và hoạt hình, thì wibu ám ảnh với mọi thứ liên quan đến Nhật Bản theo cách mù quáng.
Cuộc chiến không hồi kết giữa wibu và otaku
Dù mức độ tiêu cực của wibu và otaku rất khác nhau, thế nhưng trong nhiều trường hợp, hai đối tượng này vẫn dễ bị nhầm lẫn với nhau. Vì vậy, dưới đây là những điểm khác nhau cơ bản giúp phân biệt hai đối tượng:
Otaku (nghĩa bên ngoài nước Nhật): Thể hiện tình yêu với manga – anime ở mức vừa phải, có thể bàn luận cởi mở về lĩnh vực yêu thích lẫn những vấn đề khác có liên quan đến Nhật Bản, không bị lậm từ tiếng Nhật khi giao tiếp.
Wibu: Luôn tôn vinh manga – anime ở vị trí độc tôn, giữ thái độ sùng bái với Nhật Bản, thường tỏ ra không cởi mở khi thảo luận về mọi vấn đề liên quan Nhật Bản, thích chèn một số từ tiếng Nhật phổ biến trong manga – anime vào giao tiếp, sự hiểu biết về Nhật Bản chỉ gói gọn trong manga – anime, có khuynh hướng tự hạ thấp nguồn gốc của bản thân và luôn muốn trở thành một người Nhật chính gốc. Điều cuối cùng và quan trọng nhất, phần lớn các wibu đều có xu hướng khiến người khác cảm thấy phiền hà vì sở thích của họ.
Tuy nhiên, cần nói thêm rằng có nhiều wibu tự nhận với mục đích đùa vui và cách hành xử hay suy nghĩ của họ đều giống như otaku hay người hâm mộ bình thường.