Các nhà vật lý thiên văn gợi ý rằng một số lỗ đen siêu lớn ở trung tâm các thiên hà có thể đóng vai trò như một ‘lỗ sâu’, liên kết hai phần vũ trụ xa xôi với nhau.
Trong Thuyết tương đối rộng của mình, Albert Einstein đã tiên đoán về sự tồn tại của các lỗ sâu, vốn giúp kết nối hai điểm trong không gian hoặc thời gian. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, chúng ta vẫn chưa tìm ra bất kỳ bằng chứng chứng minh sự tồn tại của các lỗ sâu này.
Mới đây nhất, các chuyên gia từ Đài quan sát thiên văn trung tâm ở Nga tin rằng các 'lỗ đen' ở trung tâm của một số thiên hà rất sáng (được gọi là hạt nhân thiên hà hoạt động hoặc AGN) có thể là lối vào của những lỗ sâu này. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Society.
Hạt nhân thiên hà hoạt động hay AGN là vùng nhân đặc của một thiên hà, do quá trình bồi đắp của hố đen siêu nặng tại khu vực lõi gây nên.
Về cơ bản, lỗ sâu và lỗ đen rất giống nhau. Chúng đều cực kỳ đặc và sở hữu lực hấp dẫn cực mạnh. Tuy nhiên, chúng vẫn có vài sự khác biệt đáng chú ý. Chẳng hạn, không có thứ gì có thể thoát ra khỏi lỗ đen sau khi vượt qua 'chân trời sự kiện' của nó, trong khi bất kỳ vật thể nào đi vào miệng lỗ sâu về mặt lý thuyết sẽ tái xuất hiện từ 'miệng' khác của nó ở một nơi khác trong vũ trụ.
Các nhà nghiên cứu lý luận rằng vật chất đi vào một miệng của lỗ sâu có thể có khả năng va chạm với vật chất đi vào miệng khác của lỗ sâu cùng lúc. Vụ va chạm này sẽ tạo ra các quả cầu plasma có nhiệt độ khoảng 18 nghìn tỷ độ F phóng ra ra khỏi cả hai miệng của lỗ sâu với tốc độ ánh sáng.
Ở nhiệt độ như vậy, plasma cũng sẽ tạo ra tia gamma với năng lượng 68 triệu electronvolt, cho phép một số đài quan sát của NASA - chẳng hạn như kính viễn vọng không gian Fermi - phát hiện ra vụ nổ. Các nhà nghiên cũng cứu gợi ý rằng, nếu họ tìm thấy một thứ giống như AGN đang phát ra tia gamma năng lượng cao hình cầu, thì đó có thể không phải là AGN mà là lối vào lỗ sâu.
"Chúng ta hiện biết rất ít về cấu trúc bên trong của lỗ sâu. Chúng ta thậm chí không biết chắc chắn liệu chúng có tồn tại hay không", tác giả nghiên cứu Mikhail Piotrovich nói với Motherboard.
AGN là nguồn phát bức xạ mạnh nhất trong vũ trụ với độ sáng tương đương với bức xạ của hàng tỉ ngôi sao phát ra từ một vùng chỉ bằng hệ Mặt Trời.
Nếu con người có thể du hành đến những vùng lõi của những thiên hà xa xôi này, chúng ta có thể sẽ tìm thấy một cách di chuyển trong vũ trụ đầy tiềm năng, hoặc thậm chí là một cách để du hành xuyên thời gian. Song cũng cần nói thêm, AGN gần nhất cách chúng ta tới 13 triệu năm ánh sáng. Vì vậy, khả năng con người có thể tiếp cận được AGN này (chưa nói tới việc sử dụng "lỗ sâu" để du hành vũ trụ) được coi là bất khả thi với nền tảng công nghệ hiện tại.
Bên cạnh đó, mặc dù những lỗ sâu này về mặt lý thuyết là 'có thể đi qua' (tàu vũ trụ có thể đi xuyên qua chúng), nhưng chúng được bao quanh bởi bức xạ cường độ cực cao. Điều này có nghĩa, con người sẽ khó có thể sống sót trong cuộc hành trình xuyên qua lỗ sâu, ngay cả khi chúng ta áp dụng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt nhất.
Tham khảo Daily Mail