Oira (花魁/ hoa khôi) là các kỹ nữ hạng sang vào thời Edo. Những giai thoại ly kỳ về Oiran đã biến họ trở thành một trong số những nét văn hóa truyền thống của người Nhật cho đến tận ngày nay.
Nhắc đến Nhật Bản, người ta thường nhớ đến nét đẹp văn hóa Geisha – các kỳ nữ được huấn luyện cầm, kỳ, thi, họa. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, Geisha thực chất chỉ là một phiên bản bình dân hơn của Oiran – các kỹ nữ hay Yujo (遊女/ du nữ). Văn hóa Oiran xuất hiện vào đầu thời kỳ Edo, và cho đến nay, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, họ vẫn luôn là một phần của văn hóa Nhật Bản.
Oiran không chỉ đơn giản là kỹ nữ
Vào thời Edo, khu phố đèn đỏ nức tiếng Yoshiwara (Tokyo) với hàng loạt nhà chứa Harimise làm ăn phát đạt nhờ được hợp pháp hóa. Oiran là cách gọi rút gọn của câu "Oira no tokoro no nee-san" (おいらの所の姉さん/ các chị đại nơi chúng ta), nhằm chỉ các du nữ đã đạt đến thứ hạng cao ở nơi này.
Tuy nhiên, trái ngược với liên tưởng của nhiều người khi nhắc đến kỹ nữ, các Oiran tại Nhật Bản trong thời kỳ này không quá tập trung vào mua bán xác thịt mà được xem như một nghệ nhân được trọng vọng. Để trở thành Oiran, các cô gái phải trải qua quá trình đào tạo khắc nghiệt từ khi còn nhỏ tuổi với kiểu tóc và trang phục riêng.
Các Oiran thường được tuyển chọn và đào tạo từ nhỏ, ngày nay họ được xem là các nghệ nhân truyền thống
Họ được học qua về du nữ, cũng như chia thành 4 cấp bậc từ thấp tới cao theo hệ thống Shinzou: Bandoushizo (các cô gái không hấp dẫn hoặc du nữ lớn tuổi phục vụ cho Oiran); Furisodeshinzo (các cô gái 15-16 tuổi, được xem là du nữ tập sự, không phải tiếp khách và có tiềm năng trở thành Oiran); Tomesodeshinzo (các cô gái bằng tuổi furisodeshinzo nhưng có thể trở thành du nữ bình thường và được phép tiếp khách); cuối cùng là Taikoshinzo (các du nữ chủ yếu giỏi trong lĩnh vực mãi nghệ).
Vì Oiran là vị trí được trọng vọng nên các cô gái được lựa được đào tạo bài bản cầm kì thi họa, từ văn học, mua, chơi đàn Shamisen, Koto… cho đến cắm hoa, thư pháp, trà đạo, đánh cờ… thậm chỉ cả nghệ thuật xử thế, cách ăn nói sao cho tao nhã, văn hóa và có tri thức. Các Oiran xuất thân từ khắp nước Nhật nên họ đã sáng tạo ra một tiếng nói riêng.
Thời kỳ hoàng kim của Oiran và những lễ rước xa hoa
Oiran có quyền lực và vị thế, vì vậy để gặp mặt Oiran khách hàng phải chứng minh được độ giàu có bằng cách chi tiêu rộng rãi, hào phóng. Ngay cả cách thức liên lạc cũng cần có người trung gian riêng chứ không thông qua nhà thổ.
Ở thời kỳ hoàng kim, mỗi khi có một vị khách được Oiran nhận gặp mặt, người ta sẽ tổ chức những lễ rước cực kỳ xa hoa diễu hành trên phố để đưa Oiran đi. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu để Oiran thăm dò vị khách, họ sẽ gặp nhau khoảng 3 lần để Oiran đánh giá mức độ giàu có lẫn tư cách của khách trước khi quyết định tiếp họ. Bảo tàng tiền tệ thuộc Viện nghiên cứu tiền tệ, Ngân hàng Nhật Bản cho biết, mức giá quy đổi cho môt buổi tối bên Oiran ra tiền hiện đại vào khoảng 100.000-120.000 yên (khoảng 22 – 28 triệu đồng).
Lễ rước Oiran được tái hiện tại Nhật
Oiran thời hiện đại
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, vị thế của Oiran đã bị hạ thấp hơn nhiều so với thời Edo. Có những giai đoạn, họ được xếp ngang hàng với Geisha – lớp kỳ nữ mãi nghệ bình dân hơn, ra đời sau này. Vào thời hiện đại, Oiran xuất hiện khá hiếm hoi. Theo ước tính, có khoảng 300 Geisha tại Kyoto, nhưng chỉ có 5 Oiran đạt cấp bậc cao nhất. Họ không còn hành nghề du nữ mà tập trung vào mãi nghệ, nhằm gìn giữ văn hóa Nhật Bản. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của Oiran là họ thường cầm theo tẩu thuốc.
Lễ rước Oiran vẫn được tái hiện đều đặn mỗi năm để gợi nhắc về một quá khứ hoàng kim thời Edo.