15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt

 

Ai cũng biết về Võ Lâm Truyền Kỳ nhưng mấy ai được nghe kể về hành trình game cập bến Việt Nam đã có bao gian nan vất vả cùng những câu chuyện hết sức thú vị.

    Câu chuyện đưa Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam bắt đầu vào khoảng giữa tháng 9/2004, khi CEO Lê Hồng Minh của VNG gửi chiếc email đầu tiên sang công ty KingSoft & Object Software để hỏi mua tựa game online này. Quá trình thương thảo kéo dài và phải đến hơn 1 tháng sau, KingSoft mới đồng ý bán bản quyền game Kiếm Hiệp Tình Duyên (tên gốc tiếng Trung của Võ Lâm Truyền Kỳ) cho VinaGame (bây giờ là VNG). Và cũng phải đến 1-2 tuần sau đó, "họ (KingSoft – PV) mới bắt đầu gửi cho tài liệu giới thiệu sản phẩm, trong đó có một tấm hình screenshot đầu tiên của game", ông Lê Hồng Minh chia sẻ.

    15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt - Ảnh 1.

    CEO Lê Hồng Minh (phải) trong chuyến đi Trung Quốc năm 2004.

    Thời ấy, giá mua Võ Lâm Truyền Kỳ là không hề rẻ khi tổng số tiền mua game lên tới 160.000 USD trong khi vốn của VNG lúc đó cũng chỉ vào khoảng 70.000 USD. Rất may, VNG đã "kì kèo" khoản tiền đầu tiên phải trải cho KingSoft xuống còn 50.000 USD, số còn lại - theo như lời CEO Lê Hồng Minh lúc bấy giờ - thì "sẽ… tính tiếp".

    09/11/2004 - một ngày đáng nhớ - là thời khắc VNG chính thức ký vào bản hợp đồng mua Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam từ KingSoft. Bản hợp đồng được ký kết tại Trung Quốc, trực tiếp giữa CEO Lê Hồng Minh của VNG và CEO KingSoft. Đây cũng được xem là bản hợp đồng quan trọng nhất trong lịch sử VNG.

    15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt - Ảnh 2.

    CEO KingSoft (trái) và CEO Lê Hồng Minh (phải) ký hợp đồng Võ Lâm Truyền Kỳ vào tháng 11/2004.

    Đến tháng 2/2005, sau nhiều lựa chọn như Võ Lâm Huyết Sử, Võ Lâm Ngũ Bá, Kiếm Hiệp Truyện… thì Võ Lâm Truyền Kỳ chính là cái tên cuối cùng, cũng có thể xem là cái tên hay nhất được VNG lựa chọn cho tựa game online này.

    15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt - Ảnh 3.

    Cái tên chính thức Võ Lâm Truyền Kỳ được VNG lựa chọn vào tháng 2/2005

    Tháng 3/2005, đội ngũ GM của VNG chính thức "xông đất" Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản tiếng Trung tại Việt Nam với sự hỗ trợ cài đặt & hướng dẫn của đội ngũ kỹ thuật Kingsoft. Những ngày đầu bập bõm mày mò nội dung game (bằng tiếng Trung) khiến đội ngũ GM không khỏi cảm thấy khó khăn, nhưng cũng hết sức phấn khích bởi đây cũng là lần đầu tiên họ biết tới cảm giá đánh nhím, bắt heo, trò chuyện cùng Dã Tẩu… Những hoạt động này về sau trở thành kinh điển mỗi khi người ta nhắc đến Võ Lâm Truyền Kỳ.

    Ngày 12/04, VNG mở cửa đăng ký Closed Beta cho Võ Lâm Truyền Kỳ. Ngay lập tức, có đến 34.000 tài khoản được tạo đăng ký tham gia thử nghiệm, website bị sập do quá tải ngay thời điểm mở cửa. Sau 48h, có đến 120.000 tài khoản được đăng ký – điều này cho thấy sức hút khủng khiếp của Võ Lâm Truyền Kỳ là cực kỳ mãnh liệt ngay trước khi tựa game này được phát hành.

    Ngày ra mắt, Võ Lâm Truyền Kỳ đã tạo nên cơn sốt chưa từng có, hàng chục ngàn game thủ cùng nhau hành hiệp trượng nghĩa trong thế giới võ lâm rộng lớn. Những Thành Đô, Đại Lý, Tương Dương… đã trở thành địa danh nổi tiếng đến nỗi không phải game thủ của Võ Lâm Truyền Kỳ cũng biết tới. Với nhiều người, kí ức đánh heo, đả nhím luyện cấp để gia nhập môn phái là quãng thời gian không thể nào quên. Những mối quan hệ bền vững, sâu sắc cũng hình thành từ những tháng ngày cùng nhau hành hiệp.

    15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt - Ảnh 4.

