Hoàn tất nhiệm vụ kéo dài 6 năm, tàu thăm dò vũ trụ của Nhật Bản đã mang mẫu vật có thể giúp hé lộ nguồn gốc sự sống quay về Trái Đất an toàn.
Theo Reuters, tàu thăm dò Hayabusa2 được phóng lên từ trung tâm vũ trụ Tanegashima ở Nhật Bản vào năm 2014. Phải mất 4 năm, tàu này mới hạ cánh xuống được tiểu hành tinh Ryugu khoảng 4,6 tỷ năm tuổi, để lấy mẫu vật và bắt đầu quay về vào tháng 11/2019.
Để thực hiện nhiệm vụ của "shipper mang tầm vũ trụ", tàu thăm dò này đã đi tổng cộng quãng đường lên tới 5,24 tỷ km. Và vào ngày 6/12 vừa qua, khoang chứa mẫu vật nặng 16kg đã tách ra khỏi tàu Hayabusa-2 và thực hiện quá trình hồi quyển, tạo nên một vệt sáng đầy ấn tượng trên bầu trời Australia.
Khoảnh khắc khoang chứa mẫu vật của Hasabusa2 'xé dọc' bầu trời miền Nam Australia trong quá trình hồi quyển
Khoang chứa này sau đó đã hạ cánh tại vùng sa mạc ở miền Nam nước này và được thu hồi thành công bởi Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Đây được coi là "sự kiện hiếm có trong lịch sử nhân loại". Nó đánh dấu lần thứ hai trong lịch sử một mẫu vật còn nguyên vẹn, lấy ra từ thiên thạch cổ đại được đưa trở lại Trái Đất. Những mẫu vật mà tàu thu thập bao gồm cả bụi và các hợp chất nguyên sinh bên dưới lớp bề mặt của Ryugu - một thiên thạch được tin rằng sinh ra "trong buổi bình minh của hệ Mặt Trời".
Các nhà khoa học tin rằng những tiểu hành tinh cổ như Ryugu có thể chứa vật chất hữu cơ giúp hé lộ nguồn gốc sự sống trên Trái Đất .
Theo đài NHK, sau khi đã ship mẫu vật thành công, tàu thăm dò Hayabusa-2 lại bay vào không gian để tiếp tục chuẩn bị cho nhiệm vụ mới và tiến đến một tiểu hành tinh khác sau 11 năm nữa.