Châu Tinh Trì không những nổi tiếng với vai trò diễn viên, anh còn là một đạo diễn tài ba.
Thành Long xuất hiện trong phim của Châu Tinh Trì
Trong bộ phim Vua hài kịch 1 do Châu Tinh Trì và Lý Lực Trì làm đạo diễn và được công chiếu lần đầu vào năm 1999. Bộ phim có nội dung kể về chàng diễn viên quần chúng tên Doãn Thiên Sầu (có bản dịch là Doãn Thiên Cừu) là người có lòng say mê với nghiệp diễn. Doãn Thiên Sầu thường có nhiều cách lý giải vai diễn khác nhau, vì vậy thường xuyên cãi nhau với đạo diễn. Sau đó, anh phải lòng cô vũ nữ Liễu Phiêu Phiêu, người đến học diễn xuất của anh để lấy lòng khách hàng.
Bộ phim được cho là lấy cảm hứng từ chính sự nghiệp diễn vai phụ vất vả của Châu Tinh Trì trước khi thành danh. Trong bộ phim này có một phân cảnh nhỏ có sự xuất hiện của ngôi sao võ thuật Thành Long trong vai trò khách mời khiến khán giả vô cùng thích thú.
Được biết đoàn phim Vua hài kịch 1 ghi hình ở khu phố Sài Gòn (Hong Kong), cách đó không xa Thành Long cũng thuê xưởng quay cho bộ phim Pha lê tôn. Vì vậy sau mỗi ngày làm việc, hai đoàn phim đều gặp gỡ giao lưu và uống rượu. Đây cũng là lý do hai ngôi sao mời nhau tham gia phim của mình với vai trò khách mời.
Theo đó Thành Long xuất hiện thoáng qua trong Vua hài kịch, Châu Tinh Trì góp mặt trong Pha lê tôn. Đáng tiếc sau đó do khâu phát hành nên một số phiên bản của Pha lê tôn buộc phải cắt bỏ phần phim có Châu Tinh Trì xuất hiện.
Cuốn sách bí ẩn trong phim Châu Tinh Trì
Cũng trong bộ phim Vua hài kịch 1, không chỉ diễn xuất của diễn viên được đánh giá cao, mà sự xuất hiện cuốn sách Diễn viên tu dưỡng chính mình (hay Diễn viên tự tôi bồi dưỡng), được xem như một đạo cụ hết sức quan trọng. Nhờ cuốn sách này, nhân vật Doãn Thiên Sầu (Châu Tinh Trì) ngày càng thăng tiến. Thực tế ngoài đời Châu Tinh Trì cũng ảnh hưởng nhiều từ một cuốn sách tương tự.
Được biết, diễn viên kỳ cựu Ngô Mạnh Đạt khi còn làm nhân viên hậu kỳ đã được nhà sản xuất Quan Hải Sơn tặng cuốn Giảng 6 kỹ năng diễn xuất, giúp ông hiểu được thế nào là đóng phim. Đọc xong, Ngô Mạnh Đạt cho Lưu Thanh Vân mượn, Lưu sau đó cho bạn thân là tài tử Ngô Chấn Ninh coi và cuối cùng Chấn Ninh cho Châu Tinh Trì mượn.
Như vậy cuốn sách đã phát huy hiệu quả bất ngờ khi chắp cánh thành công cho 4 ngôi sao tên tuổi, 3 trong số họ đều thành Ảnh đế (Thanh Vân và Tinh Trì đoạt giải Ảnh đế liên hoan phim Kim Tượng, Chấn Ninh đoạt Ảnh đế liên hoan phim Kim Mã).
Cảnh quay kinh điển của Châu Tinh Trì khiến nhiều người "nổi da gà"
Vua hài kịch 1 cũng đã cho ra đời nhiều trường đoạn kinh điển, trong đó có thể kể đến phân đoạn Châu Tinh Trì khóc suýt nữa rớt cả nước mũi vào mặt Mạc Văn Úy. Dù được chiếu cách đây hơn 20 năm, nhưng phân cảnh "rớt nước mũi" huyền thoại này vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Trong đoạn này, giữa nhạc nền du dương, anh chàng Doãn Thiên Sầu đang khóc nức nở ôm lấy chị Quyên (Mạc Văn Úy) vô cùng xúc động. Từ ánh mắt thần thái của hai diễn viên đều khiến cho khán giả vô cùng hài lòng. Tuy nhiên, đang vào thời khắc then chốt, nước mũi của Châu Tình Trì lại chảy ra, xém chút nữa là chảy cả vào mặt Mạc Văn Úy khiến khán giả cười không nhặt được mồm.
Mặc dù chỉ xuất hiện vài chục giây ngắn ngủi trên màn ảnh, nhưng để quay được cảnh này Châu Tinh Trì phải mất cả nửa ngày mới hoàn thành được. Châu Tinh Trì từng chia sẻ, nước mũi chảy tèm lem mỗi khi khóc chính là biểu đạt của nỗi xúc động.
Châu Tinh Trì sinh năm 1962. Không những nổi tiếng với vai trò diễn viên, Châu Tinh Trì còn là một đạo diễn tài ba. Tinh Gia đã đóng vai chính 5 phim trong số 12 phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc).
Tên tuổi của Châu Tinh Trì gắn liền với hàng loạt bộ phim ăn khách như Tân lộc đỉnh ký, Đại thoại Tây du, Quốc sản 007, Đội bóng Thiếu Lâm, Đường Bá Hổ, Tuyệt đỉnh Kungfu, Mỹ nhân ngư... xét trên lĩnh vực chuyên môn, Châu Tinh Trì khiến nhiều người phải ngả mũ.