    Cơn sốt Võ Lâm Truyền Kỳ bùng nổ tại Việt Nam ngay sau khi ra mắt

    Tuy nhiên, đây là lúc khó khăn bắt đầu dồn dập đến với VNG, khi mà công ty không có tiền để… mua server. Còn nhớ, CCU (số người chơi online cùng thời điểm) đã tăng vọt lên đến 30.000, kéo theo đó là các hệ lụy lag, nghẽn server ảnh hưởng đến trải nghiệm của người chơi. CEO Lê Hồng Minh cùng những người vận hành trò chơi khi ấy lại tiếp tục "vò đầu bứt tóc", lên phương án để mở rộng môi trường cho game thủ thỏa chí trải nghiệm. Cuối cùng thì rất may, server đã được mua, game thủ lại tiếp tục ùn ùn đổ vào Võ Lâm Truyền Kỳ. Ấy là những ngày vui của tháng 7/2005.

    Đến đầu tháng 8/2005, VNG bắt đầu đăng tin chuyển Võ Lâm Truyền Kỳ sang hình thức thu phí giờ chơi. Điều này tạo nên một cơn sóng không nhỏ trong cộng đồng game thủ, mà phần lớn là lên tiếng phản đối, nhiều người thậm chí còn gọi điện cả tới NPH, kêu gọi bỏ không chơi game nữa. Dẫu vậy, sau khi đưa ra mức giá khá mềm là với 20.000 VNĐ/1 tuần, 60.000 VNĐ/1 tháng, làn sóng phản đối từ phía game thủ Việt bắt đầu dịu đi. Mức giá đưa ra trên thực tế khá phù hợp và vừa túi tiền với đại đa số game thủ lúc bấy giờ, vừa hạn chế được tình trạng tạo quá nhiều acc clone của dân cày, gây ảnh hưởng tới các game thủ bình thường trong server.

    15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt - Ảnh 5.

    Sau khi chuyển sang hình thức thu phí, Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn thu hút đông đảo game thủ tham gia

    Sau khi kênh nạp thẻ chính thức được ra mắt vào ngày 5/8, ngay trong ngày đầu đã giúp NPH thu về khoảng 800 triệu VND, tạo động lực cho các nhân viên VNG tiếp tục phát triển dự án Võ Lâm Truyền Kỳ trong tương lai.

    15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt - Ảnh 6.

    Thiên Hạ Đệ Nhất Bang – Giải đấu bang hội lâu đời nhất làng game Việt vẫn luôn thu hút đông đảo người tham gia.

    Gian nan là thế nhưng rồi quả ngọt cũng đến với VNG. Võ Lâm Truyền Kỳ đã có đến 15 năm thịnh hành ở thị trường game Việt dù qua bao thăng trầm về cả công nghệ lẫn thị hiếu người dùng. Võ Lâm Truyền Kỳ ban đầu là một trò chơi trực tuyến bình thường nhưng từng bước đã làm nên bao chiến tích ở ngành game Việt. Hình thành hàng loạt các khái niệm trong game online, định hình văn hóa chơi game, đi đầu trong công tác kết nối cộng đồng,… Và trên hết, Võ Lâm Truyền Kỳ đã đặt nền móng để VNG có thành công như ngày hôm nay.

    15 năm đi qua, VNG và Võ Lâm Truyền Kỳ đã luôn nỗ lực, chuyển động, làm mới mình để đi cũng thời đại. Tựa game vẫn luôn xứng đáng là "anh cả" trong ngành, vẫn được gọi tên đầu tiên khi người ta nhắc về game online, vẫn mãi là một tượng đài bất diệt trong lòng cộng đồng. Và những người đi cùng năm tháng với Võ Lâm Truyền Kỳ có quyền tự hào vì đã có cả một thanh xuân thật rực rỡ với tựa game huyền thoại này.

    15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt - Ảnh 7.

    Hành trình Võ Lâm Truyền Kỳ đồng hành cùng game thủ Việt đã và đang được tiếp nối bởi những tựa game "anh em" như Võ Lâm Truyền Kỳ II, Võ Lâm Truyền Kỳ - Công Thành Chiến, Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile. Ngày 20.12.2020, cộng đồng game thủ dòng game Võ Lâm Truyền Kỳ - Kiếm Hiệp Tình Duyên sẽ một lần nữa được "tề tựu" cùng nhau tại Đại Hội Võ Lâm, cùng "ôn cố tri tân" – nhìn lại những hồi ức đẹp và đón chờ những điều bất ngờ từ Ban điều hành dòng game này. Chương trình sẽ được livestream tại Fanpage/Youtube của các game. Thông tin chi tiết xem thêm tại http://volam15.zing.vn/

    15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt - Ảnh 8.
    >

    Tìm kiếm Blog này

    Được tạo bởi Blogger.

    Nhãn